Ngủ ngáy, chữa được không?

Không ai thích ngủ gần người ngáy. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, có tới 45% người lớn ngủ thỉnh thoảng ngáy và 25% ngáy thường xuyên.

Ngủ ngáy không chỉ phiền hà người bên cạnh, mà còn khiến chính bản thân có nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng. Ảnh: iStockPhoto.com.

Ngủ ngáy không chỉ phiền hà người bên cạnh, mà còn khiến chính bản thân có nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng. Ảnh: iStockPhoto.com.

Ngáy là hiện tượng thường thấy ở người khi ngủ. Ngoài gây phiền hà cho người khác, ngáy còn làm khổ chủ vì tương quan đến một loạt các chứng bệnh nguy hiểm, thậm chí gây mất mạng. Chống ngáy là chuyện tốn cả công sức lẫn tiền bạc nhưng chưa chắc đã mang hiệu quả.

Tác hại không nhỏ

Không ai thích ngủ gần người ngáy. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, có tới 45% người lớn ngủ thỉnh thoảng ngáy và 25% ngáy thường xuyên. Tại Bệnh viện Alexandra (Singapore), 60% người vào phòng khám sức khỏe giấc ngủ là bệnh nhân có vấn đề ngủ ngáy.

“Khi chúng ta vào giai đoạn ngủ sâu, các cơ vòm hầu họng được thả lỏng hết cỡ, khiến cho đường hô hấp bị hẹp lại, dẫn đến hiện tượng ngáy”, bác sĩ Serene Wong giải thích.

Nếu phân chia theo giới tính, nam giới ngủ ngáy nhiều hơn nữ giới. Nếu phân chia theo độ tuổi, người già ngủ ngáy nhiều hơn người trẻ. Đặc biệt, khoảng 1/2 người bị dị ứng mũi và bị xoang có triệu chứng ngáy.

Đối với cá nhân người ngủ ngáy, ngáy gây khô họng (do thở bằng miệng), thức giấc giữa đêm (do bị khó thở hoặc ngưng thở). Y học gọi đây là chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (Obstructive Sleep Apnea - OSA).

Khi OSA xảy ra liên tục, chất lượng giấc ngủ của người ngủ ngáy bị giảm sút, dẫn đến buồn ngủ rũ rượi vào ban ngày. Theo một nghiên cứu năm 2013 của bác sĩ Ng Chew Lip (Bệnh viện Đa khoa Ng Teng Fong), khoảng 20% người ngủ ngáy mắc chứng buồn ngủ ban ngày, gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập…

Khi OSA kéo dài, người ngủ ngáy nhiều nguy cơ mắc hàng loạt các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như thiếu oxy trong máu, tiểu đường, huyết áp cao, đau tim, đột quỵ…

Đa dạng cách chống ngáy

Miếng dán miệng và dải đeo cằm tiềm ẩn rủi ro cao. Ảnh: Channelnewsasia.com.

Miếng dán miệng và dải đeo cằm tiềm ẩn rủi ro cao. Ảnh: Channelnewsasia.com.

Từ lâu, tác hại của ngáy đã được phổ biến tới công chúng. Các y bác sĩ khuyên người ngủ ngáy nên giảm cân, nằm nghiêng khi ngủ, hạn chế uống các loại thức uống có cồn và hút thuốc lá, ít ăn khuya, tăng độ ẩm cho phòng ngủ…

Tất cả các phương pháp phòng ngừa ngủ ngáy đều không có tác dụng trị dứt ngáy. Chưa hết, chúng còn quá khó và cần rất nhiều thời gian để tập thành thói quen.

Thay vì kiên trì, nhiều người tìm đến các giải pháp nhanh. Trong kỷ nguyên mạng xã hội ngày nay, chỉ cần lướt qua TikTok, Instagram, Facebook… bạn liền thấy hằng hà sa số các phương pháp chữa ngáy.

Phương pháp phổ biến nhất có lẽ là băng dán miệng. Ngáy xảy ra khi bạn thở bằng miệng, làm các mô trên đường hô hấp bị rung. Vì thế, giữ cho miệng ngậm chặt lại trong lúc ngủ có vẻ là cách giải quyết dứt điểm.

Phương pháp phổ biến thứ 2 là ép cơ thể phải nằm nghiêng. Trong thế kỷ XX với nhiều cuộc chiến tranh, các binh sĩ đã đeo ba lô khi ngủ để không lật người nằm ngửa, ngáy to gây lộ vị trí. Bây giờ, bạn không nhất thiết phải đeo ba lô mà chỉ cần chặn gối sau lưng hoặc buộc một quả bóng tennis vào lưng áo là xong.

Phương pháp phổ biến thứ 3 là sử dụng kẹp nâng mũi, giúp đường thở trong mũi không bị hẹp lại, từ đó hít thở khi ngủ hiệu quả hơn.

Ngoài 3 cách trên, vẫn còn một loạt các “biến tấu” khác như sử dụng dải đeo cằm (ngăn thở bằng miệng giống như miếng dán miệng), dùng gối thông minh biết phồng lên xẹp xuống để điều chỉnh tư thế của đầu và cổ để tránh ngáy…

Hại nhiều hơn lợi

Tập lưỡi miệng tuy an toàn nhưng hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả. Ảnh: Tonguetieindia.com.

Tập lưỡi miệng tuy an toàn nhưng hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả. Ảnh: Tonguetieindia.com.

Toàn bộ phương pháp chống và chữa ngủ ngáy trên các mạng xã hội đều chưa qua kiểm duyệt y tế. Khi được hỏi về độ an toàn, y bác sĩ nào cũng “không thể tin có người dám dùng”.

Miếng dán miệng chống ngủ ngáy được yêu thích nhất hóa ra lại nguy hiểm nhất. Việc thở bằng miệng xảy ra khi đường mũi hô hấp kém và nó là chuyện hết sức bình thường. Miếng dán miệng “khóa” thở bằng miệng, ép người sử dụng phải thở bằng mũi. Trừ khi bạn có cái mũi cực kỳ khỏe mạnh, còn không thì chẳng khác nào tự sát.

Ép cơ thể phải nằm nghiêng thì an toàn cho đường thở, nhưng lại gây khó chịu, đau xương mỏi khớp, tê bì… Sử dụng kẹp nâng mũi tuy khiến đường mũi thoáng hơn, nhưng không chặn được ngáy. Chưa kể, loại kẹp này chỉ thích hợp với người có sống mũi cao.

Gần đây, mạng xã hội xôn xao phương pháp luyện tập cơ vòm họng có tên là “tập miệng lưỡi”. Hình thức tập miệng lưỡi là thè lưỡi ra và thu vào hết cỡ, nhằm mục đích cải thiện trương lực cơ miệng và hầu họng.

“Tập miệng lưỡi được y học gọi bằng cái tên khác là liệu pháp cơ hàm mặt (Orofacial Myofunctional Therapy - OMT). Nó rất an toàn, có khả năng giúp giảm triệu chứng ngáy và bệnh OSA”, bác sĩ Wong nói.

OMT đã được sử dụng trong y tế từ rất lâu, thường áp dụng đối với các trường hợp bệnh nhân bị rối loạn cơ chức năng vùng hàm mặt như khó phát âm, khó nuốt, chảy dãi… “Khi áp dụng vào chữa ngáy, nó không gây tác hại gì, cũng không tốn kém và rất dễ thực hiện”, bác sĩ Wong cho biết.

Chỉ có điều, OMT đòi hỏi cả thời gian lẫn sự kiên trì và không hề hứa hẹn trị dứt điểm ngủ ngáy. Cái mà OMT mang lại chỉ là “giảm thiểu phần nào chứng ngủ ngáy cũng như bệnh OSA”.

Theo Channelnewsasia

Vũ Thị Huế

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngu-ngay-chua-duoc-khong-post635346.html