Nghĩa tình người Việt ở Nakhon Phanom

Từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), theo con đường bằng phẳng khoảng 240 km, du khách sẽ đến cầu Hữu Nghị 2 nối liền thành phố Savannakhet của Lào với thành phố Mukdahan, nơi được người Thái gọi là cửa ngõ nối Đông Dương của Thái Lan. Từ đây đi thêm 100 km trên con đường 212 dọc theo dòng Mê Kông, du khách sẽ đến một trong ba thành phố đáng sống nhất Thái Lan: Nakhon Phanom.

Du khách Việt Nam và bà con Việt kiều bên chân dung Bác Hồ tại Làng hữu nghị Thái - Việt ở Nakhon Phanom (Thái Lan) -Ảnh: Đ.T

Du khách Việt Nam và bà con Việt kiều bên chân dung Bác Hồ tại Làng hữu nghị Thái - Việt ở Nakhon Phanom (Thái Lan) -Ảnh: Đ.T

Nakhon Phanom là tỉnh nằm ở khu vực Đông Bắc Thái Lan, trong vùng đồng bằng rộng lớn với khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Quy mô thành phố Nakhon Phanom không phải quá lớn hay quá nhỏ, nhưng có đầy đủ mọi thứ để đáp ứng cho một cuộc sống hiện đại, có bến xe, ga tàu (đang xây dựng), quán cà phê, quán bar, rạp phim, siêu thị... Nakhon Phanom là một thành phố xinh xắn, thơ mộng nằm bên bờ sông Mê Kông và yên bình như một làng quê.

Anh Surasak Mingcharoen (tên Việt là Trần Hữu Phước), người mà gia đình đã đến thế hệ thứ 6 sinh sống trên đất Thái Lan nhưng vốn tiếng Việt thì không khác gì người Việt. Gặp anh, tôi hết sức ngạc nhiên khi biết trước đây anh là thợ sửa xe ô tô, học chưa hết cấp 2. Bằng nỗ lực tự học, tự nghiên cứu, anh đã được Trường Đại học Nakhon Phanom mời về làm giảng viên thỉnh giảng môn Tiếng Việt. Anh là hướng dẫn viên cho nhiều đoàn khách VIP từ Việt Nam sang. Bây giờ anh là Giám đốc Công ty du lịch KAO KLAI nổi tiếng. Anh nói, Nakhon Phanom là 1 trong 3 thành phố đáng sống nhất Thái Lan là vì ở đây có “3 lành”: không khí trong lành, con người hiền lành và ẩm thực ngon lành. Nhưng tình cảm sâu đậm nhất mà du khách Việt có thể cảm nhận được nơi đây là tình người. Tình người với người, đặc biệt là tình người Việt với quê hương.

Người dân Nakhon Phanom rất thân thiện và nhẹ nhàng, chậm rãi. Họ nhẹ nhàng trong lời nói, chậm rãi trong việc làm và cả tư duy, đồng thời họ rất thân thiện, nụ cười luôn nở trên môi. Họ ít khi nói tiếng to bao giờ.

Ngay ở cửa khẩu, các nhân viên an ninh cũng từ tốn, nhẹ nhàng như vậy. Còn bà con Việt kiều khi nói về quê hương Việt Nam thì hào hứng, say sưa lắm. Số dân gốc Việt ở tỉnh này khoảng hơn 1 vạn người nên ở đâu, nhất là ở chợ đêm, ta có thể bắt gặp nhiều người nói tiếng Việt.

Vì họ nói giọng vùng Bắc Trung Bộ nên nếu du khách là người các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... rất dễ dàng hòa đồng cứ như đang ở trên quê hương mình.

Dù đã trải qua nhiều thế hệ đến sinh sống, lập nghiệp nhưng Việt kiều ở đây vẫn còn duy trì rất nhiều phong tục, tập quán Việt Nam. Đám tang người quá cố vẫn được tổ chức theo phong tục Việt, không hỏa táng như người Thái mà chôn cất, xây lăng đắp mộ như ở Việt. Làng người Việt vẫn có miếu thờ Thành hoàng (thường Đức Thánh Trần Hưng Đạo được thờ như Thành hoàng của người Việt ở đây).

Gần 20 năm thường xuyên đi về Quảng Trị - Nakhon Phanom, quen mặt biết tên gần khắp nhưng kiều bào ở đây luôn tạo cho tôi những bất ngờ. Mà điều bất ngờ đầu tiên là khả năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp và còn bất ngờ hơn nữa là tình cảm của bà con kiều bào nơi đây đối với quê hương, Tổ quốc, đặc biệt là đối với Bác Hồ kính yêu.

Từ những ngày đầu mới sang, ấn tượng đầu tiên của tôi là bà con có thể ngồi kể say sưa hàng giờ về Bác với những câu chuyện cảm động mà những người ở Việt ít được nghe và có thể chưa nghe bao giờ.

Tất cả tình cảm đó được hun đúc từ tấm gương hy sinh cho Tổ quốc của Bác và sự quan tâm của Bác đã dành cho người dân nơi đây. Kiều bào ở Nakhon Phanom vẫn kể những câu chuyện về những tháng năm Bác Hồ ở Thái: “Bên cạnh việc tham gia lao động sản xuất, vận động bà con làm ăn, đoàn kết yêu thương, giúp đỡ nhau, ông Thầu Chín (bí danh của Bác Hồ) còn làm công tác tuyên truyền và tổ chức “Hội Thân ái”, thành lập tờ báo Thân ái.

Người bị theo dõi ráo riết. Gặp khi nguy hiểm, Người đã phải lánh vào chùa để tiếp tục hoạt động”. Vì cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người dân nên những câu chuyện của Bác cứ lan truyền mãi từ đời này sang đời khác với người dân nơi đây. Vì vậy, năm 1969 lúc biết tin Bác đi xa, cả vùng đất này, nhà nhà đều lập bàn thờ Bác theo phong tục Việt Nam.

Cũng tại thành phố Nakhon Phanom đã diễn ra cuộc họp Liên Chính phủ Thái - Việt. Ngày 22/2/2004, trong cuộc họp lịch sử này, Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra cùng Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải khai trương Làng hữu nghị Thái - Việt ở bản Mạy. Ngày 27/6/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Làng hữu nghị Thái - Việt tại bản Mạy. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trao tặng Tỉnh hội Việt kiều và tỉnh Nakhon Phanom số tiền 30 tỉ đồng để xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày nay, hằng năm có hàng trăm đoàn khách đến Nakhon Phanom, hầu như đoàn khách Việt Nam nào đến đây cũng ghé thăm ngôi nhà của Bác ở bản Mạy, để tưởng niệm, ghi nhớ công ơn trời biển của Bác và chụp một tấm hình để lưu niệm một chuyến đi, đồng thời “ghi dấu, nhắc nhở mình luôn sống sao cho xứng đáng với công lao to lớn của Bác Hồ”, như lời anh Nguyễn Thanh Đạo ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ khi đến đây.

Còn nhớ tròn 20 năm trước, năm 2003 lãnh đạo tỉnh Nakhon Phanom đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị về việc đưa học sinh Việt Nam sang học tập tại Thái Lan.

Sau đó một đoàn cán bộ và học sinh Quảng Trị sang du học tại đây, mở đầu cho phong trào du học Thái Lan rầm rộ trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung từ lúc đó và đến bây giờ.

Rồi đây, khi Quốc lộ 9 được nâng cấp thành cao tốc Đông Hà - Lao Bảo, sự giao lưu văn hóa cùng giao thương kinh tế trên Hành lang kinh tế Đông - Tây ngày càng mạnh mẽ thì với người Việt Nam, thành phố Nakhon Phanom càng gần gũi hơn, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Mạy sẽ là điểm đến ấn tượng và quan trọng trong “Hành trình theo chân Bác” trên đất nước Thái Lan.

Trần Xuân Huy

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/nghia-tinh-nguoi-viet-o-nakhon-phanom/178098.htm