Nghĩ về những người thầy thuốc đáng kính

Cách đây vài tháng, không may bị đau ốm, tôi phải vào Bệnh viên Đa khoa tỉnh cấp cứu, lúc đó là hơn 2 giờ sáng, trời mùa đông mưa lạnh, rét buốt, hầu như mọi người đều chìm vào giấc ngủ say. Nhưng các thầy thuốc ở Khoa Cấp cứu trong giờ trực họ vẫn thức, đón tiếp, khám cho bệnh nhân một cách chu đáo. Nhờ sự tận tình của các thầy thuốc ở Khoa Cấp cứu và Khoa Nội tim mạch chữa trị kịp thời nên chỉ trong một thời gian ngắn tôi được ra viện, trở về với cuộc sống thường ngày mà chưa kịp nói lời cảm ơn các y, bác sĩ.

 Bác sĩ hội chẩn trước khi can thiệp nội mạch cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh: P.A

Bác sĩ hội chẩn trước khi can thiệp nội mạch cho bệnh nhân đột quỵ - Ảnh: P.A

Từ ngày còn nhỏ tôi đã có ấn tượng rất tốt về người thầy thuốc, bởi vậy dù nhiều người có nhận xét tiêu cực, có những hành vi thô bạo, không đúng với người thầy thuốc thì tôi vẫn nghĩ những người làm nghề thầy thuốc vẫn là người đáng kính. Bạn bè tôi, nhiều người thi vào Trường Đại học Y Huế trong những năm 1980-1990 đều là những người tài giỏi có năng lực. Tôi vẫn nhớ không ít người thi đỗ vào Trường Đại học Y Huế những năm ấy bao giờ cũng hơn điểm các trường khác ở Huế tới 3-4 điểm. Không những học giỏi mà các bạn ấy đều có phẩm chất, đức hạnh và kỹ năng thực hành tốt.

Sau này đi làm, tiếp xúc với nhiều người thầy thuốc, tôi thấy đó là nghề vất vả, cực nhọc, không mấy khi được nghỉ ngơi và luôn đòi hỏi sự hy sinh to lớn. Cứ vào Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực-chống độc, Khoa Tim mạch…sẽ thấy các y, bác sĩ không mấy khi được nghỉ ngơi trọn vẹn. Thậm chí những ngày nghỉ, giờ nghỉ ở nhà họ cũng phải để điện thoại ở chế độ sẵn sàng để khi trong khoa có việc cần là có mặt ngay. Công việc của họ rất thầm lặng, giành lại sự sống cho người bệnh từng phút, từng giây. Một bác sĩ ở bệnh viện tỉnh tâm sự với tôi nhiều năm rồi anh chưa bao giờ được đi nghỉ, tham quan ở một tỉnh khác, vì luôn ở trong trạng thái phải làm việc ở bệnh viện. Tôi cũng đã có lần vào phòng bệnh nhân nặng ở Khoa Hồi sức tích cực-chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh, ở đây có hàng chục bệnh nhân thở bằng máy, hầu như không có người nhà chăm sóc mà chỉ có các thầy thuốc luôn túc trực, lắng nghe, đo nhịp tim, nhịp thở, theo dõi diễn biến từng bệnh nhân để có giải pháp điều trị phù hợp.

Không ít bác sĩ tâm sự rằng họ phải chịu áp lực rất lớn, vì công việc của họ liên quan tới tính mạng người bệnh, sợ bệnh nhân kiện tụng, phải ra hầu tòa, có người phải mất việc chỉ do một vài sơ suất nhỏ.

Thông thường mỗi y, bác sĩ làm việc theo ca trực 24 giờ, ngày hôm sau được nghỉ nhưng có khi họ phải làm việc liên tục trong nhiều ca vì bệnh viện thiếu người. Những người thầy thuốc có mở thêm phòng mạch riêng thì hầu như suốt ngày của họ chỉ có công việc và công việc. Hết làm việc ở cơ sở y tế lại làm việc ở nhà cho tới 20-21 giờ đêm mới được nghỉ. Căng thẳng, ít được nghỉ ngơi nhất là đối với những bác sĩ giỏi, phải tham gia nhiều ca phẫu thuật. Mấy năm trước khi mà bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng còn làm Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, tôi có vài lần trò chuyện cùng anh. Đây là khoa mới thành lập, có tính đăc thù cao, hầu hết những bệnh nhân ở đây bị bệnh nặng, họ đã đi điều trị ở các bệnh viện tuyến trên nhưng không khỏi bệnh, được trả về quê, họ vào Khoa Ung bướu, Bệnh viện tỉnh cho gần nhà chứ ít hy vọng được cứu chữa. Mặc dù vậy “còn nước còn tát” các thầy thuốc trong khoa vẫn tận tình cứu chữa, động viên tinh thần người bệnh có được niềm lạc quan để chiến thắng bệnh tật hiểm nghèo. Do bác sĩ Dũng, Trưởng khoa luôn gần gũi được mọi người quý mến nên anh kể thường được bệnh nhân tặng cà phê và người nhà bệnh nhân mời đến nhà ăn giỗ. Mặc dù là bác sĩ trẻ và giỏi về chuyên môn (anh làm Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Quảng Trị), bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng cũng như nhiều bác sĩ khác chỉ sống với đồng tiền lương và phụ cấp ít ỏi mà không đi làm thêm ở bên ngoài, anh tìm thú vui trong công việc hoặc thỉnh thoảng đi câu cá để thư giãn. Thời gian sau này, bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng được cấp trên tin tưởng giao cho nhiệm vụ làm lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ, rồi Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà nhưng anh vẫn giữ được tâm thế bình tĩnh, thư thái như những ngày còn làm ở Khoa Ung bướu, Bệnh viện tỉnh.

Ngày nay y học đã có những bước tiến vượt bậc trong việc chế tạo ra các phương tiện, thiết bị máy móc hiện đại và tìm ra nhiều loại thuốc đặc trị nhưng để phẫu thuật, nối mạch máu, thay tim, gan, thận và “sửa chữa” các bộ phận trong cơ thể bị hư hỏng thì hầu như máy móc chưa thể làm được, mà công việc đó luôn cần tới những bác sĩ tài hoa, hết lòng vì người bệnh.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra thì vai trò của người thầy thuốc lại được đề cao hơn lúc nào hết, họ luôn ở tuyến đầu trong phòng chống dịch, họ luôn làm việc với cường độ cao, có khi phải thức trắng nhiều ngày đêm ở các bệnh viện hoặc trong các vùng tâm dịch để cứu chữa bệnh nhân. Áp lực từ công việc chung đã làm cho nhiều người cố quên đi hoặc gác lại bao nhiêu công việc bề bộn, cấp bách của gia đình để cứu chữa người bệnh qua cơn hiểm nghèo. Họ thật đáng kính biết bao!.

Phước An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155768