Nghi vấn F-16 bắn hạ tiêm kích bom Su-34 của Nga: Nhận định của báo Ukraine

Thông tin chiến đấu cơ Su-34 bị rơi ban đầu do một lính dù Nga đăng tải trên mạng xã hội Telegram.

Ảnh minh họa tiêm kích bom Su-34 của Nga. Ảnh: Kyiv Post.

Chỉ là tin đồn

Đây là nhận định của truyền thông Ukraine sau khi phân tích các thông tin liên quan. Theo Kyiv Post, mọi chuyện bắt đầu từ thông tin chiến đấu cơ Su-34 bị rơi do một lính dù Nga (VDV) đăng tải thông tin trên mạng xã hội Telegram thông qua tài khoản "VDV Za Chesnost". Lính dù Nga nhận định, có thể tiêm kích bom Su-34 trị giá 42 triệu USD bị chiến đấu cơ F-16 của Ukraine phục kích và bắn rơi khi đang thả bom lượn.

Tài khoản trên chỉ có khoảng 12.400 người theo dõi và chỉ mới xuất hiện từ tháng 7/2023, tương đối muộn so với các tài khoản quân sự có uy tín khác của Nga.

Thông tin này sau đó đã lan truyền rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, Kyiv Post cho biết. Theo nguồn tin do Kyiv Post thu thập, tiêm kích bom Su-34 bị rơi ở phía đông thành phố Kramatorsk, vùng Donetsk. Hai phi công Nga được cho là đã thiệt mạng.

Hơn 3 ngày sau khi sự việc xảy ra, quân đội Nga và Ukraine đều không lên tiếng bình luận. Theo Kyiv Post, sự im lặng của Kiev là dấu hiệu cho thấy chiến đấu cơ F-16 không bắn hạ tiêm kích bom Su-34 của Nga. Bởi nếu thông tin này là thật, Ukraine sẽ công khai để chứng minh sự hiệu quả của mẫu chiến đấu cơ do Mỹ cung cấp, cũng như giúp cải thiện sĩ khí.

Tài khoản FighterBomber của một cựu phi công quân sự Nga đăng thông tin khẳng định không có chuyện Su-34 bị F-16 bắn hạ. Theo FighterBomber, có nhiều lý do dẫn tới tổn thất, bao gồm kinh nghiệm bay của phi công, trục trặc kỹ thuật và các yếu tố khách quan. Nhìn chung, luôn có rủi ro mỗi khi phi công quân sự cất cánh làm nhiệm vụ, FighterBomber cho biết.

Rủi ro rất lớn

Tờ Kyiv Post phân tích các khu vực tiêm kích bom Su-34 của Nga thường hoạt động, đánh giá khả năng tiêm kích Nga bị F-16 bắn rơi là rất khó xảy ra.

"Chiến đấu cơ F-16 khi đó phải phóng tên lửa từ khu vực cách tiền tuyến khoảng 50km, chắc chắn nằm trong phạm vi theo dõi của radar phòng không Nga, nghĩa là các hệ thống phòng không Nga hoàn toàn có thể phóng tên lửa đáp trả", Kyiv Post nhận định.

Theo Kyiv Post, khó có khả năng không quân Ukraine phê chuẩn một nhiệm vụ mang tính rủi ro cao như vậy, có thể đánh đổi một chiếc F-16 với phi công do phương Tây đào tạo để bắn hạ một máy bay Nga.

"Nguy cơ bị bắn hạ trong nỗ lực ngăn chặn tiêm kích Nga ném bom lượn là một những lý do không quân Ukraine tránh sử dụng chiến đấu cơ F-16 cho mục đích này", Kyiv Post kết luận.

Đăng Nguyễn - Kyiv Post

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghivan-f-16-ban-ha-tiem-kich-bom-su-34-cua-nga-nhan-dinh-cua-bao-ukraine-204241510100017253.htm