Ngược miền ký ức

Khi mà thời tiết mùa Hè đang nắng nóng cực điểm, chúng tôi cùng đoàn cựu cán bộ Công an Hà Tuyên (cũ) ngược lên phía Bắc Hà Giang. Chuyến hành hương về tuổi trẻ, một miền ký ức đã qua bốn chục năm. Hai mươi mốt người trên xe, họ là những cán bộ Công an Hà Tuyên, nay đã được nghỉ hưu, quê Hà Tây (cũ). Trên từng gương mặt, hiện lên niềm khao khát, mong chờ mảnh đất địa đầu Hà Giang.

Người gọi điện mời tôi đi cùng là Đại tá Hoàng Kim Vũ, Phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Bắc, hiện đang nghỉ chờ hưu. Xe đón tôi tại thành phố Tuyên Quang. Trước đây anh Vũ công tác tại Phòng Bảo vệ Cơ quan văn hóa, Công an tỉnh Hà Tuyên. Năm 1987, anh đã từng đi bộ hơn 50 km từ Hà Giang vào Bắc Mê. Bước lên xe, người nào cũng giơ tay bắt và đón tôi bằng nụ cười thân mật. Những năm bảy chín, tám mươi và nhiều năm sau, chúng tôi cùng đội ngũ. Họ đã trên dưới sáu mươi tuổi. Nét mặt thư sinh tràn đầy sức sống khi đặt chân lên đất thị xã Tuyên Quang đã thay thế bằng gương mặt trầm tĩnh, mái tóc bạc màu.

Cán bộ, chiến sỹ Công an thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên.

Cán bộ, chiến sỹ Công an thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên.

Ngày ấy, để tăng cường lực lượng an ninh cho Hà Tuyên, tỉnh Hà Tây đã tuyển chọn những thanh niên khỏe mạnh, vừa tốt nghiệp cấp III tăng cường cho miền núi, biên giới. Tại thị xã Tuyên Quang, họ được đào tạo sơ cấp rồi biên chế cho các huyện, thị và các phòng, ban nghiệp vụ. Phần lớn trong số họ tăng cường cho biên giới. Giữa lúc cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra ác liệt; các huyện biên giới, nơi nào chiến sự cũng cam go. Trinh sát an ninh phải lặn lội xuống địa bàn, bảo vệ dân và tài sản của đồng bào, đưa bà con đi sơ tán. Đất nước vừa qua chiến tranh, đời sống đói kém, công an, bộ đội cùng ăn cùng ở với dân. Không ít người đã sinh cơ lập nghiệp ở biên giới. Một số, được đi học, rồi chuyển đơn vị, địa phương khác.

Suốt dọc đường là ngỡ ngàng đến sửng sốt của nhiều người trên xe. Con đường nhựa thênh thang lên Hà Giang; dòng Lô chảy tự ngàn đời, trôi ngang qua một thời của họ. Dừng chân tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên một chiều nắng rực rỡ. Được báo trước, tốp cán bộ Công an huyện Vị Xuyên đã có mặt, cùng các anh lên Đài liệt sỹ dâng hương. Cán bộ, chiến sỹ cựu công an đến từng ngôi mộ. Nắng hè cũng xếp hàng ngăn ngắt trên những dãy bia đá. Hoa và cờ đỏ rực dưới chiều. Rất nhiều ngôi chưa xác định được thông tin. Đã 40 năm, quá nửa đời người, các anh nằm đây, vẫn không có nổi một cái tên. Nhiều người lau nước mắt. Nắng quái vùng biên sao mà gay gắt thế.

Tôi đã từng ngược lên Thanh Thủy, Thanh Đức, Minh Tân, Lao Chải của Vị Xuyên. Con đường nhựa, chênh vênh qua núi cao, vực sâu của chiến trường xưa. Lúa đã xanh 2 vụ. Những vành lược bậc thang ôm ghì vào vai núi. Cuộc sống mới đã về với làng Tày, bản Mông. Nhưng, vết sẹo thời gian còn hằn sâu trong tâm trí bao người. Phía tây, dải Tây Côn Lĩnh thẫm mờ trong mây.

Đoàn tới thăm một đồng nghiệp - Nguyễn Văn Khiến, trước đây là trinh sát bảo vệ nội bộ. Học xong nghiệp vụ, anh về làm tại Công an Vị Xuyên. Ngày đó, từ đầu tới cuối huyện dài cả trăm km. Đi lại chủ yếu bằng đôi chân. Anh lấy vợ tại quê rồi “bốc” lên quê mới lập nghiệp. Giờ về hưu, Trung tá công an cùng vợ kinh doanh hàng bách hóa. Vị Xuyên đã trở thành quê hương của gia đình ông.

Theo con đường Hạnh phúc, chúng tôi lên 4 huyện vùng cao phía Bắc. 5h40 xuất phát từ thành phố Hà Giang để còn kịp ăn phở sáng tại “phố” Tráng Kìm. Tráng Kìm được gọi là phố nhưng chỉ lèo tèo một dãy hàng ăn sáng của người Hoa, người Giấy thuộc xã Đông Hà. Phở gà Tráng Kìm đã có thương hiệu. Phở tươi ngon, tráng tại chỗ. Thịt gà giống chân đen, béo ngậy của bà con quanh vùng nuôi theo cách truyền thống.

Dự án khôi phục đoạn đường cũ qua đèo Cán Tỷ vừa hoàn thành. Xe chúng tôi leo ngược Cổng trời Cán Tỷ. Năm 1938, thực dân Pháp xây dựng tường thành ngăn cách 2 vùng. Một bức tường bằng đá hộc, cao vút rộng cả nửa mét từ hai triền núi xuống đường. Ngày trước, hai cánh cổng bằng gỗ Nghiến, dày tới 20 cm, chốt chặt phía trên, vua Mèo dựa vào đó lập cát cứ riêng. Quân phỉ, không cho người Kinh, Tày miền xuôi lên. Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn thành công, tháng 9.1959 con đường Hạnh phúc được mở. Công sức của 1.300 thanh niên các dân tộc Hà Giang và các tỉnh phía Bắc đã làm nên kỳ tích. Đó là con đường ấm no, hạnh phúc cho đồng bào.

Còn nhớ, ba chục năm trước, một tai nạn thảm khốc xảy ra tại đây. Xe khách chở hơn một trăm người, bất ngờ lăn xuống vực, cướp đi hơn bốn chục mạng. Họ là công an, bộ đội, cán bộ, giáo viên và nhiều người dân. Sau vụ tai nạn, Hà Giang mở con đường tránh, xa thêm hai chục cây số. Nhiều người trong chúng tôi hôm nay đã từng qua đây lên với Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Hôm nay, con đường lịch sử qua Cổng trời Cán Tỷ đã lại hiện hình trên bản đồ Hà Giang.

Cụm tượng đài thanh niên làm đường Hạnh phúc vừa hoàn thiện. Nó hiện lên vời vợi trong sương, mây, bên đoạn đường trước khi đến đèo Mã Pì Lèng. Lịch sử ghi, mười bốn người đã nằm lại với đá núi. Những thanh niên dũng cảm, treo mình vào vách núi để đục đá, nổ mìn. Sương lạnh rét vùng biên ải, lán trại dựng tạm bên đường, chỉ có cơm nhạt muối và mèn mén chan nước mưa, họ bám trụ nhiều tháng liền. Họ đã tạc vào thời gian một sức mạnh phi thường; một dáng đứng của người chiến thắng. Núi non ngàn năm sừng sững dựng thành bên dòng Nho Quế. Một thiên nhiên hùng vĩ, hoang xơ.

Tôi đọc được tâm trạng của cựu sỹ quan an ninh Tống Quang Tình. Anh lên Hà Tuyên khi vừa cưới vợ. Xa quê, gắn với đồng bào cả thời tuổi trẻ. Bao nhiêu chuyến đi, làm sao mà nhớ hết. Nhiều lần sáng ở Hà Giang, tối mịt mới tới Đồng Văn. Con đường quanh co, chênh vênh vực thẳm. Xe hỏng thì nghỉ lại dọc đường. Nhưng, công việc phải lo hoàn thành. Những năm ấy, thám báo rình mò dọc đường, rồi cả những người vì hám tiền mà làm điều bất lương. Núi Bạc, Na Khê, Bạch Đích là những điểm địch nã pháo thường xuyên. Chỉ có lòng yêu nghề mới đưa họ vượt qua mọi chông gai, thử thách, cám dỗ…

Qua thăm nhà Thượng tá Hoán, nguyên Phó trưởng Công an huyện Yên Minh. Anh đã lập nghiệp và bám trụ ở đây. Mười bảy xã và thị trấn, chỗ nào phức tạp về an ninh trật tự là có dấu chân anh. Người Dao ở Ngam La, người Tày Mậu Duệ, Du Già, người Mông Sủng Thài, Thắng Mố… Họ là chỗ dựa của lực lượng Công an. Về hưu, ông cùng vợ sản xuất nước đóng chai. Ông không khỏi bất ngờ gặp lại những gương mặt thân quen. Lại mày tao như thuở ban đầu.

Con đường nhựa xuyên cao nguyên đưa chúng tôi lên Cột cờ Lũng Cú. Giữa trưa, sau một chặng dài, mà ai nấy đều háo hức. Hơn bốn trăm bậc đá nâng bước chúng tôi lên đỉnh tháp Cột cờ ngắm trời xanh, mây trắng nơi tột cùng cực Bắc. Tiếng gió từ lá cờ Tổ quốc như cánh vỗ của chim Bằng vượt ngàn trùng xa về đây. Dưới kia, làng Lô Lô Chải đang vào vụ cấy. Mái ngói xen mái tôn của bản làng, của trường học, của Đồn Biên phòng hòa cùng màu xanh núi non, đồng ruộng yên bình. Ai cũng muốn ghi lại tấm hình của mình nơi Lũng Cú linh thiêng… Ai cũng có một niềm tự hào riêng, một thời gắn bó với Hà Giang, Tuyên Quang.

Đường về lòng ai cũng phơi phới. Họ mang theo về nắng gió cao nguyên. Họ để lại và nhắn gửi với người ở hãy mãi bên nhau giữ gìn từng kỷ niệm một thời gian khó xưa xa. Đường lên cực Bắc Hà Giang đã rộng mở và ký ức của những chiến sỹ công an luôn trở về với một dải biên cương hùng vỹ…

Lê Na

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/201907/nguoc-mien-ky-uc-747741/