Ngọc Lãng - Viên ngọc sáng ở ngoại thành Tuy Hòa

Làng hoa Ngọc Lãng. Ảnh: LÊ MINH

Ngọc Lãng là làng hoa, làng rau thuộc xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa). Đây là cù lao có ba mặt giáp sông, được bồi đắp phù sa của hạ lưu sông Đà Rằng và sông Chùa tụ lại trước khi đổ về biển Đông qua cửa Đà Diễn.

Ngọc Lãng - vùng đất màu mỡ, chất chứa đầy phù sa, quanh năm đón nắng và gió biển, là nơi “ấm vào mùa đông, mát về mùa hè”, cây cối xanh tươi bốn mùa. Theo tương truyền thì tên làng được thay đổi nhiều lần. Thời xa xưa, hơn 400 năm trước khi Thành hoàng lập làng, lập ấp nơi hạ lưu sông Đà Rằng, tên lúc bấy giờ là Cồn Lương, rồi đổi thành Phụng Hoàng, sau là Nguyên Lãng và nay là Ngọc Lãng, với ý nghĩa viên ngọc sáng.

Văn hóa tâm linh đặc sắc

Theo quy hoạch, sẽ có cây cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Chùa nối Ngọc Lãng với khu trung tâm thành phố. Cầu Nguyễn Trãi có hình dáng kiến trúc đẹp, khác với các cầu hiện có ở thành phố.

Ngọc Lãng ở phía tây bắc cửa sông Đà Diễn, nơi đây cảnh quan thoáng đãng, có ba mặt giáp với sông. Đứng trên sân Tháp Nhạn nhìn xuống, Ngọc Lãng tựa như một cánh buồm xanh màu ngọc bích với từng đàn cò trắng dập dờn trên những rặng tre, soi bóng xuống dòng sông Chùa trong xanh, hiền hòa.

Ngọc Lãng là vùng đất lưu dân người Việt đến khai hoang lập làng tương đối sớm, cùng thời với Thành hoàng Lương Văn Chánh (1611). Trong quá trình tạo lập làng, người dân Ngọc Lãng đã xây dựng nhiều công trình tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa để làm nơi sinh hoạt cho cộng đồng. Trải qua bao thời gian, những công trình như đình, chùa, miếu, lẫm, được các thế hệ con cháu lưu giữ và sửa sang như một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong cộng đồng dân cư.

Đình Ngọc Lãng được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 19, nơi thờ tiền hiền Lê Văn Lưu (1765-1820) người có công lớn khai phá đất, lập làng; ngoài ra còn thờ Lê Văn Xuyến thuộc thế hệ hậu bối đã có nhiều công lao kế tục tiền nhân xây dựng làng. Hiện nay tại đình còn thờ tự 6 sắc phong thần, 1 chiếu chỉ và 3 bài vị của triều Nguyễn phong tặng, được lưu giữ tại lẫm của làng.

Hàng năm, vào ngày 8/9 âm lịch, làng tổ chức giỗ tổ Tiền hiền. Việc tế tự nhằm cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, làng xóm yên vui, là nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa hòa quyện giữa hồn đất và tình người; là sự giao thoa trong dòng chảy văn hóa quá khứ và hiện tại. Đình làng được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh năm 2013.

Chùa Thiên Quang thờ Phật Thích Ca và Quan Âm Địa Tạng Vương, nơi đây người dân coi là: “Đất vua - Chùa làng - Cảnh bụt”. Miếu Hà Bá Môn thờ các vị thủy thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, biển lặng trong mỗi chuyến ra khơi, cá mực đầy khoang. Miếu Trung Lý là nơi cúng tế các vong linh không nơi nương tựa, cầu cho các linh hồn xấu số an bình. Ngoài ra còn có lẫm làng được tạo dựng cách đây gần 250 năm, gọi là Hội sở Ngọc Lãng, là nơi làm việc, nơi cất giữ các sắc phong của làng. Vào ngày giỗ tổ Tiền hiền, sắc phong được rước từ lẫm ra đình làng, nghi lễ được tổ chức rất long trọng với cờ kiệu, trống kèn, với sự tham gia đông đảo nhân dân, ngày hội của làng.

Trong suốt thời gian dài, vùng đất này đã tạo dựng những nét văn hóa tâm linh, mang phong tục, tập quán đa dạng, phong phú và truyền thống yêu nước sâu sắc. Những giá trị này là cơ sở quan trọng để thế hệ hôm nay viết tiếp những trang sử mới.

Miền đất đổi thay từng ngày

Đến với Ngọc Lãng hôm nay, bạn dễ dàng nhận thấy những luống rau, vườn hoa đủ sắc màu quanh năm tươi tốt, rạng rỡ trong nắng mai; bên cạnh đó là hình ảnh các mẹ, các chị, với chiếc nón lá che nghiêng trong nắng, bốn mùa cần mẫn làm cỏ, bón phân cho những luống hoa, vườn rau với đôi bàn tay khéo léo.

Làng Ngọc Lãng có một con đường chạy vòng quanh làng nay đã được bê tông hóa, còn lại là các đường nhánh, đường cụt theo dạng xương cá. Chỉ có một lối vào làng từ đại lộ Nguyễn Tất Thành băng qua đường sắt, cũng là lối ra; khi ra đi phải leo lên, khi trở về phải xổ xuống. Nơi đây là điểm nóng về an toàn giao thông, là điểm yếu về phong thủy làm cho vùng đất này có từ rất sớm nhưng chậm phát triển.

Cây cầu không chỉ giải quyết về giao thông, đánh thức một vùng đất còn ngủ quên, là ước mơ bao đời của người dân; mà còn là nơi ngắm cảnh, thả hoa đăng, điểm nhấn không gian văn hóa, thả hồn vào núi Nhạn, sông Chùa.

Đường Nguyễn Trãi qua cầu chạy dài về phía nam, vòng theo đường mòn nối với đại lộ Nguyễn Tất Thành, phân Ngọc Lãng thành ba khu. Khu tây bắc là khu dân cư hiện có, cần chỉnh trang lại hệ thống hạ tầng giao thông, điện nước, bê tông các đường đất, đường cụt; nhà dân xây dựng, cải tạo lại theo dạng biệt lập, mật độ xây dựng thấp, dành đất cho trồng hoa và rau xanh.

Khu tây nam gồm cánh đồng rau và hoa. Đây là khu đặc trưng, là mạch sống của làng, không nên lấy đất để xây dựng nhà ở và các công trình khác mà cần đưa tiến bộ khoa học vào canh tác, trồng nhiều loài hoa và rau xanh cao cấp. Hiện nay, đây là điểm đến tham quan, chụp hình, ngắm cảnh hấp dẫn của khách du lịch khi tới Tuy Hòa, là niềm tự hào của người dân Ngọc Lãng.

Khu phía đông có diện tích khoảng hơn 40ha là doi đất trống thấp dần về phía biển, nơi đây không bị xói lở, cảnh quan cực đẹp, là khu đất vàng. Trong tương lai, nơi đây sẽ hình thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp; xây dựng một khách sạn cao 18 tầng (thấp hơn Tháp Nhạn) và nhiều công trình khác như sân khấu nhạc nước, bến đua thuyền, thủy cung; nơi tổ chức sự kiện, trung tâm thương mại du lịch dịch vụ... Còn lại xây dựng các biệt thự cao cấp, mỗi biệt thự có diện tích đất rộng, hình dáng kiến trúc đẹp, không chỉ để ở, nghỉ dưỡng mà còn kinh doanh ăn uống, làm văn phòng cho thuê, giao lưu buôn bán cây hoa, cá cảnh.

Đến làng hoa Ngọc Lãng hôm nay, du khách sẽ được thưởng ngoạn bình minh khi mặt trời lên, biển như dát vàng, nắng và sóng biển tràn về. Còn khi màn đêm buông xuống, du khách sẽ thấy bảy sắc đèn lung linh của cầu Hùng Vương nối đôi bờ thành phố, không gian trôi êm trong tĩnh lặng, sóng trăng rì rào vỗ nhẹ mạn thuyền...

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/233555/ngoc-lang-vien-ngoc-sang-o-ngoai-thanh-tuy-hoa.html