Nghiên cứu xây dựng luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

Sáng 4.1, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo 'Thực trạng quy định pháp luật và tổ chức thực hiện quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách'.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh và Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường đồng chủ trì Hội thảo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh phát biểu kết luận hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh phát biểu kết luận hội thảo

Hội thảo là một trong những hoạt động nhằm triển khai kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2023 của Đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện chính sách pháp luật về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách” do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh làm Chủ nhiệm Đề tài.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh và Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường đồng chủ trì Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh và Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường đồng chủ trì Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, trong những năm qua, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đã phát triển mạnh, có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; góp phần huy động thêm nguồn lực tài chính trong nền kinh tế; hỗ trợ ngân sách nhà nước giải quyết nhiều nhiệm vụ khó khăn, phát sinh đột xuất, tăng cường khả năng đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục…). Các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở nước ta hiện thành lập theo quy định của luật, các văn bản dưới luật. Trong đó, thống kê sơ bộ cho thấy, ở Trung ương có khoảng 40 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được phép thành lập theo quy định của luật, pháp lệnh, 20 quỹ thành lập theo các văn bản dưới luật.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường phát biểu

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường phát biểu

Các đại biểu cũng lưu ý, việc hình thành các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là một giải pháp để điều hành nền tài chính quốc gia linh hoạt hơn, sẽ hỗ trợ hữu hiệu cho quỹ ngân sách nhà nước tập trung. Tuy nhiên, đi đôi với thành lập quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách phải tăng cường quản lý, bảo đảm thành lập dựa trên các quy định pháp luật, tránh tùy tiện, lạm dụng, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nhiều ý kiến đề nghị, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về tài chính – ngân sách, nhất là cụ thể hóa quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Trong đó, cần làm rõ khái niệm quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là quỹ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, có nguồn thu riêng, nhiệm vụ chi riêng, bảo đảm không trùng với nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu ban hành Luật Quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đồng thời với sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, hài hòa trong quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ này.

Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động của các quỹ này phải bảo đảm nguyên tắc công khai thu, chi theo quy định pháp luật; chi theo đúng mục tiêu và dự toán được duyệt; phải được sự kiểm soát chi của Hội đồng quản lý, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan tài chính; thực hiện công khai mục đích huy động, kết quả huy động và chi tiết nội dung thu, chi của quỹ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu tại hội thảo

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu tại hội thảo

Đồng thời, tiến hành rà soát, giải thể với các quỹ không có khả năng tài chính độc lập, hoạt động kém hiệu quả; thực hiện sáp nhập các quỹ mang tính chất đầu tư sinh lời để trở thành các chế định tài chính mạnh của Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố; nghiên cứu sắp xếp một số quỹ nhân đạo, từ thiện về một đầu mối để thực hiện thống nhất việc vận động thực hiện, xác định rõ ràng về đối tượng, phương thức hỗ trợ…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thành Trung phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thành Trung phát biểu

Đáng chú ý, nhiều ý kiến nhấn mạnh, nguồn lực tài chính hình thành quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách một phần quan trọng được huy động từ người dân, doanh nghiệp, một phần trích từ ngân sách nhà nước, do vậy, việc sử dụng nguồn lực này phải được đặt dưới sự giám sát của nhân dân và cơ quan dân cử để tránh thất thoát, lãng phí, tham nhũng, từ đó làm hoạt động của quỹ hiệu quả hơn.

Đại diện Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia phát biểu

Đại diện Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia phát biểu

Đại diện Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá nêu một số vướng mắc về mô hình, phương thức hoạt động của quỹ

Đại diện Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá nêu một số vướng mắc về mô hình, phương thức hoạt động của quỹ

Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, các ý kiến tại hội thảo là nguồn dữ liệu, thông tin quan trọng trong quá trình hoàn thiện đề tài, đặc biệt đã cung cấp thực trạng đa dạng về địa vị pháp lý, mô hình, cách thức quản lý, phương thức hoạt động, cơ chế huy động… của các quỹ này. Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp để hoàn thiện các báo cáo chuyên đề liên quan đến hoàn thiện cơ chế pháp lý đối với quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Tin và ảnh: Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/nghien-cuu-xay-dung-luat-ve-quy-tai-chinh-nha-nuoc-ngoai-ngan-sach-i356232/