Nghiên cứu không bao giờ là muộn

Tính cách sống và làm việc của TS Phạm Thị Kim Trang được thể hiện trong châm ngôn: 'Nghiên cứu không bao giờ là muộn, nếu mình có niềm tin và đam mê'. Kim Trang bắt đầu sự nghiệp khoa học khá muộn. Đề tài mang tính ứng dụng cao 'Nghiên cứu sử dụng các chỉ thị hóa - sinh để đánh giá mức độ ô nhiễm Asen trong nước giếng khoan và mối tương quan với thâm nhiễm Asen trên người' đã đem đến cho Kim Trang bằng Tiến sĩ. Lúc đó chị đã chầm chậm bước vào tuổi 40. Chị cho hay sự 'chậm trễ' của mình.

Tiến sĩ Kim Trang trong phòng nghiên cứu.

Tiến sĩ Kim Trang trong phòng nghiên cứu.

- Tôi tốt nghiệp đại học Khoa học tự nhiên ĐHQGHN ngành hóa - lý. Được ở lại trường làm công tác giảng dạy. Rồi xây dựng gia đình, lần lượt 3 con nhỏ ra đời trong những năm cuộc sống vô cùng khó khăn. Chồng bận rộn với công việc của mình, người mẹ với 3 con nhỏ, khó có thể bứt ra để toàn tâm cho khoa học. Tuy nhiên tranh thủ mọi thời gian có thể, tôi đã hoàn thành luận văn thạc sĩ, và mấy năm sau hoàn thành luận án tiến sĩ. Nhưng phải sau nhiều năm, khi các con đã lớn, cuộc sống cơ bản ổn định, tôi mới thực sự toàn tâm cho giấc mơ khoa học của mình.

TS Kim Trang tâm niệm, khoa học và các đề tài nghiên cứu phải thiết thực giúp ích cho con người. Sau khi được thẩm định, sản phẩm nhanh chóng chuyển giao để đưa vào ứng dụng. Asen như một mối lương duyên gắn TS Phạm Thị Kim Trang với những nhà khoa học cùng chí hướng tại Trung tâm CETASD và các nhà khoa học nước ngoài. Rất may, vào thời điểm đó, các nhà khoa học Thụy Sĩ đang cộng tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ nước, chị được lãnh đạo Viện chấp nhận cử tham gia nghiên cứu và xử lý nước sạch. TS giải thích thêm về công việc mà chị cùng đồng sự nước ngoài thực hiện.

- Trong lĩnh vực công nghệ nước, asen, là một á kim độc hại, có ký hiệu As. Tôi cùng các đồng nghiệp Việt Nam và quốc tế đã chuyên tâm điều tra, khảo sát và nghiên cứu tổng hợp về ô nhiễm asen trong nước ngầm tại Việt Nam. Những tác hại khi asen thâm nhiễm vào con người và các giải pháp giảm thiểu sự phơi nhiễm bằng bể lọc cát, tìm hiểu khả năng ứng dụng vi khuẩn để phát hiện ô nhiễm asen, tìm hiểu asen tồn tại và hoạt động trong nước ngầm cùng những yếu tố ảnh hưởng do con người gây nên.

Trong quá trình khảo sát thực địa, phát hiện và tìm đến các giải pháp xử lý asen, TS Kim Trang đã cho công bố hơn 20 bài báo quốc tế về vấn đề asen. Chị đã gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu asen tại CETASD suốt 15 năm qua. Những thành công trong quá trình hợp tác với các nhà khoa học Thụy Sĩ đã đưa chị và đồng nghiệp đến với giải Nhất của Tạp chí Khoa học Công nghệ Môi trường của Hoa Kỳ trong đó bài báo “Cơ chế làm chậm sự di chuyển của Asen qua tầng chứa nước sâu Pleistocene” được giới khoa học môi trường quốc tế đáng giá cao, được tuyển đăng trên tạp chí Nature danh giá hàng đầu thế giới trong lĩnh vực môi trường.

7 năm lăn lộn với công nghệ nước sạch, khoan giếng ở nhiều nơi trong mưa gió, mệt nhọc bền bỉ trong nhiều ngày đêm để có được những mẫu điển hình đưa vào phân tích; nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công bản đồ về “nguy cơ và mức độ nhiễm Asen trong nước giếng khoan”, đồng thời đánh giá được mức độ tích lũy Asen trong cơ thể con người. Đó là những bằng chứng cảnh báo tính nghiêm trọng của asen để có giải pháp tích cực phòng tránh các tác hại do asen gây ra.

Như Nguyễn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nghien-cuu-khong-bao-gio-la-muon-162304.html