Nghiệt ngã cuộc đời người đàn ông lái xe lôi ở Bến Tre
Trong một buổi sáng đến thành phố Bến Tre, chúng tôi bất ngờ gặp lại chiếc xe lôi đạp. Được biết, chiếc xe này đã 'cưu mang' một mảnh đời đầy khốn khó và bất hạnh.
Xe lôi đạp ở miền Tây sông nước
Xe lôi là một loại xe chở hàng, chở khách tự chế có mặt tại miền Tây sông nước từ giữa thế kỷ 20. Ban đầu, kết cấu của xe gồm một chiếc xe đạp kéo theo một thùng xe. Đến thập niên 1960 khi các loại xe gắn máy 2 bánh xuất hiện đại trà, chiếc xe lôi đạp lu mờ dần, thay vào đó là xe máy lôi.
Xe lôi đóng một vai trò không thể thiếu trong sinh hoạt của người dân. Xe lôi đưa khách đến chợ, đưa học sinh đến trường, đưa người bệnh vào bệnh viện. Khi cần, xe lôi có thể mang nhiều hàng hóa cồng kềnh về nhà cho khách. Trong những con hẻm hẹp và ngoằn ngoèo, xe lôi vẫn đến được với bà con.
Người chạy xe lôi hầu hết là người nghèo. Giá trị của chiếc xe lôi không cao nhưng ít người sắm nổi. Người nghèo phải thuê xe để chạy kiếm ăn từng bữa. Vậy nhưng, xe lôi cũng đã nuôi sống biết bao gia đình.
Nhiều người lớn tuổi ở Cần Thơ kể lại, nghề xe lôi, xe ôm đã nuôi sống mấy người con của hoàng tử Vĩnh Giu. Ông là con vua Thành Thái bị đày cùng cha sang đảo Reunion (ở Ấn Độ Dương) sau đó được trở về.
Pháp bố trí ông về làm việc tại Cần Thơ. Tại đây ông lấy vợ và sinh 7 người con trong đó chỉ có 1 nữ. Không sắm nổi cho mình một chiếc xe lôi, các con ông đều phải thuê xe để chạy. Cuộc mưu sinh càng vất vả hơn.
Đến sau thập niên 1990, nhiều loại xe xuất hiện đã làm cho hình ảnh chiếc xe lôi trở nên lu mờ và đến nay đã chính thức lùi vào dĩ vãng.
Vậy mà trong một buổi sáng đến thành phố Bến Tre, chúng tôi bất ngờ gặp lại chiếc xe lôi đạp. Một anh xem ôm cho biết, ở Bến Tre chỉ còn vài chiếc. Riêng tại Phường 7, đây là chiếc xe lôi duy nhất còn sót lại. Chiếc xe này đã 'cưu mang' một mảnh đời đầy khốn khó và bất hạnh.
Nghiệt ngã đời xe lôi
Chúng tôi vào con hẻm trên đường Nguyễn Văn Tư - nơi có chiếc xe lôi đang đậu trên một khoảng đất trống. Chủ xe là anh Đinh Văn Cường, 58 tuổi.
Mồ côi từ nhỏ, người dì ruột đã cưu mang anh từ dạo ấy đến giờ.
Anh Cường sống trong ngôi nhà nhỏ chưa đến 20m2 được dựng tạm bằng những tấm tôn mục nát. Bên trong nhà, không vật dụng gì đáng giá. Trên chiếc giường kê giữa nhà, một bà cụ đang nằm bất động.
Anh Cường tay cầm ly nước đến ngồi gần bên bà. 'Dì uống nước?'. Bà gật đầu. Anh ngồi cho bà uống từng muỗng. Phải mất 15 phút anh mới đút xong ly nước.
Anh Cường cho biết, anh không vợ con, từ nhỏ ở với dì. Dì có chồng nhưng chồng bỏ. Đứa con cũng không ở với dì. Hơn 30 năm nay, từ khi bến phà Hàm Luông còn hoạt động, anh chạy xe lôi để cùng dì mưu sinh.
Anh nói, lúc ấy, xe lôi còn chở khách. Mỗi chuyến có thể chở đến 4 người. Mấy năm gần đây, phà Hàm Luông được thay thế bằng cầu. Cuộc sống của nhiều người mưu sinh nhờ bến phà trong đó có những người chạy xe lôi bị đảo lộn. Nếu ngày trước mỗi ngày họ có thể kiếm được vài ba trăm nghìn đồng thì giờ đây con số đó chỉ là mơ.
Dì của anh Cường bị tai biến nặng từ 6 tháng nay. Sau hơn một tháng nằm viện, anh đưa bà về nhà vì không còn đủ sức trang trải chi phí.
Hàng ngày anh vừa chạy xe chở hàng hóa cho một cơ sở cho thuê bàn ghế vừa chăm sóc dì. Bà Lê Thị Đốt, 66 tuổi - một hàng xóm của anh cho biết, 'Cường lo cho dì rất tận tình và chu đáo. Từ cái ăn - bà không còn nhai được nên chỉ ăn cháo - đến vệ sinh cơ thể, Cường làm hết. Ở bên cạnh, chúng tôi thường xuyên ghé vào phụ với Cường'.
Bà Đốt cho biết, hiện nay cuộc sống của Cường rất khốn đốn. Thu nhập hàng ngày bằng nghề xe lôi chỉ được vài chục nếu có khách. Có những hôm, anh không kiếm được đồng nào trong khi phải lo cho dì nhiều việc.
Chúng tôi hỏi anh, 'Khó khăn như vậy sao anh không kiếm nghề khác mà làm?'. Anh Cường trả lời một cách tự nhiên: 'Dì nuôi mình từ nhỏ, mình không bỏ dì khi dì bị bệnh. Nghề xe lôi nuôi mình từ hơn 30 năm nay. Vui có, buồn có. Dì - mình không bỏ được thì xe lôi cũng thế. Chỉ khi nào không còn chạy được thì mình mới bỏ xe thôi'.
Nghe anh nói, chúng tôi thầm cảm phục tấm chân tình của anh đối với dì, với nghề. Bởi thế, chúng tôi không ngạc nhiên khi thấy nhiều bà con quanh đây đến giúp đỡ anh. Người lo giúp tiền mua tã, người phụ anh chăm sóc.
Chúng tôi cũng không quên ghi nhận nghĩa cử của chị Huỳnh Thị Bé, 52 tuổi, người chủ cơ sở cho thuê bàn ghế.
Chị Bé cho biết, anh Cường phụ trách chở bàn ghế giao cho khách từ hơn 20 năm nay. Kể từ ngày dì của Cường bị bệnh, chị đã giúp anh ngày 2 bữa ăn trưa và tối. Chị nói, mình san sẻ bữa ăn của mình cho những người cùng khổ cũng là một việc nên làm.
Với nghề xe lôi càng lúc càng đi vào ngõ cụt, nếu không có sự đùm bọc của bà con không hiểu dì cháu anh Cường sẽ sống ra sao?