Ngôi nhà hài cốt ở Hallstatt (Áo) - Một bảo tàng nghệ thuật

n thăm ngôi làng cổ kính và lãng mạn Hallstatt thì bạn đừng quên ghé thăm ngôi nhà mồ Beinhaus. Nghe đến tên nhà mồ hay nhà để hài cốt thì bạn cảm thấy có vẻ rờn rợn người. Nhưng khi bạn vào thăm bên trong ngôi nhà đó thì thấy rằng cảm giác đó chỉ bị ngôn từ đánh lừa mà thôi. Ở đây thật sự là một bảo tàng nghệ thuật, là sự giao thoa giữa người sống và người đã khuất, giữa cái tội lỗi và sự cứu chuộc của Chúa.

Ngôi nhà đựng hài cốt này được xây dựng vào thế kỉ XII sau Công nguyên. Hiện nay trong phòng Karner (bắt nguồn từ Carnis có nghĩa là thịt) có khoảng 1.200 hộp sọ người, nhưng trong số đó có 610 hộp sọ đã được vẽ trang trí rất công phu và đẹp mắt. Các hộp sọ được sắp xếp theo từng gia đình và được khắc ngày mất.

Tại sao trong làng lại tồn tại nhà chứa hài cốt này? Phải chăng có sự dị giáo gì không? Xin thưa không phải dị giáo hay hủ tục gì lạc hậu. Đơn giản chỉ vì xuất phát từ thực tế đời sống, khi diện tích đất để dùng cho nghĩa trang rất hạn hẹp và không có khả năng mở rộng thêm. Chính vì vậy những ngôi mộ sau khoảng thời gian từ 10 đến 15 năm sẽ được khai quật lên, họ sẽ lấy hộp sọ và các xương ống ra.

Các hộp sọ sẽ được làm sạch và tẩy trắng bằng hóa chất. Hộp sọ và xương được phơi dưới ánh nắng mặt trời và ánh trăng trong một vài tuần cho đến khi các dấu vết tan biến và cuối cùng hộp sọ, xương ống sẽ có được màu trắng như ngà.

Sau đó những chiếc hộp sọ sẽ được các nghệ nhân vẽ trang trí cho các hộp sọ như biểu tượng cho sự yêu thương và trân trọng. Họ đã vẽ lên các biểu tượng sau: Lá cây sồi: dấu hiệu của danh tiếng; Lá nguyệt quế: biểu tượng của chiến thắng; Lá thường xuân: biểu tượng của sự sống; Hoa hồng: biểu tượng của tình yêu.

Hộp sọ gần đây nhất hay gọi là trẻ nhất trong nhà mồ này là được đưa vào năm 1995, hộp sọ nằm bên cạnh cây Thánh giá. Người phụ nữ này mất vào năm 1983 và nguyện vọng của bà là khi chết được an táng ở nơi này. Với chiếc hộp sọ này thì họ vẫn còn giữ lại một chiếc răng vàng.

Cho đến ngày nay vẫn giữ tục lệ đó, nếu ai đó muốn nơi an nghỉ cuối cùng của mình là nhà hài cốt này thì bắt buộc họ phải viết lại trong di chúc khi còn sống.

Hai hộp sọ dưới cây Thánh giá có họ tiết trang trí hình một con rắn chính là biểu tượng cho cái chết và tội lỗi theo truyền thuyết Adam và Eva. Còn phía trên là cây thánh giá biểu tượng cho sự cứu chuộc của Chúa. Hộp sọ này theo sử sách ghi lại là hộp sọ của Linh mục.

Tuy nhiên ngày nay các lò hỏa táng ngày một nhiều, nhu cầu chôn cất rồi đưa hài cốt vào nhà mồ này không còn nhiều nữa. Nhưng điều đó vẫn không làm giảm đi giá trị vốn có của nó đã tồn tại hàng trăm năm nay.

Ở ngõ 559 Kim Ngưu, Hà Nội cũng có một bể chứa xương người và xương sọ kiểu như này nhưng cách để lộn xộn và không định danh được. Do vậy có thể nói Nhà mồ Beinhaus là nơi lưu giữa hài cốt có trang trí độc nhất vô nhị trên thế giới.

Bình Hoàng Nguyên (CHLB Đức)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/the-gioi/ngoi-nha-hai-cot-o-hallstatt-ao-mot-bao-tang-nghe-thuat.html