Ngôi chùa ở buôn Đăng Đừng

Nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Bảo Lâm, chùa Di Đà trong nhiều năm đã có những đóng góp không nhỏ để đưa buôn Đăng Đừng có diện mạo tươi đẹp như hôm nay.

Một góc của chùa Di Đà

Một góc của chùa Di Đà

Đi cùng văn hóa bản địa

Sẽ không phải là một ngôi chùa với mái ngói cong vút, tường trang trí hoa văn Phật giáo như thường thấy mà đó là ngôi chùa độc đáo với hình dáng của một ngôi nhà rông Tây Nguyên cùng những hoa văn trang trí của cộng đồng dân tộc thiểu số. Đó là chùa Di Đà ở buôn Đăng Đừng, Thôn 6, xã Lộc Tân, Bảo Lâm.

“Đơn giản là vì chùa đóng chân trong buôn làng nên xây theo kiến trúc của bà con vùng này” - Đại đức Thích Đồng Châu, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Bảo Lâm và cũng là trụ trì chùa Di Đà cho biết.

Tại Bảo Lâm, Phật giáo là tôn giáo có số tín đồ đứng thứ 2 trên địa bàn huyện. Trong tổng số gần 11.300 phật tử toàn huyện, có khoảng hơn 400 phật tử là người dân tộc thiểu số (DTTS). Riêng xã Lộc Tân với trên 200 phật tử, trong đó gần 150 người là đồng bào DTTS và phần lớn sinh hoạt tôn giáo tại chùa Di Đà.

Người Mạ tại buôn Đăng Đừng này, trước đây sống du canh du cư. Nhờ chính sách định canh định cư của Nhà nước nên sau đó cộng đồng Mạ đã dần ổn định cuộc sống lâu dài tại đây. Cùng với người Kinh từ nhiều vùng miền vào vùng đất này lập nghiệp những năm gần đây đã hình thành nên một thôn buôn với nét văn hóa khá đa dạng. Ngôi chùa nằm ngay trong buôn với nếp sống tu hành của chư tăng chùa Di Đà đã ảnh hưởng không nhỏ đến buôn Đăng Đừng, hình thành nên một vùng quê thanh bình với những ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo rõ nét trong đời sống. “Người dân nơi đây hiền lành, chịu khó làm ăn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đoàn kết, như cách nói của người dân nơi đây người đồng bào DTTS với người Kinh là một” - Đại đức Thích Đồng Châu chia sẻ.

Điểm mấu chốt ở đây như Đại đức cho biết, là nhà chùa và các chư tăng của chùa đã biết vận dụng Phật pháp một cách khéo léo, linh hoạt vào đời sống xã hội, nhất là với đồng bào DTTS trong vùng “Chùa luôn xây dựng mối đoàn kết giữa các cộng đồng dân cư với nhau, không để lạc điệu giữa văn hóa Phật giáo với văn hóa dân tộc bản địa”.

Đồng hành với thôn, buôn

Do chùa tọa lạc giữa thôn, sống trong lòng khu dân cư nên nhà chùa theo Đại đức Đồng Châu, có điều kiện gần gũi với bà con, dễ dàng thông hiểu tâm tư, nguyện vọng và đời sống văn hóa, kinh tế của mọi người dân trong thôn. Giữa chư tăng với người dân ở đây xây dựng mối quan hệ thân thiết, hiểu biết lẫn nhau, cùng chia sẻ các giá trị sống của văn hóa Phật giáo đến với cộng đồng dân cư trong buôn, hình thành nên sự đoàn kết bền chặt, có sự hòa nhập nhất định từ ngày đầu tiên mới thành lập chùa cho đến nay.

Để vận động, giúp đỡ người dân nơi đây, theo Đại đức, nhà chùa luôn vận dụng “Tứ nhiếp pháp” trong chánh pháp của Phật giáo (gồm bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự). Nhà chùa luôn gần gũi, thăm hỏi, quan tâm đến đời sống bà con, giúp nhau khi khó khăn, chia sẻ kiến thức trong làm ăn.

Cụ thể, với giáo dục, nhà chùa đã không ngừng vận động các gia đình chú ý chăm lo việc học hành của con cái trong nhà, giúp các em có một tương lai tốt hơn. Chùa tham gia vận động các gia đình đưa trẻ đến trường, vận động các em đi học lại. Hằng tuần, vào Chủ nhật, nhà chùa tổ chức các buổi lễ nói chuyện với các em; trong dịp hè chùa tổ chức các khóa học cho giới trẻ để giáo dục đạo đức Phật giáo gắn kết với giáo dục gia đình, xã hội, khuyến khích các em vươn lên trong cuộc sống.

Nhà chùa cũng vận động, khuyến khích bà con trong buôn xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện lối sống mới, hợp vệ sinh trong nhà và thôn, buôn; vận động bà con trong cộng đồng giữ vệ sinh môi trường trong thôn, trồng thêm cây xanh, làm đường đi lại, trồng hoa, cải tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Để giúp bà con trong thôn làm ăn, nhà chùa kêu gọi các đoàn Phật tử từ nhiều nơi về đây hỗ trợ, giúp đỡ phương tiện làm ăn; chia sẻ hướng dẫn cho bà con về sinh kế, phương thức làm ăn ổn định hướng đến mục tiêu lâu dài, bền vững.

Nhà chùa cũng thường xuyên kêu gọi Phật tử, nhà hảo tâm có điều kiện nơi xa đến giúp đỡ các gia đình khó khăn trên địa bàn, gia đình Phật tử nghèo trong các dịp lễ, tết, trong những lúc vụ mùa thất bát. Như trong năm 2020 vừa qua, chùa đã đóng góp cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện và tự tổ chức thăm, tặng quà, tặng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, tặng học bổng cho học sinh DTTS nghèo trong xã và tại buôn với tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng.

Mưa dầm thấm lâu, mỗi ngày một ít, nhà chùa như một điểm đoàn kết của cả cộng đồng dân cư trong vùng. Cho đến nay, Đăng Đừng đã là một thôn buôn tươi đẹp trong vùng nông thôn Bảo Lâm. Không chỉ đời sống của bà con nhất là cộng đồng người Mạ nơi đây đã được cải thiện dần mà môi trường cảnh quan cũng thay đổi, buôn làng đã xóa bỏ được các tập tục lạc hậu, thôn làng thanh bình, ngày nhiều hộ đồng bào DTTS của thôn được công nhận gia đình văn hóa hơn.

“Chúng tôi khi đến đây hành đạo chỉ mang theo hành trang là tấm lòng chân thực và xác định rằng chỉ có tâm thanh tịnh, từ bi để đồng hành với bà con buôn làng. Cho đến nay chùa đã tồn tại trong lòng người dân, đó là niềm vui rất lớn” - Đại đức Thích Đồng Châu vui mừng.

Hiện đã có không ít người Kinh lẫn người Mạ ở Đăng Đừng quy y ở chùa, biết hướng về điều thiện; có nhiều gia đình tổ chức đám tang, đám cưới theo nghi lễ Phật giáo đơn giản hơn trước. Nay cộng đồng người Mạ nơi đâu cũng có những thanh niên xuất gia tu học trong chùa; tiêu biểu như thầy Chúc Minh trong chùa là người Mạ, chia sẻ Phật pháp với bà con dân tộc trong làng bằng tiếng của dân tộc mình.

“Mong ước của chúng tôi là các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của huyện cùng đồng hành, hỗ trợ cùng chúng tôi để cùng giúp buôn Đăng Đừng ngày càng phát triển hơn nữa” - Đại đức Thích Đồng Châu mong muốn.

GIA KHÁNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202104/chao-mung-hoi-nghi-tong-ket-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-tinh-lam-dong-nam-2020-phat-dong-thi-dua-nam-2021-ngoi-chua-o-buon-dang-dung-3053019/