Ngôi nhà có quả đồi mâm xôi

Nếu như Mù Cang Chải có mâm xôi vàng trên đỉnh ruộng bậc thang nổi tiếng, thì ở căn nhà sàn nép dưới thung lũng ở xã Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) của vợ chồng Lâm A Hà – Vàng Thị Thông, cũng có một đồi mâm xôi bé xinh. Đến homestay Hà Thông, chỉ cần đỗ xe ngoài đường cái, là đã thấy đồi mâm xôi với chiếc núm xanh vốn là lùm cây cổ thụ nằm chính giữa thửa ruộng tròn. Đây cũng là địa chỉ quen thuộc của một số du khách yêu mến và từng đặt chân đến Bắc Hà nhiều lần.

Nếu như Mù Cang Chải có mâm xôi vàng trên đỉnh ruộng bậc thang nổi tiếng, thì ở căn nhà sàn nép dưới thung lũng ở xã Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) của vợ chồng Lâm A Hà – Vàng Thị Thông, cũng có một đồi mâm xôi bé xinh. Đến homestay Hà Thông, chỉ cần đỗ xe ngoài đường cái, là đã thấy đồi mâm xôi với chiếc núm xanh vốn là lùm cây cổ thụ nằm chính giữa thửa ruộng tròn. Đây cũng là địa chỉ quen thuộc của một số du khách yêu mến và từng đặt chân đến Bắc Hà nhiều lần.

Để đến với căn nhà sàn nằm dưới thung lũng, nép vào lưng núi này, du khách phải đi bộ qua quãng đường hơn 500m dốc thoai thoải từ trên đường lớn xuống. Con đường trước đây là đường đất, nay được đổ sơ xi măng, đủ để đi lại chắc chân, không trơn trượt trong mùa mưa mà vẫn giữ được vẻ thô mộc của vùng núi. Con đường nho nhỏ này uốn lượn cạnh những bụi hoa mua tím ngát, những khóm hoa rừng bé xíu rung rinh trên triền một con suối nhỏ chảy róc rách dưới chân núi, qua những ngọn lau phất phơ trắng muốt. Qua con suối một đoạn là những thửa ruộng bậc thang vàng rực hoặc xanh mướt theo mùa. Dù đi bộ hay ngồi xe ôm, ai đến homestay của Hà – Thông cũng đều được thiên nhiên thết đãi “no mắt” với cảnh vật trên đường.

 Con suối chảy trên đường vào homestay.

Con suối chảy trên đường vào homestay.

Homestay Hà – Thông là nơi du khách trải nghiệm cuộc sống thực sự của người Tày ở Bản Liền, ngủ cùng với gia chủ, ăn những món ăn mà người Tày vẫn ăn hằng ngày, nhưng do bàn tay đầu bếp đã qua những khóa huấn luyện của đầu bếp chuyên nghiệp thực hiện, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm hợp khẩu vị với những vùng miền khác nhau. Những ai đã từng đến đây đều ngạc nhiên, bởi những món ăn mà gia đình Hà – Thông thết đãi họ, dù là món đặc trưng của người Tày, nhưng lại hết sức gần gũi với những món thường ngày của người thành phố, như xương lợn hầm bí đỏ, nộm hoa chuối, rau bí xào, ngọn cải mèo hoặc su su luộc, cá suối nướng… “Nhà ăn gì, khách ăn nấy” là phương châm đón khách của gia đình người Tày này. Đôi khi, có dịp đặc biệt, gia đình lại đãi khách món rêu suối, thứ đặc sản bây giờ không hề dễ kiếm ở vùng núi này.

Đường vào quanh co giữa những thửa ruộng bậc thang.

Đường vào quanh co giữa những thửa ruộng bậc thang.

Với những người thành phố, cuộc sống ở một bản làng xa xôi hẻo lánh như xã Bản Liền quả thực có rất nhiều điều lạ lẫm. Màn đêm buông xuống đồng hành với sự tĩnh lặng. Thi thoảng trên núi phía xa, nơi con đường nhựa chạy qua, mới có một thoáng ánh sáng của chiếc xe đi về muộn. Bản nhỏ, xa trung tâm, lại thưa vắng hộ dân, cho nên đến bây giờ xóm nhỏ ven núi này vẫn chưa có điện lưới, chưa có đường điện thoại cố định. Các hộ dân ở đây phải tự nối điện từ cách đó khoảng 3km về nhà, và điện cũng chỉ có thể sử dụng cho thắp sáng, đun nước nóng phục vụ du khách vào mùa lạnh. Nhưng bù vào đó, là sự trải nghiệm khó quên, khi được chìm đắm trong không khí tĩnh lặng hoàn toàn, thơm mùi lúa, thi thoảng có tiếng côn trùng râm ran đâu đó. Và ở khu vực bồn rửa tay ngoài trời, sẽ thỉnh thoảng có những “vị khách không mời” ghé thăm, như chú cánh cam hoặc chàng châu chấu…

 Góc sân nhỏ vào ao cá.

Góc sân nhỏ vào ao cá.

Với nhiều người, hẳn sẽ thắc mắc rằng, chơi gì ở chốn hoang vu này. Đó cũng là điều mà hai vợ chồng Hà – Thông suy nghĩ và chuẩn bị bấy lâu nay. Những công việc hằng ngày mà nhà Hà – Thông làm, chắc chắn sẽ trở thành những hoạt động thú vị đối với du khách, như lên đồi bẻ quế, hái búp chè, đi hái rau trong vườn, tham quan ruộng bậc thang. Con suối gần nhà cũng là một chỗ vui chơi thú vị. Ngoài ra, Thông còn bật mí về “tour” trekking lên ngọn núi ngay sau nhà, nơi quá quen thuộc với gia đình cô nhưng chắc chắn sẽ hấp dẫn, mới mẻ đối với nhiều du khách ưa khám phá.

 Sáng sớm nhìn từ cửa sổ ra ruộng bậc thang trước nhà.

Sáng sớm nhìn từ cửa sổ ra ruộng bậc thang trước nhà.

Với lợi thế là đồi chè, đồi quế sẵn có, những dịch vụ độc đáo chỉ có ở Bản Liền cũng sẽ khiến du khách không thể quên. Tắm, ngâm chân thảo dược, tắm lá chè, quế… trong chậu gỗ, dưới khung cảnh nhà sàn và những thửa ruộng bậc thang ôm vòng quan chân núi sẽ là những trải nghiệm thật đặc biệt.

Nói là “sẽ” bởi vì căn homestay mà hai vợ chồng Hà – Thông đã bỏ rất nhiều công sức vào đầu tư này, vừa hoàn thành đầu năm 2020, sau khi được hỗ trợ vốn và kỹ năng từ phía Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn (CRED).

 Vàng Thị Thông chăm chút cho từng góc nhỏ của homestay.

Vàng Thị Thông chăm chút cho từng góc nhỏ của homestay.

Chuyện làm homestay của nhà Hà Thông diễn ra hết sức tình cờ. Đến bây giờ cả hai vợ chồng cũng vẫn không nghĩ rằng mình lại dấn thân vào lĩnh vực mới toe, lạ hoắc với bất cứ người Tày nào ở Bản Liền. Ở đây mỗi bản đều có nhiều nhà, nhưng các nhà cách xa nhau từ 1-2km, trông thì gần nhưng đường đi vòng vèo qua các thửa ruộng bậc thang, đồi quế, đồi chè, nên chẳng mấy khi gặp được nhau. Bản Liền lại chưa được hòa lưới điện quốc gia, mà mới chỉ tự mắc nối dây từ ngoài trạm ngã ba đường vào, cũng không có sóng điện thoại. Vì vậy việc gọi điện, liên lạc hay vào mạng ở đây là không thể. Ban ngày bận bịu với đồi chè đồi quế, tối cơm nước xong còn thời gian, Thông hay tham gia hội họp các nhóm, đoàn thể với các chị em khác trong bản.

 Căn nhà của gia đình Hà - Thông.

Căn nhà của gia đình Hà - Thông.

Cũng chính từ những buổi đi họp, sinh hoạt, tham gia các hoạt động hội nhóm ở địa phương, mà gia đình Thông có duyên với du lịch cộng đồng. Thông kể, trong một buổi họp hội phụ nữ, cô được nghe phổ biến về du lịch cộng đồng. Ở bản bên đông các hộ dân hơn, khoảng cách giữa các nhà lại không quá xa, cho nên một số dự án du lịch cộng đồng đã vào khảo sát và thuyết phục bà con làm theo. Các hộ dân đã được đi tham quan tại Hà Giang, và đều thích thú với mô hình làm du lịch cộng đồng ở đây. Khi đó, khái niệm về du lịch cộng đồng đối với Thông vẫn còn mơ hồ lắm, vì trong suy nghĩ của cô, căn nhà của gia đình mình ở quá xa, lại là khu thưa thớt dân cư, vắng vẻ, chắc gì khách đã thích.

Tháng 5-2019, dự án du lịch cộng đồng của Trung tâm CRED vào khảo sát khu vực nhà Hà – Thông. Mới vào, phía dự án đã ưng ngay căn nhà. Vay dự án được 50 triệu, đầu tư hết khoảng 100 triệu từ mua chăn gối đệm mới, làm nhà vệ sinh, nhà tắm, kéo điện lưới. Cái ao trước nhà, trước chỉ là bờ đất men ruộng, nay hai vợ chồng tự chở xi măng gạch vào kè bờ cho chắc chắn. Hà Thị Thông chia sẻ: “Nếu có tiền thuê thì nhàn hơn, nhưng ở đây nhà em tự làm lấy, kể cả nhà tắm, nhà vệ sinh, đào ao, không thuê một công nào. Ban ngày đi làm nông, chiều tối về hai vợ chồng em cùng nhau làm đến tận đêm khuya. Cái gì tận dụng được ánh điện của nhà thì làm ban đêm, cái nào không tận dụng được thì thu xếp làm ban ngày”.

 Khung cảnh nhìn từ chòi ăn trưa.

Khung cảnh nhìn từ chòi ăn trưa.

Ban đầu, vợ chồng Hà, Thông định dựng chòi ăn trưa trên mặt ao, bằng gỗ sến ngâm nước hằng năm trời cứng như thép. Nhưng sau thấy bất tiện cho khách, lại không hiệu quả, cho nên họ dời chiếc chòi vào sân. Thế là khách đến ở homestay Hà – Thông nghiễm nhiên được ăn sáng, ăn trưa trên chiếc chòi lá nhìn thẳng ra ruộng bậc thang, nơi có quả đồi mâm xôi vàng rực rỡ hoặc xanh mướt mát hoặc lóng lánh màu nước qua các mùa. Có khách bảo, chỗ này view phải 5 sao.

Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cho nên kế hoạch đón khách du lịch của hai vợ chồng bị lùi lại. Từ đầu năm đến nay, homestay của Hà – Thông mới đón được một số đoàn khách chuyên gia nước ngoài, các doanh nghiệp lữ hành đến tham quan.

 Từ homestay nhìn ra hướng đồi mâm xôi.

Từ homestay nhìn ra hướng đồi mâm xôi.

Homestay của Hà – Thông chỉ là một trong số khoảng hai chục homestay của các gia đình tại nhiều xã khác nhau thuộc huyện Bắc Hà (Lào Cai) đang được CRED hỗ trợ. Bắc Hà với những xã xa xôi vốn được coi như những “nàng công chúa ngủ trong rừng”, với vẻ đẹp hoang sơ, tinh khôi từ cả thiên nhiên và con người, nhưng chưa được khai thác. Những hỗ trợ đúng hướng, từ cho vay vốn, hỗ trợ kỹ năng phục vụ, kiến thức về dịch vụ du lịch… đang giúp cho người dân tộc thiểu số ở đây không chỉ vươn lên tìm cách thay đổi cuộc sống, mà còn thay đổi cả tư duy, hướng tới những điều thật tốt đẹp. Như Hà – Thông, giấc mơ đang được chắp cánh, chờ ngày bay lên cao…

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/hanh-trinh-kham-pha/ngoi-nha-co-qua-doi-mam-xoi-635356/