Ngọn đuốc giữa đêm tối
Một nghệ sỹ chơi vĩ cầm trong trại tập trung. Một người tị nạn mang theo một tập thơ. Nghệ thuật nâng đỡ chúng ta khi sự sống không còn chắc chắn.
Vũ khí của linh hồn
Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng "vẻ đẹp nghệ thuật" cũng có thể lấp lánh trong các trại tập trung của Đức Quốc xã, như Viktor E Frankl, nhà thần kinh học và bác sĩ tâm thần người Áo đã sống sót qua các trại tập trung diệt chủng, viết trong tác phẩm “Đi tìm ý nghĩa con người” (Man's Search For Meaning). Frankl đã mô tả lại những buổi biểu diễn ngẫu hứng trong trại tập trung của ông thế này:
"Một cái lán được dựng lên tạm bợ, với vài băng ghế gỗ được kê sát hoặc đóng đinh ghép vào nhau nhanh gọn và thế là chương trình bắt đầu. Vào ban đêm, những người có địa vị trong trại - như các ka-po (những tù nhân được binh lính SS giao nhiệm vụ giám sát các tù nhân khác trong trại) hoặc lao dịch không phải rời trại để tham gia các chuyến đi khổ sai - tập hợp ở đó.
Họ đến để tìm vài tiếng cười, hoặc là khóc một chút, dù thế nào đi nữa, để quên đi. Có những bài hát, bài thơ, chuyện cười, một số mang nội dung châm biếm về trại. Tất cả đều nhằm giúp chúng tôi quên đi, và nó có hiệu quả. Các cuộc tụ tập hiệu quả đến mức một số tù nhân bình thường cũng đến xem buổi diễn bất chấp sự mệt mỏi của họ, dù họ đã bỏ lỡ luôn phần ăn hàng ngày của mình khi đi xem".
Frankl, ngoài việc kể lại những buổi diễn kinh ngạc này, còn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hài hước, cắt nghĩa rằng "đó là một trong những vũ khí khác của linh hồn trong cuộc chiến bảo vệ bản thân".
Và giống như Frankl, nhà sử học người Israel Otto Dov Kulka, người cũng đã sống sót qua các trại tập trung, kể lại trong tự truyện về những "tiểu phẩm" đã được diễn trong đó, và sự "đặc biệt" cùng gu "hài đen (black humour) độc nhất vô nhị" mà ông đã tìm thấy ở đó. Sinh ra ở Tiệp Khắc cũ vào năm 1933, cậu bé Kulka đã phải sống qua trại tập trung Theresienstadt trước khi đến Auschwitz. Trong tự truyện, Kulka liên tục nhắc đến Herbert, người bạn tù đã gây ấn tượng đặc biệt với ông:
"Chính Herbert đã đưa cho tôi một cuốn “Tội ác và trừng phạt” của Dostoevsky, Herbert đã giải thích cho tôi biết Beethoven là ai, Goethe, cũng như Shakespeare, và về nền văn hóa mà họ đã để lại cho chúng ta - đó là chủ nghĩa nhân văn ở châu Âu".
Kulka cũng hồi tưởng về Fredy Hirsch, một tù nhân khác, người đã "cống hiến cả bản thân lẫn đội ngũ những trợ giáo ông ấy đã chọn để giáo dục và chăm sóc những người trẻ". Kulka nhớ lại các bài giảng lịch sử và các buổi diễn nghệ thuật, bao gồm những vở kịch, hòa nhạc và opera cho trẻ em. Khu trại của Hirsch đã "trở thành trung tâm của đời sống văn hóa tinh thần ở nơi này". Đối với Kulka, những trải nghiệm này quan trọng đến mức "không nghi ngờ gì về việc chúng giúp đỡ hình thành nền tảng đạo đức cho cách tiếp cận văn hóa, cuộc sống và gần như mọi thứ của tôi, hình thành trong tôi chỉ trong vài tháng đó, ở độ tuổi 10 và 11".
Âm nhạc của Beethoven cũng đã cứu rỗi tâm hồn của cậu bé 15 tuổi Elie Wiesel năm nào. Trong cuốn tự truyện “Đêm của Elie Wiesel” (1958), ông đã mô tả lại những trải nghiệm kinh khủng khó tưởng tượng trong quá trình bị chuyển từ Sighet ở quê nhà Romania đến trại Auschwitz. Bị chia cắt khỏi mẹ và các chị, rồi chứng kiến cảnh tượng những đứa trẻ bị "ném vào biển lửa", linh hồn của Wiesel đã bị "xâm chiếm - và nuốt chửng - bởi một ngọn lửa đen". Sau đó, Wiesel được chuyển đến trại lao động Buna. Khi quân đội Liên Xô tiến vào lãnh thổ Đức Quốc xã, Wiesel mô tả cách lính SS di tản tất cả tù nhân khỏi Buna và bắt họ đi không ngừng nghỉ, chạy hàng giờ liền trong bóng tối xuyên qua băng tuyết. Những người không theo kịp sẽ bị bắn, giày xéo dưới chân hoặc chết cóng.
Khi đến trại Geliwitz, nơi các tù nhân đã tập hợp trong doanh trại với một cảnh tượng điêu tàn, nơi có rất nhiều người đã ngã đè lên nhau và bị nghiền chết. Wiesel nhận ra giọng của Juliek, một nghệ sĩ vĩ cầm người Do Thái đến từ Warsaw (Ba Lan), người đã chơi trong dàn nhạc ở Buna. Đêm đó, "trong doanh trại tối tăm, nơi người chết chất chồng lên sự sống", Wiesel nghe thấy Juliek chơi một đoạn trong bản concerto của Beethoven trên cây vĩ cầm của ông. Wiesel viết: "Chưa bao giờ trước đây, tôi nghe thấy âm thanh hay như thế. Điều này cũng có thể xem như một hành động nổi loạn sau chót, vì trước đó trong cuốn sách, Wiesel cho biết rằng các nhạc sĩ Do Thái ở đây không được phép chơi nhạc Đức:
"Bóng tối bao trùm chúng tôi. Tất cả những gì chúng tôi có thể nghe thấy là tiếng vĩ cầm và cứ như thể linh hồn của Juliek đã hóa thành cây vĩ cầm của ông ấy. Ông ấy đã thí cả mạng sống. Toàn bộ cuộc đời ông ấy lướt trên dây đàn. Những hy vọng chưa thành. Quá khứ cháy bỏng của ông, tương lai bị dập tắt của ông. Ông ấy đã chơi thứ mà ông sẽ không bao giờ được chơi nữa. Juliek đã chết vào đêm đó".
Nghệ thuật soi sáng trong tuyệt vọng
Trong “Phía sau ô cửa sổ bí mật: Hồi ức về thời thơ ấu bị che giấu trong Thế chiến thứ hai” (1993), Nelly S Toll, một nhà văn người Ba Lan cũng từng sống qua các trại tập trung Đức Quốc xã, kể lại một nỗ lực của bà và mẹ mình khi tham gia một nhóm cố gắng vượt biên từ Ba Lan sang Hungary. Sau một thời gian dài trốn tại nơi trú ẩn trong rừng, Toll và hai người bạn cuối cùng cũng được ra ngoài. Toll kể lại rằng lũ trẻ đã "ngất ngây" đến nhường nào khi được chơi, hát, ngắm mây bay và nghe chim hót.
Trong thời gian đầy bấp bênh tại khu ổ chuột Lwow, sau khi em trai, dì ruột và em họ của Toll bị mật vụ và cảnh sát Ukraine vây bắt, Toll kể rằng cha mẹ cô, "cũng như nhiều người lớn khác trong khu ổ chuột", vẫn cố gắng "giáo dục và cung cấp trải nghiệm văn hóa cho con cái họ". Khi Toll và mẹ trốn trong một căn phòng nhỏ của một căn hộ, người hàng xóm trong khu nhà đã mua cho cô một ít màu vẽ, và vẽ tranh đã trở thành một ngôi đền thiêng liêng trong tâm trí cô bé bấy giờ:
"Khi tôi bắt đầu vẽ, một thế giới mới mở ra trước mắt tôi. Cứ như thể chiếc hộp màu nước nhỏ bé đã tạo nên một con đường tươi sáng xuyên thẳng qua các bức tường của căn hộ ra ngoài trời… Trong bức tranh của tôi, không có chiến tranh, không có hiểm nguy, không có cảnh sát và không có nước mắt".
Người hàng xóm cũng mang sách từ thư viện về nhà cho Toll. Bà nhớ lại rằng đã được đọc Tolstoy, Dostoevsky, Goethe và Alexander Dumas, cũng như thần thoại và lịch sử Hy Lạp, những cuốn sách mà cô bé Toll thuở ấy đã đọc say sưa cùng mẹ.
Tương tự, trong tác phẩm “No Friend but the Mountains”, nhà văn Behrouz Boochani, một người tị nạn chạy trốn khỏi Iran và sau đó bị giam giữ nhiều năm trong hệ thống di trú của Úc, đã viết về tầm quan trọng của nghệ thuật đối với sự tồn tại. Ông trích dẫn lời của một tù nhân nhập cư cũng bị giam giữ tại đảo Manus (Úc) là nhạc sĩ Mostafa 'Moz' Azimitabar để nói lên giá trị của đời sống tinh thần: "Âm nhạc là công cụ duy trì ý thức về con người của tôi, bởi vậy tôi không quên rằng tôi là một con người".
Trong thời gian bị giam ở đảo Manus, Boochani chia sẻ rằng ông "hiểu rất rõ về tình huống này: những người duy nhất có thể vượt qua và sống sót sau mọi đau khổ do nhà tù gây ra là những người thực hành sáng tạo". Ông nói rằng "tiếng hát rì rầm của những bản ballad dân gian" đã đưa ông trở lại quê nhà Kurdistan, cũng như các màn khiêu vũ sôi động trong trại có thể được xem như đại diện cho một "hình thức phản kháng".
Trong tất cả những tự truyện về nỗi đau và sự sinh tồn này, chúng ta thường bắt gặp tác giả đề cập đến nghệ thuật, học tập và đời sống tinh thần. Có vẻ như họ đang nói về điều gì đó thật phù phiếm: sự an toàn, thức ăn, nước uống và phẩm giá, những nhu cầu cơ bản của một cuộc sống bình thường, hầu như đã bị tước mất trong những hoàn cảnh tưởng như tuyệt vọng. Trong khi nghệ thuật thì hoàn toàn có thể chỉ là ánh trăng lừa dối.
Và trong đời sống bình nhật thì những mơ tưởng này bị vùi dập trong sự tàn nhẫn của chủ nghĩa thực dụng và vị kỷ, trong những ưu tư về cơm áo gạo tiền và cả những hoài nghi về thói trưởng giả học làm sang bấu víu lấy nghệ thuật để tự đánh bóng mình. Chính phủ Úc mới đây đã công bố kế hoạch tăng học phí gấp đôi cho các văn bằng nhân văn. Tại Vương quốc Anh, chính phủ ban bố một chương trình "tài cấu trúc giáo dục đại học để ứng phó với COVID-19", trong đó viết rằng "nên tập trung nhiều hơn vào các môn học mang lại việc làm cho sinh viên tốt nghiệp trong các lĩnh vực quan trọng về kinh tế và xã hội".
Tuy nhiên, xem xét lại lịch sử và những hoàn cảnh tuyệt vọng đã từng có, thì những khoảnh khắc đẹp đẽ của đời sống tinh thần dường như thật sự quan trọng với con người, như là nguồn gốc của ý nghĩa và vẻ đẹp, của hy vọng và niềm an ủi, của sự giải thoát. Chúng quan trọng với con người như là biểu hiện của những gì giàu tính người nhất, sự bền bỉ, tình yêu và kiên định.
Những trải nghiệm kiểu này cung cấp một loại kiến thức đặc biệt cho chúng ta. Như Boochani cho biết, những người tị nạn trong nhà tù ở đảo Manus đã thay đổi "cách hiểu về cuộc sống" của họ. Trong những câu chuyện kể trên, ngay cả những khi tuyệt vọng và tăm tối nhất, tất cả đều đã trải qua một khoảnh khắc siêu việt, như khi Wiesel mô tả rằng đoạn nhạc của Beethoven do một Juliek sắp lìa trần với cây vĩ cầm là âm thanh đẹp nhất mà mình đã từng nghe.
Hãy nhớ lại đoạn Frankl viết về những tù nhân mệt mỏi đói khát đã sẵn sàng bỏ khẩu phần ăn ít ỏi của họ để xem các buổi diễn nghệ thuật trong trại tập trung: đó là lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự sắp xếp các nhu cầu cơ bản của con người hiện đại, trong một cuộc sống vật chất thừa mứa hơn, nhưng các giá trị tinh thần nghèo nàn đi. Tất nhiên là chúng ta cần thức ăn và chỗ trú ẩn để tồn tại, nhưng như Frankl đã chỉ ra, chúng ta cũng cần lý do để sống. Tiếng cười, câu chuyện, khiêu vũ, âm nhạc, nghệ thuật, và đời sống tinh thần… chúng ta biết rằng đây cũng là những nhu cầu cơ bản và là thành phần không thể thiếu của một cuộc sống tử tế dành cho con người.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/ngon-duoc-giua-dem-toi-622673/