Nghiên cứu cơ chế đặt thù, vượt trội để phát triển vùng đồng bào dân tộc
Sáng 5/11, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hà Nội lần thứ IV năm 2024 đã chính thức khai mạc. Đại hội là đợt sinh hoạt chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô.
Tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hà Nội lần thứ IV năm 2024, về phía các bộ ngành, có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’Đăm; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông.
Về phía TP Hà Nội, có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên, cùng đại diện các bộ ngành Trung ương, TP Hà Nội và đặc biệt là sự góp mặt của 250 đại biểu đại diện cho hơn 10,7 vạn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô.
Đời sống đồng bào không ngừng được nâng cao
Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, chỉ thị, nghị quyết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động tối đa nguồn lực của TP và các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô.
Báo cáo chính trị được Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân thông qua tại Đại hội nhấn mạnh thành công nổi bật trong việc thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hà Nội lần thứ III năm 2019. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi duy trì bình quân trên 10% năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Ngày càng có nhiều điểm sáng về sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả gắn với các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… Qua đó đã từng bước thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc thiểu số theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, gắn với hội nhập kinh tế quốc tế.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt là hệ thống điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư từ sớm, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân và yêu cầu phát triển của cả vùng và khu vực.
Thu nhập và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, đến nay đã tăng hơn 2 lần so với năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số giảm nhanh, dự kiến đến năm 2025 Hà Nội sẽ không còn hộ nghèo. Nhiều vấn đề bức thiết tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số đã được tập trung giải quyết có hiệu quả như: bố trí ổn định dân cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ thiếu đất sản xuất, cung cấp nước sạch, bảo hiểm y tế…
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được thực hiện có hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tiến bộ. Nhờ đó, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước…
Đoàn kết tương trợ, vun đắp khát vọng vượt khó
Những kết quả rất tích cực và toàn diện trong công tác dân tộc của TP Hà Nội trong những năm qua cho thấy, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và TP Hà Nội, nhân tố then chốt và quyết định sự thành công là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của từng cộng đồng các dân tộc, sự linh hoạt, sáng tạo trong hành động của mỗi gia đình, mỗi cá nhân đồng bào dân tộc.
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hà Nội Hà Nội lần thứ IV diễn ra trong thời điểm rất ý nghĩa, TP đang nỗ lực thi đua hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đã đề ra.
Khẳng định những thành tựu về công tác dân tộc trong thời gian vừa qua là rất quan trọng, đáng phấn khởi; tuy nhiên còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc. Xác định việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, có tính chiến lược lâu dài trong quá trình phát triển của Thủ đô.
“Trong quá trình thực hiện công tác dân tộc, phải bám sát chủ trương, đường lối của Trung ương, TP và tình hình thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số…” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu yêu cầu.
Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hà Nội lần thứ IV năm 2024, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã trao tặng 4 Kỷ niệm chương, 6 Bằng khen cho 1 tập thể và 5 cá nhân; Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng 50 Bằng khen cho 14 tập thể và 36 cá nhân vì có đóng góp tích cực trong thực hiện công tác dân tộc.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục huy động, ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tạo điều kiện để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với vùng ngoại thành và đô thị. Đồng thời, quan tâm công tác bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các của dân tộc trên địa bàn Thủ đô.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đề nghị Ban Dân tộc chủ trì tham mưu việc rà soát, điều chỉnh, ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô. Trong đó, đặc biệt lưu ý những cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội trong công tác dân tộc được quy định trong Luật Thủ đô năm 2024.
Các địa phương tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội các cấp; trong đó chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là ở các thôn, bản; thực hiện tốt chính sách pháp luật dân chủ ở cơ sở, phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đối với các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh mong muốn cộng đồng các dân tộc tiếp tục giữ gìn tình đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp. “Sức mạnh đoàn kết phải được bắt đầu từ tình thương yêu trong mỗi gia đình, sự gắn kết các dòng họ, tinh thần tương trợ, tối lửa tắt đèn có nhau giữa các hộ dân, kết nghĩa chia sẻ giữa các dân tộc. Tương lai ngày mai phụ thuộc vào những gì chúng ta chuẩn bị hôm nay. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau vun đắp khát vọng vượt khó, phấn đấu làm giàu chính đáng ngay tại mảnh đất quê hương của mình…” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ mong muốn.
Một số chỉ tiêu đề ra tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hà Nội lần thứ IV năm 2024
Thu nhập bình quân của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với Nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội. Cơ bản không còn hộ nghèo. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt từ 95% trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80 - 85%; 100% thôn, làng có nhà văn hóa; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa đạt 95%; duy trì 100% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch và tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn theo quy định. Tiếp tục giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đảng bộ xã và chi bộ thôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.