Ngoại giao văn hóa, nghệ thuật 'sưởi ấm' quan hệ 2 'kỳ phùng địch thủ' Mỹ-Trung Quốc

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa 2 siêu cường Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt và chưa có dấu hiệu 'hạ nhiệt', hoạt động hợp tác, trao đổi nghệ thuật đang nổi lên là một cầu nối quan trọng giúp Washington và Bắc Kinh xích lại gần nhau.

Hoạt động hợp tác, trao đổi nghệ thuật đang nổi lên là một cầu nối quan trọng giúp Washington và Bắc Kinh xích lại gần nhau. (Nguồn: SCMP)

Hoạt động hợp tác, trao đổi nghệ thuật đang nổi lên là một cầu nối quan trọng giúp Washington và Bắc Kinh xích lại gần nhau. (Nguồn: SCMP)

Theo giới phân tích, những hoạt động trao đổi như vậy - dù số lượng đã giảm dần trong một thập kỷ qua - đang giúp xây dựng lòng tin, tạo đà cho các cuộc đối thoại và "hàn gắn" khoảng cách giữa hai "kỳ phùng địch thủ".

Sức mạnh của "ngoại giao mềm"

Một ví dụ điển hình về sức mạnh của "ngoại giao mềm" có thể nhắc đến ở đây là cuộc triển lãm khá quy mô ở San Francisco do Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc tổ chức với hơn 150 hiện vật từ thời đồ đồng, lần đầu tiên được trưng bày bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Với chủ đề Vương quốc Phượng hoàng: Sự huy hoàng cuối cùng của thời đại đồ đồng Trung Quốc, Bảo tàng Nghệ thuật châu Á đã dành khoảng 3.000 mét vuông cho không gian trưng bày những phát hiện khảo cổ thời nhà Chu, từ năm 1050-256 trước Công nguyên. Triển lãm sẽ kết thúc vào tháng 7.

Jay Xu, Giám đốc điều hành của Bảo tàng nhận định, Triển lãm diễn ra đúng vào thời điểm các hoạt động trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và Mỹ đóng vai trò “rất quan trọng”.

“Trong những năm qua, chúng tôi đã tổ chức hơn chục cuộc triển lãm, trưng bày hiện vật từ Trung Quốc – hầu hết đều nêu bật những ví dụ điển hình nhất về nghệ thuật Trung Quốc qua các thời đại. Nhiều khám phá khảo cổ học được trưng bày thời gian gần đây đều lần đầu tiên được xuất hiện tại một nước phương Tây", ông nói, đồng thời cho biết thêm cuộc trưng bày lần này cũng nằm ngoài định hướng đó.

Khai mạc vào tháng Tư năm nay, Triển lãm Vương quốc Phượng hoàng: Sự huy hoàng cuối cùng của thời đại đồ đồng Trung Quốc có sự góp mặt của Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc Li Qun, ông cũng là người đứng đầu Cục Quản lý Di sản Văn hóa quốc gia cùng nhiều quan chức cấp cao khác.

Theo ông Jay Xu, sự tham gia của nhiều quan chức hàng đầu ngành Văn hóa Trung Quốc phản ánh kỳ vọng hoạt động này sẽ tạo cơ hội để Bắc Kinh kết nối và gia tăng hiểu biết trên quy mô toàn cầu.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Li Qun nhấn mạnh, Triển lãm đã giới thiệu "vẻ đẹp lộng lẫy và lãng mạn của văn hóa Trung Quốc tới khán giả Mỹ. Được hỗ trợ bởi nghiên cứu học thuật chuyên sâu cùng những phát hiện khảo cổ học mới nhất, Triển lãm thể hiện tính liên tục, thống nhất, hòa bình, toàn diện và tính đổi mới của nền văn minh Trung Quốc”.

Còn Phó Tổng lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco Chu Maoyi cho biết đây là “cơ hội hiếm có để người Mỹ tìm hiểu sâu hơn về nền văn hóa rực rỡ của Trung Quốc từ hơn 2.000 năm trước. Chúng tôi hy vọng cuộc Triển lãm mở ra cơ hội mới cho mọi người, đặc biệt là những du khách trẻ tuổi, đánh giá cao sự phong phú của lịch sử và truyền thống Trung Quốc”.

Trong một thông điệp được đưa ra bằng văn bản, Thị trưởng San Francisco London Breed – người đang có chuyến thăm Trung Quốc vào thời điểm khai mạc – mô tả buổi trưng bày có ý nghĩa “lịch sử và đột phá”, đồng thời cho rằng “không có ví dụ nào tốt hơn về sức mạnh và tầm quan trọng giao lưu kinh tế và văn hóa".

Trước đó, buổi Triển lãm trưng bày riêng biệt, gồm khoảng 200 hiện vật, từ đồ trang trí bằng ngọc bích đến bình đồng nghi lễ với chủ đề Anyang: Thành phố cổ của các vị vua Trung Quốc kết thúc vào tháng Tư tại Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia châu Á cũng gây tiếng vang nhất định.

Triển lãm trưng bày những phát hiện khảo cổ thời nhà Chu với chủ đề "Vương quốc Phượng hoàng: Sự huy hoàng cuối cùng của thời đại đồ đồng Trung Quốc" khai mạc vào tháng 4/2024 tại San Francisco thu hút đông đảo người tham dự. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Triển lãm trưng bày những phát hiện khảo cổ thời nhà Chu với chủ đề "Vương quốc Phượng hoàng: Sự huy hoàng cuối cùng của thời đại đồ đồng Trung Quốc" khai mạc vào tháng 4/2024 tại San Francisco thu hút đông đảo người tham dự. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Triển lãm tái hiện thời kỳ lịch sử của triều đại nhà Thương Trung Quốc (khoảng năm 1600-1050 trước Công nguyên) - giai đoạn hình thành và phát triển chữ viết và thực hành nghi lễ. Trong suốt hai tháng diễn ra Triển lãm, ước tính gần 1.000 học sinh và giáo viên đã tới tham quan, tìm hiểu.

Khi được hỏi về tầm quan trọng của các hoạt động trao đổi nghệ thuật trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia châu Á Keith Wilson nhận định: "Ngoài việc thúc đẩy kết nối con người, giáo dục phổ thông và tôn trọng văn hóa lẫn nhau, những cuộc trao đổi và triển lãm như vậy góp phần tăng cường mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nước. Sự hợp tác này, dựa trên sự tiến bộ của kiến thức khoa học và bảo vệ di sản văn hóa, đánh dấu một chương quan trọng trong lịch sử quan hệ Mỹ-Trung Quốc".

Theo ông Gao Minglu, Giáo sư danh dự tại Đại học Pittsburgh, trao đổi văn hóa giữa hai cường quốc bắt đầu từ cuối những năm 1970, khi Bảo tàng Mỹ thuật Boston mang các bộ sưu tập – bao gồm cả nghệ thuật cổ điển và hiện đại – đến Bắc Kinh.

Ông nói: “Đây là lần đầu tiên người Trung Quốc được xem các tác phẩm nghệ thuật nguyên bản của phương Tây, đặc biệt là thời kỳ hiện đại và đương đại. Nó đã truyền cảm hứng cho thế hệ nghệ sĩ Trung Quốc mới vào thời điểm Trung Quốc bắt đầu mở cửa với phương Tây".

Vượt qua những "rào cản địa chính trị"

Ông Gao, đồng thời cũng là một nhà phê bình và học giả về nghệ thuật đương đại Trung Quốc, cho biết trao đổi và giao tiếp trong giới nghệ thuật giữa Trung Quốc và Mỹ đã bùng nổ vào những năm 1990. Vào thời điểm đó, các bảo tàng, trường đại học và tổ chức văn hóa ở Mỹ “rất quan tâm” đến việc đưa nghệ thuật Trung Quốc về nước.

Bản thân ông Gao từng có công trong việc đưa hai cuộc triển lãm quy mô lớn đến Mỹ. Đầu tiên là Inside Out: New Chinese Art được trình chiếu tại New York vào cuối những năm 1990 trước khi đến San Francisco và Seattle, sau đó là Mexico, Australia. Sau đó, ông từng là giám tuyển của dự án Bức tường: Định hình lại nghệ thuật đương đại Trung Quốc vào năm 2005 do Phòng trưng bày nghệ thuật Albright-Knox, Phòng trưng bày nghệ thuật Đại học Buffalo và Bảo tàng Tượng đài Thiên niên kỷ Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Dù vậy, ông thừa nhận, trao đổi giữa hai nước đã giảm sút đáng kể từ năm 2008, một phần do khủng hoảng kinh tế và cũng là do “sự hoài nghi về chủ nghĩa toàn cầu” sau này. “Rất ít triển lãm về Trung Quốc diễn ra ở Mỹ trong 15 năm qua", ông nói.

Theo chuyên gia, trao đổi nghệ thuật và hợp tác văn hóa đang ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng hơn. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Theo chuyên gia, trao đổi nghệ thuật và hợp tác văn hóa đang ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng hơn. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Ông Gao cho rằng, những cuộc giao lưu, trao đổi giữa giới nghệ thuật hai nước có thể vượt qua “những rào cản địa chính trị” và hoàn toàn có thể "đóng vai trò rút ngắn khoảng cách, bất kể là khoảng cách về văn hóa hay chính trị”.

Emily Wilcox, Phó giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học William & Mary phân tích, hai cường quốc đều có truyền thống lâu đời trong việc áp dụng trao đổi văn hóa và nghệ thuật như một phần trong chính sách ngoại giao của mình.

Việc trao đổi, giao lưu văn hóa, nghệ thuật diễn ra cả ở cấp độ quốc gia thông qua các hoạt động do chính phủ lên kế hoạch và tài trợ hoặc các sự kiện không chính thức do các cá nhân, tổ chức khởi xướng.

"Các hoạt động này đều có vai trò quan trọng trong việc giúp người dân hai quốc gia gia tăng hiểu biết lẫn nhau. Đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hợp tác, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau", bà Wilcox nói.

Bà Wilcox nhìn nhận, việc trao đổi nghệ thuật giữa hai đối thủ có thể tạo cơ hội cho những người có hoàn cảnh khác biệt tham gia và học hỏi lẫn nhau.

Nghệ thuật đề cập nhiều chủ đề khác nhau, từ đời sống vật chất hàng ngày đến hy vọng và ước mơ cá nhân - những chủ đề có thể mở ra các cuộc đối thoại và trở thành “cầu nối trí tưởng tượng” - điều khó đạt được thông qua kênh ngoại giao truyền thống.

“Nghệ thuật thu hút trải nghiệm của con người theo cách trực quan, có thể tác động đến cảm xúc và tiếp cận mọi người ở cấp độ cá nhân. Đây là một cơ chế mạnh mẽ để kết nối những người bị chia cắt bởi ngôn ngữ, hệ thống chính trị, kinh tế hoặc đơn giản là khoảng cách vật lý", bà nói.

Theo bà Wilcox, trao đổi nghệ thuật và hợp tác văn hóa đang ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn: “Nghệ thuật nên là một trong nhiều sân chơi mà Washington và Bắc Kinh hợp tác thành công và học hỏi lẫn nhau, từ đó xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn".

(theo SCMP)

Châu Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-van-hoa-nghe-thuat-suoi-am-quan-he-2-ky-phung-dich-thu-my-trung-quoc-274324.html