Ngôi đền giản dị tôn vinh chí sĩ yêu nước

Đền thờ Phan Châu Trinh tại số 9 Phan Thúc Duyện, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: YÊN LAN

Làng Tân Sơn Nhất, hạt Gia Định xưa (nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) là nơi yên nghỉ của chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh. Đền thờ cụ ở số 9 Phan Thúc Duyện, là một điểm đến đặc biệt tại Tân Bình.

Đi qua cổng đền thờ, du khách bước vào khoảng sân lát gạch, chạm vào hương hoa bâng khuâng. Ngoài hai cây sứ cổ thụ, khoảng sân có khá nhiều cây xanh. Vài con chim sẻ hồn nhiên sà xuống sân khi chiều gần tắt nắng. Âm thanh sôi động của phố xá tràn qua cổng, tràn qua hàng rào cây xanh, chen vào nơi này.

Trước đền có hồ nước nhỏ, bên trên đặt bức tượng bán thân bằng đá của cụ Phan Châu Trinh. Bức tượng này do UBND TP Đà Nẵng tặng vào năm 2006.

Bên trái hồ nước là mộ chí sĩ Phan Châu Trinh, được lập năm 1926. Mặt trước mộ có văn tự đề “Việt Nam chính trị cách mạng gia. Phan Châu Trinh tiên sinh chi mộ. Quốc dân đồng kính tạo”. Sau mộ có tấm bia đá bằng cẩm thạch cao 3,6m, rộng 3m, khắc ghi thân thế, sự nghiệp của cụ Phan Châu Trinh, do cụ Huỳnh Thúc Kháng soạn vào ngày 2/8/1926.

Cụ Phan Châu Trinh sinh năm 1872, quê làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước (nay thuộc xã Tam Phước, TX Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Năm 1900, cụ đỗ cử nhân, năm sau đỗ phó bảng và được bổ làm Thừa biện bộ lễ. Năm 1905, cụ từ quan, cùng các bạn là Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng vào Nam thực hiện 3 mục tiêu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Hai năm sau khi bí mật đi sang Nhật gặp cụ Phan Bội Châu, năm 1908, cụ Phan Châu Trinh bị thực dân Pháp bắt, đày ra Côn Đảo. Có được sự can thiệp của Hội đồng Nhân quyền Pháp, Phan Châu Trinh được đưa về quản thúc tại Mỹ Tho, sau đó cụ yêu cầu chính quyền Đông Dương cho sang Pháp. Trên xứ người, cụ làm nghề sửa ảnh để mưu sinh và hoạt động cách mạng. Tháng 6/1925, cụ Phan Châu Trinh về nước cùng cụ Nguyễn An Ninh, diễn thuyết tại Hội Thanh niên Sài Gòn. Ngày 24/3/1926, cụ trút hơi thở cuối cùng tại Gia Định, ở tuổi 54.

Sau khi qua đời, cụ Phan Châu Trinh được an táng tại nghĩa trang của Hội Gò Công tương tế thuộc làng Tân Sơn Nhất, hạt Gia Định (nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh).

Năm 1994, mộ Phan Châu Trinh được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử quốc gia.

Đền thờ chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh ở vị trí trung tâm khuôn viên, có hình bát giác, mái ba tầng, lợp bằng ngói vảy theo kiểu xưa. Bàn thờ cụ được đặt ở giữa đền, phía sau có bức đại tự ghi “Cách mạng tiền khu” (người làm cách mạng gian nan đầu tiên). Bên trái là nơi thờ phu nhân và các con của cụ; bên phải có bia ghi công đức.

Thấy khách đến viếng, Khánh - cô gái làm việc tại cửa hàng cây cảnh bên cạnh đền - liền đến hỗ trợ. Khánh cho biết, hướng dẫn khách tham quan cũng là công việc của cô. Theo lời Khánh, đây không phải là ngôi đền đầu tiên thờ Phan Châu Trinh. Đền thờ cụ được Hội Trung kỳ ái hữu cùng con cháu cụ xây dựng tại khu vực thuộc phường Đa Kao (quận 1, TP Hồ Chí Minh) ngày nay. Năm 1993, đền được dời về đây - số 9 Phan Thúc Duyện, bên cạnh mộ phần. Kiến trúc của ngôi đền mới mô phỏng theo đền cũ ở Đa Kao.

Bên phải đền thờ là phòng trưng bày - nơi các di vật, hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Phan Châu Trinh được lưu giữ trang trọng. Tại đây, khách tham quan nhìn thấy những tác phẩm nổi tiếng của chí sĩ yêu nước: Thư vạch 7 tội của vua Khải Định, Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, Tây Hồ thi tập, Tỉnh quốc hồn ca...

Những hình ảnh lễ tang chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh được lưu giữ trong phòng trưng bày bên cạnh đền thờ. Ảnh: YÊN LAN

Những hình ảnh lễ tang chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh được lưu giữ trong phòng trưng bày bên cạnh đền thờ. Ảnh: YÊN LAN

Tại đây có Phan Châu Trinh niên biểu, ghi thân thế và sự nghiệp của chí sĩ yêu nước họ Phan qua các giai đoạn. Hình ảnh đám tang cụ Phan Châu Trinh được trưng bày một góc riêng. Theo các tài liệu, ngày đó, linh cữu cụ được quàn tại Bá Huê lầu, số 54 đường Pellerin (nay là đường Pasteur, quận 1, TP Hồ Chí Minh) để đồng bào viếng trong 8 ngày. Đặc biệt, dù thực dân Pháp ra sức ngăn cản song người dân khắp ba kỳ vẫn tổ chức lễ truy điệu Phan Châu Trinh, tạo thành một sự kiện chính trị lúc bấy giờ.

Trong phòng trưng bày, khách tham quan đọc bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, được chí sĩ Phan Châu Trinh sáng tác tại Côn Lôn năm 1907:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,

Lừng lẫy làm cho lở núi non.

Xách búa đánh tan năm bảy đống,

Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,

Mưa nắng càng bền dạ sắt son.

Những kẻ vá trời khi lỡ bước,

Gian nan chi kể sự con con.

Bài thơ cho thấy khí thế hiên ngang, kiêu hãnh của nhà cách mạng Phan Châu Trinh, giữa cảnh tù đày vẫn không hề sờn lòng nản chí.

Hàng năm, đến ngày giỗ chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, hậu duệ của cụ phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức lễ tưởng niệm trang trọng, đồng thời trao học bổng Phan Châu Trinh cho các em học sinh hiếu học.

Vào mùa hè, đền thờ Phan Châu Trinh đón các đoàn học sinh từ những ngôi trường mang tên cụ đến thăm viếng. Nhiều người con xứ Quảng, khi vào TP Hồ Chí Minh công tác hay du lịch, đã đến đây thắp hương viếng cụ. Người dân TP Hồ Chí Minh cũng đến nơi này, tỏ lòng kính trọng tinh thần, nghĩa khí của chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/277524/ngoi-den-gian-di-ton-vinh-chi-si-yeu-nuoc.html