Nghiên cứu quan trọng về nguy cơ mang bệnh trong gene lặn ở phụ nữ

Nghiên cứu về nguy cơ mang bệnh trong gene lặn ở phụ nữ được thực hiện bởi TS Nguyễn Hữu Trung và cộng sự ở Đại học Y dược TPHCM...

Bảng tóm tắt kết quả nghiên cứu.

Bảng tóm tắt kết quả nghiên cứu.

Xét nghiệm di truyền trên những người lành, không có triệu chứng bệnh nhằm phát hiện đột biến gene lặn liên quan đến bệnh di truyền nằm trên nhiễm sắc thể thường hay liên kết với nhiễm sắc thể X.

Tìm bệnh ở người không mang bệnh

TS Nguyễn Hữu Trung và cộng sự ở Đại học Y dược TPHCM vừa thực hiện nhiệm vụ khoa học xây dựng mô hình tầm soát người mang mở rộng ở phụ nữ Việt Nam bằng kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới.

Tầm soát "người mang" đột biến gene lặn, gọi tắt là tầm soát "người mang" (carrier screening) là xét nghiệm di truyền được tiến hành trên những người lành (không có triệu chứng bệnh) nhằm phát hiện đột biến gene lặn liên quan đến bệnh di truyền nằm trên nhiễm sắc thể thường hay liên kết với nhiễm sắc thể X. Bệnh di truyền do đột biến gene lặn gây ra chỉ biểu hiện thành bệnh khi người con nhận nửa dữ liệu di truyền mang gene lặn đột biến từ cha và mẹ.

TS Nguyễn Hữu Trung cho biết, các sàng lọc sơ sinh phổ biến hiện nay dựa trên xét nghiệm sinh hóa và được tiến hành một cách thụ động sau khi bé được sinh ra đời. Các xét nghiệm chủ yếu tập trung vào các bệnh chuyển hóa như thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh và tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh. Những bệnh như bệnh teo cơ tủy, rối loạn dự trữ lysosome hay loạn dưỡng cơ vẫn chưa có các chỉ dấu sinh hóa đặc hiệu giúp sàng lọc và phát hiện sớm bệnh.

Các kỹ thuật sinh học phân tử như MLPA, multiplex PCR, real-time PCR và giải trình tự Sanger cũng đã và đang được đưa vào sử dụng trong sàng lọc và hỗ trợ xác định chẩn đoán. Tuy nhiên, do các kỹ thuật này chỉ có khả năng phát hiện đột biến đã biết trên một số trình tự gene mục tiêu nên thường chỉ được chỉ định khi thai nhi hoặc trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ đối với một bệnh cụ thể.

Đa phần các rối loạn di truyền hiện vẫn chưa có phương thức điều trị hiệu quả, trẻ sinh ra có thể bị khiếm khuyết về thể chất và trí não, dẫn đến các gánh nặng về tài chính và tâm lý cho gia đình.

Hiện nay, trong quản lý thai kỳ trước sinh, việc tầm soát các bệnh lý liên quan di truyền như thiếu máu tan huyết (thalassemia) cũng chỉ được tiến hành khi phụ nữ đã mang thai và xét nghiệm sinh hóa thấy thiếu máu nặng; hoặc các bệnh lý xơ nang (cystic fibrosis) hay teo cơ tủy (spinal muscular atrophy) được chỉ định thực hiện xét nghiệm tìm đột biến gene khi đã phát hiện các bất thường trên siêu âm hình thái học thai nhi. Việc sàng lọc "người mang" nhằm dự đoán nguy cơ, phòng ngừa các trường hợp mắc bệnh ở trẻ là vô cùng cần thiết.

Phát hiện sớm bệnh bẩm sinh

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình giải trình tự thế hệ mới và xác định các biến thể trên 586 genes của bộ tầm soát "người mang" mở rộng; xác định tỷ lệ một số gene và đột biến gây bệnh hiện diện trong cộng đồng thông qua việc thu nhận dữ liệu giải trình tự và phân tích kết quả của 586 genes trong bộ tầm soát "người mang" mở rộng trên 340 phụ nữ chuẩn bị hoặc đang mang thai dưới 3 tháng đầu thai kỳ; xây dựng bộ tài liệu dùng tư vấn trước khi xét nghiệm và sau khi có kết quả xét nghiệm dành cho nhân viên y tế và người tham gia tầm soát; xây dựng cơ sở dữ liệu lưu trữ về các biến thể gene ở người tham gia nghiên cứu.

Qua khảo sát 586 phenotype genes ở 338 phụ nữ tuổi sinh sản tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 2) cho kết quả, tần suất của một người phụ nữ Việt Nam, mang 1 gene lặn đột biến trong nhóm nghiên cứu là 63,6%, trong đó tỷ lệ phụ nữ thuộc dân tộc kinh mang đột biến là 63,8%.

Dựa vào kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả cũng xây dựng được 1 quy trình sử dụng phương pháp giải trình tự gene (quy trình giải trình tự thế hệ mới) trong xét nghiệm tầm soát người mang, 1 bộ tài liệu tư vấn bệnh lý di truyền cho bác sĩ bằng tiếng Việt và tiếng Anh và toàn bộ cơ sở dữ liệu về 586 phenotype genes của phụ nữ tuổi sinh sản tại Việt Nam.

Theo nhóm nghiên cứu, dữ liệu về đột biến trên các gene liên quan đến bệnh di truyền của 340 người chọn ngẫu nhiên trong đề tài này có thể cung cấp những số liệu bước đầu về tần suất các gene, các biến thể gây bệnh, và panel gene bệnh ở người Việt Nam. Các dữ liệu khi thu thập đủ để có ý nghĩa thống kê, sẽ hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng các chính sách Nhà nước về cải thiện chất lượng dân số.

Công nghệ NGS (giải trình tự thế hệ mới) gần đây đã bắt đầu phát triển ở Việt Nam với nhiều công trình nghiên cứu. Cách tiếp cận của đề tài này sẽ đóng góp thêm vào việc kiểm soát chất lượng giải trình tự, việc xây dựng bộ tiêu chí phân loại biến thể và công cụ lưu trữ dữ liệu gene ở người tham gia nghiên cứu.

Từ kết quả của đề tài, nhóm nghiên cứu đề xuất triển khai chương trình tầm soát người mang với panel 13 genes bệnh đặc trưng cho phụ nữ Việt Nam tại các đơn vị tư vấn trước khi mang thai và trước khi sinh; xây dựng chương trình tầm soát khiếm thính trước sinh lồng ghép với tầm soát khiếm thính sơ sinh nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời trẻ sơ sinh mắc phải tình trạng bẩm sinh này.

Nhật Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghien-cuu-quan-trong-ve-nguy-co-mang-benh-trong-gene-lan-o-phu-nu-post704103.html