Ngôn từ lai căng xâm lấn tiếng Việt

Một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là giới trẻ ngày càng lạm dụng từ ngữ lai căng trong giao tiếp hằng ngày, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Các hoạt động như tổ chức hội sách, tăng cường văn hóa đọc có tác dụng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Trong ảnh: Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thư viện tỉnh khuyến khích học sinh đọc sách tại Ngày hội thiếu nhi đọc sách năm 2022 (ảnh tư liệu)

Các hoạt động như tổ chức hội sách, tăng cường văn hóa đọc có tác dụng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Trong ảnh: Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thư viện tỉnh khuyến khích học sinh đọc sách tại Ngày hội thiếu nhi đọc sách năm 2022 (ảnh tư liệu)

Những ngôn từ lai căng ngày càng được nhiều người sử dụng, chủ yếu là giới trẻ đã làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Nhan nhản khắp nơi

Truy cập một số mạng xã hội, có thể thấy rất nhiều bài viết chứa yếu tố lai căng, chủ yếu là ghép tiếng Anh vào tiếng Việt. Ví dụ, trang Địa điểm ăn uống Hải Dương: “Lập team đi qua Sunshine 18 Minh Khai ăn vặt thôi các bạn, lạnh này làm bát cháo sườn quẩy là ấm con tim ngayyyuu”. Trang Dọn nhà cho đỡ chật Hải Dương: “Bún nóng - đậu non béo ngậy cùng 6 topping siêu đỉnh - mắm tôm thơm cứ gọi là bao phê luôn ạ”, “Thanh lý nhanh - giá rẻ gói combo giành cho các bạn học sinh, sinh viên, ai cần inbox mình nhé”. Trang Chợ Đông: “Máy giặt gấp gọn của Daewoo này nhất định mọi người phải mua nó nhé… Giá đang sale giảm 99k/mỗi cái đó ạ”…

Những từ như team, topping, combo, inbox, sale... với ý nghĩa đội, nhóm, loại thức ăn đặt trên thức ăn/uống khác, hình thức mua sắm kết hợp nhiều mặt hàng trong cùng 1 gói sản phẩm, hoạt động trao đổi trực tuyến, bán hàng giảm giá… đã được nhiều người dùng các từ tiếng Anh tương đương để thay thế.

Tại trang mạng xã hội do học sinh một số trường THPT tại TP Hải Dương lập ra, những ngôn từ này rất phổ biến: “Có em/bạn nào pass máy 580vnx giá rẻ ko ạ?”, “Mọi người ơi mình làm rơi mất cái kính màu đen ở trên ombre trắng ở dưới ai có thấy thì cho mình xin lại ở lớp 12L nha, cíu tui” (Trang HQ Confessions), “Hôm nay ngoại khóa mình có gặp một bạn nam ở đoàn 02, bạn đẹp trai lắm nên ai đó đi qua có thể cho mình xin in4 bạn ấy í được không ạ”, “Có thể cho em xin mấy shop y2k, grunge, acubi ở Hải Dương được không ạ?” (Trang NDer_exchange)…

Ở đây, các bạn trẻ đã sử dụng nhiều từ tiếng Anh, biến thể của chúng cũng như các từ chỉ phong cách thiết kế, xu hướng thời trang như pass (đổi), ombre (loại màu hòa trộn từ màu này sang màu khác), in4 (từ gốc là information nghĩa là thông tin), grunge (nghĩa tiếng Anh là cáu kỉnh, chỉ xu hướng thời trang tôn vinh sự thoải mái), acubi (chỉ xu hướng thời trang tối giản), y2k (phong cách thời trang mang âm hưởng hiện đại)…

Ngôn ngữ lai căng xuất hiện khắp nơi, không chỉ trên mạng xã hội, trong giao tiếp mà trên các biển quảng cáo, thậm chí ngay cả trên báo chí, tạp chí hoặc trang tin điện tử. Nhiều người rất ngán ngẩm khi đọc các dòng tít trên một tạp chí điện tử chuyên về giải trí: "Chủ tịch Miss Universe bị dân tình chỉ trích vì thích giật spotlight của đương kim hoa hậu", "Khổng Tú Quỳnh thông báo comeback ngay khi nghe ca khúc của Saabirose", hay "Elon Musk vừa bổ nhiệm 1 chú cún làm CEO Twitter, khiến giá của hai memecoin tăng mạnh"... Hoặc "Sửa chữa phần cứng, mua bán trao đổi điện thoại, máy tính bảng, nâng cấp phần mềm, unlock, mở mạng, repair boot cho tất cả các máy", là cách viết trên một biển quảng cáo ở đường Điện Biên Phủ (TP Hải Dương)...

Ngôn ngữ khó hiểu trên diễn đàn của học sinh một trường THPT

Ngôn ngữ khó hiểu trên diễn đàn của học sinh một trường THPT

Bóp méo tiếng mẹ đẻ

Ghép tiếng Anh vào tiếng Việt được nhiều người sử dụng, một phần nguyên nhân do sự thuận tiện của cách viết và nói này. Chị L.T.T. (36 tuổi ở TP Hải Dương) cho biết: “Thay vì sử dụng vâng, ừ, được thì tôi hay dùng ok, nguyên nhân là khi gõ bàn phím tiếng Việt thì gõ ok nhanh và tiện hơn nhiều, điều này ảnh hưởng đến ngôn ngữ nói. Không chỉ tôi mà bạn bè, thậm chí sếp tôi hơn 60 tuổi cũng dùng từ này khi nói chuyện trực tiếp hoặc trực tuyến với tôi”.

Việc sử dụng ngôn ngữ lai căng được nhiều bạn trẻ yêu thích. Bạn D.T.T.T, học sinh lớp 11 tại một trường THPT tại TP Hải Dương cho biết: “Em thấy việc sử dụng ok, pass, confession, combo… rất thuận tiện. Ví dụ như từ confession, nếu dịch theo nghĩa tiếng Việt là lời thú tội thì nghe có vẻ nặng nề, còn cách dùng hiện nay của các bạn trẻ đơn giản hơn là bày tỏ lời muốn nói, thông qua trào lưu này chúng em thể hiện được bản thân một cách ẩn danh, confession đã trở thành trào lưu nhiều người trẻ hưởng ứng. Vì vậy em thấy việc dùng từ tiếng Việt có ý nghĩa tương đương sẽ khó biểu đạt hơn trong trường hợp này”.

Tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Thị Phượng, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học (Trường Cao đẳng Hải Dương), giáo viên ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An cho biết lai căng ngôn ngữ là những từ ngữ vay mượn của ngôn ngữ nước ngoài nhưng không theo chuẩn mực tiếng Việt, không theo chuẩn mực văn hóa truyền thống của người Việt. Nguồn gốc sâu xa của ngôn từ lai căng chính là việc vay mượn từ ngữ trong quá trình phát triển và hội nhập. Về bản chất, việc vay mượn từ ngữ là hoàn toàn bình thường trong quá trình phát triển và mở rộng vốn từ của mỗi một ngôn ngữ. Tuy nhiên, một bộ phận cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đã vay mượn từ ngữ nước ngoài một cách tràn lan rồi kết hợp nửa tây, nửa ta làm méo mó cả chính từ vay mượn đó so với ngôn ngữ gốc.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo vệ tiếng mẹ đẻ khỏi sự lai căng, xâm lấn của tiếng nước ngoài là việc làm cần thiết. Việc làm này phải bắt đầu từ mỗi người, trong gia đình, nhà trường, xã hội và nhất là trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó có vai trò của báo chí.

BÌNH AN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/khoa-hoc---giao-duc/ngon-tu-lai-cang-xam-lan-tieng-viet-227271