Ngôi nhà 'lộn xộn có tính toán'

Đối lập với chủ nghĩa tối giản, phong cách 'cluttercore' khuyến khích người ở lấp đầy không gian sống bằng các bộ sưu tập cá tính.

 Phong cách "Cluttercore" không có nghĩa là trưng bày đồ dùng theo cách lộn xộn, thiếu tổ chức. Ảnh minh họa: Max Burkhalte

Phong cách "Cluttercore" không có nghĩa là trưng bày đồ dùng theo cách lộn xộn, thiếu tổ chức. Ảnh minh họa: Max Burkhalte

Xu hướng sống tối giản (Minimalism) đã thống lĩnh nhiều thập kỷ qua với triết lý "less is more" (càng ít càng tốt). Tuy nhiên, nhiều người trẻ hiện nay đang hướng đến một phong cách mới có tên "Cluttercore". Phong cách này có nhiều nét đối lập với lối sống tối giản khi tôn vinh sự hỗn độn và việc thể hiện cá tính bản thân thông qua những đồ dùng được sưu tầm.

Dưới đây, Better Homes & Gardens sẽ giúp bạn giải mã về xu hướng thiết kế này.

 Phong cách này thường gây choáng ngợp với những bộ sưu tập cá nhân phong phú. Ảnh minh họa: David A. Land.

Phong cách này thường gây choáng ngợp với những bộ sưu tập cá nhân phong phú. Ảnh minh họa: David A. Land.

Cluttercore là gì?

"Clutter" nghĩa là "bừa bãi, lộn xộn", nhưng "cluttercore" có thể được hiểu là "sự lộn xộn có tổ chức".

Phong cách này khuyến khích người ở lấp đầy căn phòng với những đồ dùng như bộ sưu tập nghệ thuật, ảnh, đồ lưu niệm, sách... Tuy nhiên, những món đồ cần được sắp xếp theo một quy tắc nhất định để đảm bảo tính thẩm mỹ của không gian.

Theo các chuyên gia, xu hướng
"cluttercore" bùng nổ trong thời kỳ đại dịch. Khi mọi người có nhiều thời gian ở nhà hơn, họ mong muốn có một không gian ấm cúng và mang tính cá nhân cao.

 "Cluttercore" tạo cảm giác ấm cúng khi người ở lấp đầy không gian bằng những đồ vật gần gũi. Ảnh minh họa: Helen Norman.

"Cluttercore" tạo cảm giác ấm cúng khi người ở lấp đầy không gian bằng những đồ vật gần gũi. Ảnh minh họa: Helen Norman.

Cluttercore và chủ nghĩa tối đa

Phong cách "cluttercore" và chủ nghĩa tối đa (Maximalism) có một vài điểm tương đồng, ví dụ như ở việc trưng bày các bộ sưu tập cá nhân.

Tuy nhiên, theo nhà thiết kế Beth Martin (New York, Mỹ), chủ nghĩa Maximalism sử dụng những màu sắc đậm và pha trộn nhiều phong cách với nhau, giữa các không gian cần có điểm chung để tạo sự kết nối.

Trong khi đó, "cluttercore" tạo cảm giác cổ điển và mang tính sưu tầm, mục đích là gợi lên cảm giác vui vẻ cho người dùng.

 Mỗi bộ sưu tập cần được trưng bày ở một vị trí cụ thể. Ảnh minh họa: Werner Straube.

Mỗi bộ sưu tập cần được trưng bày ở một vị trí cụ thể. Ảnh minh họa: Werner Straube.

Ứng dụng phong cách "cluttercore"

"Cluttercore" bắt đầu từ việc sưu tầm, nhưng thay vì chỉ lấp đầy không gian, bạn nên chọn những món đồ có ý nghĩa, mang lại niềm vui và sự thoải mái.

Bên cạnh đó, để căn phòng không trở nên rối mắt và lộn xộn, bạn cần tìm ra vị trí cụ thể cho mỗi bộ sưu tập của mình. Trước hết, hãy thử treo những bức tranh lên tường để tạo ra một không gian triển lãm trong chính căn nhà.

Ngoài ra, bạn nên chừa lại những khoảng trống để mắt có thể nghỉ ngơi. Về điểm này, Amber Dunford, Giám đốc phong cách tại hãng nội thất Overstock (Mỹ), khuyên rằng bạn nên chú ý đến kết cấu và tỷ lệ giữa các món đồ.

Ví dụ, bạn có thể dựa một bức tranh cao vào kệ hoặc tường, sau đó đặt một món đồ nhỏ hơn như chậu cây ở phía trước.

Tuy nhiên, việc chinh phục phong cách này đòi hỏi thời gian cũng như tiền bạc để làm phong phú bộ sưu tập. Vì vậy, bạn nên bắt đầu với quy mô nhỏ trước, chẳng hạn như trưng bày một tủ sách lớn hay bức tường treo tranh trang trí.

Bích Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngoi-nha-lon-xon-co-tinh-toan-post1413199.html