Nghiêm cấm thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai

Tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, chiều nay, 22.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người từ sớm, từ xa

Trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này gồm 8 chương và 65 điều (giảm 1 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ các điều 34, 56, 58, 59; bổ sung các điều 21, 40 và 64; sửa đổi 63 điều, giữ nguyên 2 điều).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai” vào khái niệm mua bán người tại khoản 1 Điều 2 làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai; có ý kiến băn khoăn thực tiễn hiện nay đã xảy ra tình trạng thỏa thuận mua bán bào thai trong bụng mẹ nhưng để nhằm nuôi dưỡng đứa trẻ sau khi sinh thì trường hợp này có phải là mua bán người hay không?

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua rà soát quy định của pháp luật liên quan, trong một số trường hợp quyền dân sự chỉ có thể được xác lập sau khi một người được sinh ra và còn sống; theo quy định của Bộ luật Hình sự thì việc phạm tội đối với phụ nữ mang thai chỉ bị coi là tình tiết tăng nặng mà không bị coi là phạm tội đối với nhiều người.

Như vậy, về mặt pháp lý chỉ được coi là người khi được sinh ra và còn sống. Theo y học thì bào thai cũng chưa được xác định là con người. Khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật quy định khái niệm về mua bán người, trong khi bào thai chưa được xác định là con người như trên đã phân tích nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp.

Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra đang là thực tế đáng lo ngại. Việc thỏa thuận mua bán này thực chất là tiền đề của hành vi mua bán người (mua bán người từ giai đoạn còn đang là bào thai), nhưng việc xử lý hành vi này lại chưa được pháp luật điều chỉnh.

Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng, chống mua bán người từ sớm, từ xa; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật đã quy định hành vi nghiêm cấm “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Bảo đảm chính xác và chặt chẽ

Quan tâm đến nội dung này, ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) nêu rõ, mua bán bào thai là thủ đoạn mới xuất hiện gần đây của tội phạm mua bán người, tuy nhiên, vấn đề này thời gian qua cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý. Đối tượng phạm tội thường tìm đến những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa để dụ dỗ ra nước ngoài sinh con và bán lấy tiền hoặc trao đổi bằng các hiện vật khác. Việc thỏa thuận này về bản chất là tiền đề của việc mua bán trẻ em, tuy nhiên việc xử lý còn khó khăn vì chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự.

 Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

“Để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, bảo vệ quyền lợi của trẻ em, việc bổ sung quy định tại khoản 2, Điều 3 tại dự thảo Luật về “nghiêm cấm hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai” là hết sức cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, đại biểu Thái Thị An Chung nhấn mạnh.

Theo đại biểu, quy định này sẽ góp phần trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ và phù hợp với các quy định của công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Tuy nhiên, trên thực tiễn, việc mua bán bào thai có thể nhằm mục đích mua bán trẻ em sau khi được sinh ra nhưng cũng có thể nhằm mục đích khác. Quy định trong dự thảo Luật lần này đã xử lý được hành vi nhằm mục đích mua bán trẻ em nhưng chưa xử lý được hành vi có mục đích khác.

Bộ luật Hình sự có quy định tội phạm đối với hành vi mua bán, chiếm đoạt trái phép mô hoặc bộ phận cơ thể người tại Điều 154, nhưng thai nhi lại không phải là bộ phận cơ thể người. Do đó, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung thêm quy định nghiêm cấm mua bán bào thai người tại khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị bổ sung tại Điều 2 về giải thích từ ngữ thế nào là bào thai để việc triển khai, áp dụng trong thực tiễn được thống nhất, thuận lợi.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến Điều 27 về tiếp nhận, xác minh người đến trình báo là nạn nhân, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân” vào sau cụm từ “Tiếp nhận, xác minh người đến trình báo là nạn nhân” để bảo đảm thể hiện đầy đủ với nội hàm được quy định tại Điều này.

Khoản 1, Điều 27 quy định “Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, cơ quan, tổ chức tiếp nhận trình báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở...”.

Việc quy định “chuyển ngay người đó đến UBND cấp xã” một mặt chưa xác định “người đó” là người nào, người cho rằng mình là nạn nhân hay người đại diện hợp pháp của họ? Mặt khác, quy định này cũng không khả thi trong các trường hợp người trình báo là đại diện hợp pháp của nạn nhân và nạn nhân hiện đang không có mặt tại địa phương nơi trình báo. Hơn nữa, dùng từ “chuyển” cũng không phù hợp, vì đây là con người, không phải là vật hoặc đồ vật và họ cũng cần được bảo vệ trong quá trình đến trình báo.

 Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét sửa đổi, bổ sung cụm từ “chuyển ngay người đó đến UBND cấp xã...” bằng cụm từ “… bảo vệ và đưa ngay người đó hoặc thông báo đến UBND cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở…”. Với quy định như vậy, sẽ bảo đảm tính chặt chẽ, không tạo khoảng trống pháp luật.

Bày tỏ đồng tình, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, việc gộp chung thủ tục tiếp nhận người đến trình báo là nạn nhân và thủ tục người đến trình báo là người đại diện hợp pháp của nạn nhân là chưa phù hợp. Đại biểu đề nghị cần sửa đổi quy định này để bảo đảm chính xác và chặt chẽ hơn.

Tại khoản 2 Điều 27 quy định chậm nhất 3 ngày kể từ khi nhận được thông báo của UBND cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ và phối hợp với cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương xác minh thông tin ban đầu trong trường hợp người được trình báo là nạn nhân chưa có giấy xác nhận là nạn nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này.

 Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị điều chỉnh thời hạn chậm nhất 3 ngày thành 24 giờ sau khi nhận được thông báo để lực lượng chức năng thực hiện tiếp nhận, hỗ trợ, qua đó bảo đảm tính kịp thời. Bên cạnh đó, đề nghị quy định trường hợp khẩn cấp gọi điện báo về việc mua bán người đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em - 111; bổ sung thêm quy định gắn với trách nhiệm tổng đài 111 vào dự thảo Luật vì phần lớn trẻ em là nạn nhân của việc mua bán người.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghiem-cam-thoa-thuan-mua-ban-nguoi-tu-khi-con-dang-la-bao-thai-post394017.html