Nghiên cứu rút ngắn kỳ họp, đảm bảo dân chủ, tăng tính pháp quyền

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phải tiếp tục làm rõ hơn chức trách, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng cơ quan và mối quan hệ trong việc thực hiện và tham gia vào kỳ họp.

Đồng thời cũng phải bám sát định hướng đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nhất là đảm bảo quyền và nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.

Mặc dù các kỳ họp Quốc hội gần đây việc rút ngắn kỳ họp đã liên tục được cải tiến, nhưng nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị cần nghiên cứu cách thức rút ngắn hơn nữa thời gian kỳ họp. Đồng thời đề xuất hướng đổi mới trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi lần này.

Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho nhóm thư ký khi thảo luận ở tổ tập hợp ý kiến và có ngay báo cáo phát biểu tại tổ và cũng giao cho các cơ quan có liên quan tiếp thu, giải trình các ý kiến đã phát biểu ở tổ rồi. Qua theo dõi cũng phản ánh là có đại biểu đã phát biểu ở tổ rồi lại lấy nguyên bài đó ra phát biểu ở hội trường, nếu chúng ta rút ngắn được, tránh trường hợp cũng là nội dung ấy đã được phản ánh, đã được tiếp thu, giải trình rồi nhưng ra hội trường lại bài đó. Có cách nào để xử lý vấn đề này thì chúng ta sẽ rút ngắn được thời gian của kỳ họp”.

Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền của các các đại biểu, cũng như đảm bảo các đại biểu vùng, miền, các địa phương đều có thể tham gia phát biểu, các ý kiến đề nghị trao quyền cho người chủ tọa, người điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN ĐỨC HẢI: “Trong phát biểu ở các địa phương, vùng miền nêu về các vấn đề chưa rõ thì cũng cho phép Đoàn Chủ tịch mời, mình xin ý kiến Quốc hội thì chắc Quốc hội cũng chấp nhận, chứ mình cứng nhắc là mình cứ theo thứ tự thì cũng không nên mà mình tùy tiện thì các đại biểu khác lại cảm thấy họ đăng ký rồi, tại sao họ lại không được tôn trọng. Cho nên, vấn đề này theo tôi nghĩ cũng giao quyền linh hoạt cho người điều hành để thấy rằng nếu trường hợp gần cuối giờ thì có được hài hòa, hợp lý.”

Bà NGUYỄN THỊ THANH, Trưởng Ban Công tác đại biểu: “Như kinh nghiệm của tôi đếm, thường một buổi sáng được khoảng 26 đến 30 đại biểu, còn buổi chiều được khoảng từ 22 cho đến 25 đại biểu, tùy theo ý kiến đại biểu hết thời gian hay không hết thời gian. Căn cứ vào tình hình thực tế như đang ghi ở trong dự thảo thì trong điều kiện như vậy xin Quốc hội cho phép chủ tọa được điều hành linh hoạt như chúng ta đã thực hiện trong thời gian vừa qua”

Thực tế rất nhiều thành viên trong đoàn là chuyên gia, am hiểu rất sâu về những lĩnh vực đang lấy ý kiến, nhưng vì đoàn đã có người phát biểu rồi nên họ không có cơ hội phát biểu nữa. Do đó, cần quy định thêm nguyên tắc trao quyền cho chủ tọa được mời chuyên gia phát biểu khi thấy vấn đề cần phải được đào sâu góc độ chuyên môn.

Thực hiện : Dương Dung Như Thảo Vũ Hiếu Quang Sỹ

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nghien-cuu-rut-ngan-ky-hop-dam-bao-dan-chu-tang-tinh-phap-quyen