Nghiên cứu, triển khai mô hình nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã
Điều 72 Luật Trẻ em đã quy định về người được phân công trách nhiệm bảo vệ trẻ em ở cấp xã. Tuy nhiên, theo thống kê, cả nước hiện mới chỉ có 590 người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã ở 6 tỉnh, thành phố - mới chỉ được 5% số xã, 10% số tỉnh triển khai.
Khắc phục tình trạng này, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo trẻ em, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu: “Chủ tịch UBND cấp xã phải bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý”.
Trước đó, thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em diễn ra đầu tháng 8-2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Điều 72 Luật Trẻ em có quy định về người được phân công trách nhiệm bảo vệ trẻ em ở cấp xã, thì quy định trách nhiệm là chúng ta phải chỉ định người đó là ai, chỉ định xong rồi thì tập huấn bởi người đó có 5 kỹ năng mà luật định nghĩa. Tuy nhiên đến nay số tỉnh thực hiện được điều này còn rất ít. Cả nước hiện mới chỉ có 590 người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã ở 6 tỉnh, thành phố - mới chỉ được 5% số xã, 10% số tỉnh triển khai”.
“Do địa phương chưa bố trí được người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã nên nhiều trường hợp sau khi tiếp nhận thông tin về bạo lực, xâm hại trẻ em, nhân viên Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em không biết liên hệ với ai để phối hợp xử lý”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Thông tin thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, hệ thống nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về trẻ em và bảo vệ trẻ em ở các cấp còn thiếu về số lượng, lại kiêm nhiệm quá nhiều việc và thường xuyên có sự thay đổi. Trong đó, đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã chưa được xác định, phân công theo quy định của Luật Trẻ em.
Do chưa có cán bộ chuyên trách, nên công tác bảo vệ trẻ em cấp xã chủ yếu do công chức chuyên trách theo dõi về lao động – thương binh và xã hội đảm nhận. Trong khi khối lượng của công chức này vốn đã quá tải, năng lực về bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em hạn chế do chưa được tập huấn, đào tạo cơ bản. Điều này đã ảnh hưởng đến việc thực hiện kịp thời, đầy đủ các hoạt động hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, việc kiện toàn đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em ở cộng đồng dân cư đang là một thách thức lớn do nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ. Giai đoạn trước năm 2007, toàn quốc có hơn 162 nghìn cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em tại cộng đồng dân cư. Hiện nay, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố có 82.740 cộng tác viên kiêm nhiệm công tác trẻ em (giảm gần 79.260 cộng tác viên, tương đường gần 49% so với năm 2007).
Khắc phục tình trạng kể trên, cùng với việc yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã phải bố trí nhân sự công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, Thủ tướng cũng yêu cầu: UBND các cấp nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã. Thành phần của nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em sẽ bao gồm: Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, Đoàn thanh niên xã, Hội phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản nếu có. Chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu sẽ đứng đầu nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em.