Ngoại giao Mỹ 'trở lại' dưới thời Tổng thống Joe Biden
Baoquocte.vn. Mối quan tâm về ngành ngoại giao ở Mỹ đã tăng trở lại kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức và bắt đầu thúc đẩy chính sách đối ngoại hậu chính quyền Donald Trump.
Chính quyền Mỹ mới trong bối cảnh rối ren của thế giới bởi đại dịch Covid-19 đang thu hút các nhà ngoại giao tham vọng, những người không có “đất dụng võ” trong chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.
Luồng sinh khí mới
Ông Aaron Luce, 32 tuổi và vợ đều từng là nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ và đi công tác nhiệm kỳ tại Trung Quốc. Vợ chồng ông Luce đã rời Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2019.
Theo ông Luce, các nguyên tắc ngoại giao truyền thống của Mỹ đã bị tổn hại dưới thời vị Tổng thống tiền nhiệm khiến họ quyết định rời khỏi vị trí của mình.
Tuy nhiên, khi ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, Luce đã hào hứng trở lại và muốn được trở thành một phần trong "định hướng mới" của ngoại giao Mỹ. Ông Luce đã quyết định tham gia kỳ thi tuyển vào Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 2 năm nay.
Trường hợp như Luce không phải cá biệt. Những nỗ lực của tân Tổng thống Mỹ trong việc thiết lập lại quan hệ với các quốc gia đồng minh và đối tác đang thu hút các nhà ngoại giao tham vọng.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, các đơn ứng tuyển kỳ thi công chức ngoại giao đã tăng 30% kể từ tháng 10/2020, thời điểm diễn ra kỳ thi tuyển cuối cùng dưới thời chính quyền ông Trump. Kỳ thi Bộ Ngoại giao Mỹ thường được tổ chức vào tháng 2, tháng 6 và tháng 10.
Ông Joel Hellman, Hiệu trưởng Trường Ngoại giao Edmund A. Walsh thuộc Đại học Georgetown, nơi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng theo học, cho biết, sự hào hứng với ngành ngoại giao cũng bao trùm các trường học và khóa đào tạo những nhà ngoại giao tương lai.
Số hồ sơ đăng ký vào các chương trình sau đại học của trường đã tăng 40% trong kỳ này. Con số ấn tượng này khiến vị hiệu trưởng của một trường ngoại giao danh tiếng thật sự “choáng” và cảm giác như “nước Mỹ đã trở lại”.
Quãng trầm của ngoại giao Mỹ
Từ trước đến nay, ở Mỹ, ngành ngoại giao luôn là một nghề danh giá, mang lại sự ổn định tài chính, cơ hội đi đây đó và được tham gia định hình mối quan hệ của Mỹ với phần còn lại của thế giới.
Các cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ phải trải qua một quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt bao gồm thi viết, vấn đáp, kiểm tra an ninh và y tế… Không nhiều người có thể vượt qua các bài kiểm tra và được bổ nhiệm vào một vị trí nào đó.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cơ hội kiếm được mức lương cao hơn đáng kể trong lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ tư vấn và công nghệ tại Mỹ ngày càng tăng khiến sự quan tâm đến ngành ngoại giao bắt đầu thuyên giảm.
Một số chuyên gia còn đánh giá sự coi nhẹ của chính quyền ông Trump đối với các nhà ngoại giao chuyên nghiệp cũng góp phần đáng kể vào sự suy giảm này.
Trong nhiệm kỳ của ông Trump, Mỹ áp dụng chính sách “Nước Mỹ trên hết” và ưu tiên lợi ích trong nước hơn các quan tâm về chính sách đối ngoại, qua đó giảm thiểu tầm quan trọng của ngành ngoại giao.
Trong khi năm 2016, có hơn 12.600 ứng viên đăng ký tham gia ứng tuyển vào Bộ Ngoại giao Mỹ thì con số đó đã giảm xuống khoảng 8.600 vào năm 2018 và khoảng 6.600 vào năm 2020.
Kể từ khi ông Biden nhậm chức, chính quyền Mỹ mới đã cam kết sẽ xây dựng lại Bộ Ngoại giao. Trong chuyến thăm tới cơ quan này hồi tháng 2, ông Biden khẳng định với các nhà ngoại giao rằng họ có sự tin tưởng, ủng hộ của tân Tổng thống.
“Đó là một quãng thời gian khó khăn. Các bạn là bộ mặt của nước Mỹ và đóng một vai trò quan trọng”, ông Biden nhấn mạnh.
Ông Eric Rubin, Chủ tịch Hiệp hội Ngoại giao Mỹ cũng hy vọng sức hút của ngành ngoại giao sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
"Đây là thời điểm quan trọng với vai trò của Mỹ trên thế giới. Chúng tôi cần một nguồn nhân lực mạnh mẽ, đa dạng và tài năng để từ đó chọn ra các nhà ngoại giao phục vụ đất nước”, ông Eric nhấn mạnh.
Mục tiêu đa dạng sắc tộc
Uyen Vong, một sinh viên Mỹ gốc Việt, đã nộp đơn ứng tuyển vào Bộ Ngoại giao Mỹ vì cảm thấy chính quyền mới mang lại nhiều hy vọng cho những người bị thiệt thòi trong quá khứ.
Uyen tin rằng việc những người nhập cư như cô được làm một nhà ngoại giao Mỹ sẽ thể hiện mạnh mẽ giá trị của nước Mỹ.
“Tôi có thể đại diện cho nước Mỹ bởi tôi là đặc trưng cho các giá trị của nước Mỹ”, Uyen khẳng định.
Một vấn đề mà nhiều người tin rằng sẽ được cải thiện dưới chính quyền của ông Biden khi có ‘phó tướng’ Kamala Harris là người gốc Ấn, đó là sự phân biệt chủng tộc.
Số liệu thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy, chỉ có khoảng 1% cán bộ da màu được thăng chức trong năm 2019.
Tính đến năm 2020, trong số 189 Đại sứ Mỹ công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài chỉ có 3 người gốc Phi và 4 người gốc Latinh và Tây Ban Nha.
Gần đây, ông Biden nhận nhiều lời chỉ trích từ các nhà lập pháp vì không đặt các ứng viên người Mỹ gốc Á vào các vị trí cấp cao.
Trong một cuộc phỏng vấn, bà Tianna Spears, một nhà ngoại giao gốc Phi đã thôi việc bày tỏ bà không ngăn cản người da màu thi vào Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng họ nên hiểu rằng vấn đề về chủng tộc rất khó thay đổi.
Theo bà Tianna, tân Tổng thống khó có khả năng giải quyết hoàn toàn vấn đề này bởi còn liên quan đến định kiến.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều người quan tâm đến ngành ngoại giao Mỹ nhờ luồng sinh khí mới từ chính quyền ông Biden với mục tiêu ưu tiên đa dạng sắc tộc trong Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tất nhiên, sức hút này có tiếp tục tăng hay “sớm nở tối tàn” thì còn tùy thuộc vào việc hiện thực hóa lời nói ra sao.
(theo The New York Times)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-my-tro-lai-duoi-thoi-tong-thong-joe-biden-140849.html