Nghĩ về phê bình và sửa chữa từ tác phẩm Sửa đổi lối làm việc
Cách đây 75 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết định, chuẩn bị Chiến dịch Thu Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc.
Đây được xem là cuốn sách giáo khoa với nhiều chỉ dẫn sâu sắc, toàn diện về giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng của Đảng, của Nhà nước. 75 năm qua, những tư duy đổi mới vượt thời đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra vẫn còn nguyên giá trị, trong đó có nội dung về phê bình.
* Tự soi rọi lại mình
Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và hoạt động theo 5 nguyên tắc cơ bản, một trong những nguyên tắc đó là “tự phê bình và phê bình”. Tự phê bình và phê bình cũng được xem là quy luật phát triển của Đảng. Cũng vậy, tự phê bình và phê bình để mỗi người tự soi rọi lại mình, tự tu sửa và cũng giúp nhau tiến bộ. Nếu không thành thật tự phê bình và phê bình thì khuyết điểm nhỏ sẽ cộng mãi lại thành khuyết điểm to và sẽ rất có hại. Nếu phê bình và sửa chữa tốt các khuyết điểm sẽ phát huy được các ưu điểm, mà nhiều ưu điểm nhỏ cộng lại sẽ thành ưu điểm lớn, điều này rất cần thiết.
Phần đầu tiên của tác phẩm Sửa đổi lối làm việc là mục “Phê bình và sửa chữa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người, phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phê bình là để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp nhau cùng tiến bộ và để góp phần đoàn kết nội bộ. Trong thực tế, đã xuất hiện tình trạng đi ngược lại mục đích tốt đẹp này của phê bình. Có những người đã lợi dụng phê bình để công kích, bươi móc lẫn nhau. Cũng có những người đã lợi dụng phê bình để tự khen nhau, tâng bốc nhau. Vì vậy mà Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa (Kết luận số 21) đã thẳng thắn chỉ ra: “Tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức Đảng còn hạn chế”.
* Phê bình việc chứ không phê bình người
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã là con người ai cũng có cái hay, cái dở, đã làm việc ai cũng có thể mắc sai lầm. Trong thực tế, có những người mắc những sai lầm nhỏ bởi không có ai đó chỉ ra cho họ để kịp thời khắc phục, vì vậy những sai nhỏ cứ cộng dồn lại mãi mà thành sai lớn. Việc phê bình không phải để khen nhau, để nịnh nhau, càng không phải để dùng “những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc” mà cần phải chỉ ra cả những ưu, khuyết điểm.
Trong bài nói tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 28-11-1959, được Báo Nhân Dân số 2093, đăng ngày 9-12-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “…Chỉ có hai hạng người không mắc khuyết điểm: là đứa bé còn ở trong bụng mẹ và người đã chết bỏ vào quan tài. Có hoạt động thì khó tránh khỏi khuyết điểm. Nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình và kiên quyết sửa chữa”.
Đặc biệt, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phê bình ở đây là phê bình việc chứ không được phê bình người. Đây là một tư tưởng lớn với những kiến giải rất con người, rất đời thường, không cao siêu, giáo điều mà gắn chặt với thực tiễn. Trong thực tế đã có những tổ chức, những người lợi dụng phê bình để công kích cá nhân mà không hề góp ý cho nhau sửa chữa sai lầm, thiếu sót. Những khi ấy không hiểu họ có nhớ lời căn dặn này của Bác Hồ trong khi suốt ngày ra rả phô trương học và làm theo Bác?
Kết luận số 21 đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nhóm nhiệm vụ đầu tiên là “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình”. Theo đó, giải pháp tự phê bình và phê bình được xác định là: “Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, "dĩ hòa vi quý".