Ngôi nhà chung đầy ắp yêu thương

Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp trải qua 30 năm xây dựng và phát triển (17/10/1994-17/10/2024) đã trở thành ngôi nhà chung đầy ắp yêu thương của bao thế hệ cán bộ, lãnh đạo quản lý và những người con được nuôi dưỡng, trưởng thành từ đây.

Lãnh đạo Báo Dân Trí, Sở LĐTB&XH và đại diện nhà tài trợ trao tặng quà cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh

Lãnh đạo Báo Dân Trí, Sở LĐTB&XH và đại diện nhà tài trợ trao tặng quà cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh

Ông Bùi Tuấn Hùng, Nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 1998-2009

Ông Bùi Tuấn Hùng, Nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 1998-2009

“Tết Trung thu đầu tiên tại trung tâm”

Nhớ lại những ngày ấy (năm 1998), để tổ chức một cái tết Trung thu cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt tại trung tâm rất khó khăn, vất vả. Trong thời kỳ này chưa có các đơn vị làm quảng cáo, in phông maket trên máy tính, do đó cán bộ phải tự thiết kế, cắt vẽ trang trí, xây dựng kịch bản, làm đèn ông sao, tổ chức tập luyện cho các cháu tham gia múa hát vui đón tết Trung thu. Trong khi đó, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm trong những năm đầu đón các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt vào trung tâm cũng chưa có kinh nghiệm tổ chức hoạt động… Ấy thế mà với sự đồng lòng và quyết tâm, chúng tôi đã tổ chức thành công một tết Trung thu đầu tiên cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại trung tâm.

Năm đầu tổ chức, trung tâm đã được các lãnh đạo của tỉnh và một số ngành tới thăm, cùng chung vui đón Tết Trung thu với các cháu. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã xúc động, ân cần chia sẻ với các cháu có hoàn cảnh đặc biệt tại trung tâm, dặn dò, mong các cháu nghe lời các cô, các chú cán bộ, cố gắng rèn luyện bản thân để có sức khỏe tốt, cố gắng học tập tốt, sau này trở thành người công dân có ích cho xã hội. Đồng chí cũng động viên, nhắc nhở cán bộ, nhân viên của trung tâm là một đơn vị mới được thành lập, hiện nay cơ sở vật chất còn thiếu, có nhiều khó khăn, việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều đối tượng khác nhau, do đó đòi hỏi các cán bộ phải nỗ lực trau dồi các kiến thức để đáp ứng theo nhu cầu công việc. Tuy chỉ là một phần việc tổ chức vui đón tết Trung thu nhưng đó cũng là kỷ niệm khó quên đối với tôi.

Ông Nguyễn Trần Kiên, Trưởng phòng Chăm sóc khẩn cấp và dài hạn, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh

Ông Nguyễn Trần Kiên, Trưởng phòng Chăm sóc khẩn cấp và dài hạn, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh

“Vượt khó, hết mình chăm sóc các đối tượng”

Phòng Chăm sóc khẩn cấp và dài hạn có chức năng chăm sóc các đối tượng một cách toàn diện và liên tục từ tư vấn hướng dẫn cho đối tượng về giáo dục, sức khỏe, cách tự chăm sóc ăn, ở, sinh hoạt hằng ngày, tự theo dõi chăm sóc bản thân; trợ giúp các đối tượng khi gặp khó khăn. Trường hợp đối tượng cần chăm sóc đặc biệt không tự phục vụ được thì viên chức, người lao động sẽ chăm sóc toàn diện cho đối tượng bao gồm cả chăm sóc vệ sinh cá nhân, chăm sóc dinh dưỡng, tinh thần giúp cho đối tượng phục hồi nhanh nhất có thể.

Ai theo nghề công tác xã hội cũng phải là người biết chấp nhận hy sinh và là người can đảm bởi áp lực công việc rất cao. Những ca trực đêm, khi có những diễn biến đặc biệt chúng tôi đều thức trắng đêm theo dõi tình hình của đối tượng, đặc biệt là theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của đối tượng đang điều trị bệnh hoặc những đối tượng có những hành vi biểu hiện bất thường...

Với công việc của chúng tôi, ngoài tình yêu nghề, có lương tâm nghề nghiệp, còn phải biết nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu tâm, ý của các đối tượng, luôn giữ được chữ “Tâm” với nghề, do vậy để thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, phục vụ đối tượng tốt hơn nữa, tập thể Phòng Chăm sóc khẩn cấp và dài hạn luôn đoàn kết, nhất quán trong công việc. Do công việc của phòng rất vất vả và áp lực nên chúng tôi thường dành thời gian thăm hỏi, động viên đối tượng để tạo mối quan hệ thân thiện hơn với đối tượng để tìm hiểu thêm về tâm tư, nguyện vọng và sẵn sàng giải thích những băn khoăn, thắc mắc giúp cho đối tượng yên tâm, tin tưởng khi sinh sống tại cơ sở.

Em Chu Quốc Chỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đình Lập

Em Chu Quốc Chỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đình Lập

“Ngôi nhà thứ hai nâng bước em trưởng thành”

Em sinh ra và lớn lên tại thị trấn Nông Trường Thái Bình, huyện Đình Lập trong gia đình có 2 chị em, bố mẹ em mất sớm, việc đi học của 2 chị em khó khăn. Được các bác ở huyện quan tâm, hướng dẫn làm hồ sơ nên khi em đang học lớp 4 (tháng 4/2008) thì em được vào sinh sống tại Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh – đây là một dấu mốc rất quan trọng đối với cuộc đời em vì em vẫn có thể tiếp tục được đến trường đi học. Em không thể nào quên được những ngày tháng đã sống tại đây và được sự dạy bảo nghiêm túc, trách nhiệm của các cô, các chú ở trung tâm. Ngày ấy em hay mải chơi, thích khám phá với các trò chơi tiêu khiển trên internet, rất nhiều lần phải viết những bản tường trình, kiểm điểm dài hàng trang,... Nhưng tình yêu thương chân thành, sự khuyên bảo, dạy bảo tận tình của các cô, các chú đã giúp em nhận thức được và nỗ lực hơn trong học tập.

Năm 2016, em thi đỗ vào trường quân đội. Trong suốt quá trình học tập, em luôn nhận được sự kỳ vọng và lời động viên của các cô, các chú, anh em, bạn bè tại Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh. Năm 2021, sau khi tốt nghiệp loại khá, em được phân về công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đình Lập.

Em thường về thăm Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh - nơi đã từng là cái nôi, là ngôi nhà bình yên, đầy ắp yêu thương nuôi dưỡng, nâng bước để em được trưởng thành như ngày hôm nay, ở đó vẫn còn nhiều gương mặt thân thương, một vài bác đã đến tuổi nghỉ hưu, một số cô chú chuyển công tác, cũng có nhiều gương mặt trẻ như thế hệ em đang nối tiếp truyền thống, nhiệm vụ, chức năng của trung tâm, cưu mang, giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi...

.

Em Hoàng Thị Hòa, Nhân viên Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh

Em Hoàng Thị Hòa, Nhân viên Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh

“Trở về cống hiến để giúp được nhiều trường hợp khó khăn như em”

Em sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó có 3 anh chị em. Khi em lên 2 tuổi thì bố, mẹ đột ngột qua đời vì bệnh tật. Mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa, cuộc sống vô vàn khó khăn. Anh, chị của em đang trong tuổi đến trường phải nghỉ học đi làm thuê để trang trải cuộc sống và nuôi em ăn học. Năm 2011, khi em học hết lớp 9, anh chị quyết định cho em nghỉ học. Lúc này, em may mắn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ thầy cô và bạn bè, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm lớp 9 đã đến thăm, động viên gia đình và lo làm giấy tờ, hồ sơ đưa em vào nuôi dưỡng tại Cơ sở BTXH tỉnh để em được tiếp tục đến trường, có cuộc sống trọn vẹn tình yêu thương.

Ngày đầu em vào cơ sở còn nhiều bỡ ngỡ, tự ti về hoàn cảnh của mình, nhưng rồi khi em được biết nơi đây gắn kết những mảnh đời bất hạnh như em thì em thấy được an ủi nhiều. Có các bạn cũng mất cha mẹ, các cụ già neo đơn không nơi nương tựa, những đứa trẻ bị bỏ rơi không ai chăm sóc... Vì thế, chúng em luôn quan tâm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày để vơi đi nỗi nhớ gia đình.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông năm 2014, em đã thi đỗ và chọn theo học Trường Cao đẳng Y Lạng Sơn. Năm 2017, khi ra trường đúng dịp Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh tuyển nhân viên, em đã thi vào và làm việc tại ngôi nhà thứ hai ấm áp yêu thương một thời của mình. Em rất vui vì tiếp tục được chia sẻ, đồng hành với các cô, chú ở Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các em, các đối tượng bất hạnh, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mình ngày xưa.

THANH HUYỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ngoi-nha-chung-day-ap-yeu-thuong-5024982.html