Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu

Người Ai Cập – Quyền lực và tình yêu là 'Mười lăm sách kể về cuộc đời danh y Sinuhe những năm 1390 - 1335 trước Công lịch'.

Đó cũng là 15 chương kể về đời sống chính trị và xã hội Ai Cập cổ đại qua hồi ức của nhân vật chính Sinuhe.

Một kiệt tác về tình bạn, tình yêu và quyền lực

Sinuhe - người kể chuyện, do tác giả hư cấu là một đứa trẻ bị thả trôi sông, được vợ chồng lương y nghèo không có con thấy và đưa về nuôi. Nhờ sự hướng nghiệp của cha nuôi, Sinuhe đã theo học nghề y để nối nghiệp cha chữa bệnh cho người nghèo. Với đôi tay khéo léo và tài chữa bệnh, Sinuhe trở thành một danh y nổi tiếng, là bạn và ngự y riêng của Pharaon Ekhnaton, là bạn của tể tướng Horemheb, người sau này cũng trở thành pharaon.

Nhưng “Những gì viết lên các vì sao trong ngày được sinh ra” đã đẩy Sinuhe đến với biết bao thăng trầm, đau khổ và cuối cùng bị chính người bạn mà mình tin tưởng đuổi khỏi Ai Cập và sống hết cuộc đời ở chốn lưu đày. Từ nơi bị giam lỏng ấy Sinuhe đã viết lại những nỗi đắng cay, oan nghiệt cũng như những hạnh phúc hiếm hoi trong cuộc đời mình thành cuốn sách này chỉ để “cho mình” và để “gột rửa mình”.

Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu là câu chuyện tình yêu nam nữ, là câu chuyện về tình bạn giữa Sinuhe với hai pharaon của Ai Cập thế kỷ 14 trước công lịch, giữa Sinuhe với quốc vương tiểu quốc Amori; là câu chuyện về những tranh giành quyền lực trong vương triều và những cuộc chiến tranh dã man, tàn bạo giữa các vương quốc lân bang.

Đó là ba mối tình với những cung bậc tình yêu và bi kịch khác nhau của Sinuhe với kỳ nữ Nefernefernefer, với trinh nữ Minea xứ đảo Crete và với Merit, nữ hầu bàn quán rượu ở Thebes đã được Waltari miêu tả một cách đầy cuốn hút. Ngoài ra người đọc còn bắt gặp tình yêu đơn phương, vụng trộm của Horemheb với công chúa Baketaton, của Thái hậu Teje với quốc trượng Eje.

Nhưng, bên cạnh tình yêu nam nữ tác phẩm còn miêu tả tình yêu da diết của Sinuhe đối với thành phố Thebes quê hương và Ai Cập của ông: “Ai đã từng sinh ra ở Thebes sẽ khát khao trở lại Thebes, bởi lẽ trên trái đất không có thành phố nào giống như Thebes”. Câu ngạn ngữ của người Ai Cập “Ai đã từng một lần uống nước sông Nil người đó sẽ khát khao trở lại sông Nil. Nước ở bất cứ nơi nào khác không thể làm anh ta nguôi cơn khát” được Sinuhe nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần như một “điệp khúc” trong tác phẩm.

Trước khi bị đày khỏi Ai Cập, Sinuhe nói: “Tôi không hề sợ cô đơn, vì cả đời tôi chỉ có một mình và sinh ra tôi đã cô đơn, nhưng trái tim tôi tan chảy vì buồn khi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ được nhìn lại Thebes, không bao giờ được cảm nhận lớp bùn mềm của đất Kemet dưới chân mình cũng như sẽ không bao giờ được uống nước sông Nile nữa.”

Người Ai Cập – Quyền lực và tình yêu là cuốn tiểu thuyết lịch sử giàu tính triết lý, là sự kết hợp hết sức hài hòa và hấp dẫn giữa lịch sử huyền bí và cuộc sống đời thường của người Ai Cập cổ đại. Cuộc đời của Sinuhe gắn với dòng họ Amenhotep như một định mệnh. Sinuhe có thể là anh em cùng cha khác mẹ với Ekhnaton và là người bạn từ thủa hàn vi của Horemheb.

Sau khi lên ngôi, Ekhnaton lật đổ Amon, vị thần tối cao của Ai Cập và tôn thờ thần mặt trời Aton làm vị thần duy nhất của vương quốc. Tôn giáo mới của Ekhnaton đề cao hòa bình, bác ái và sự bình đẳng giữa mọi người, mọi dân tộc, không phân biệt giàu nghèo.

Nhưng “Cuộc cải cách” đó đã dẫn đến bạo loạn, khiến Ekhnaton phải dời thủ đô từ Thebes đến Akhetaton. Là ngự y của Pharaon Ekhnaton, Sinuhe tháp tùng ngài đến thủ đô mới và lúc đầu hết sức ngưỡng mộ triết thuyết của ngài.

Nhưng, tôn giáo mới thờ một thần duy nhất Aton của Ekhnaton đã đẩy Ai Cập đến bờ vực thẳm. Chỉ có những cuộc chiến do Horemheb “một kẻ xuất thân từ tầng lớp thấp hèn” chỉ huy mới khôi phục lại được phần nào sự huy hoàng của vương quốc. Thực tế, trong lịch sử Ai Cập, Horemheb được coi là một trong những pharaon vĩ đại nhất của vương quốc.

Cuộc đời “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh” của Sinuhe còn gắn liền với người hầu chột mắt Kaptah. Là một ông già ốm yếu được Sinuhe mua về từ chợ nô lệ, nhưng Kaptah không chỉ là người đầy tớ trung thành “đồng cam, cộng khổ” với ông chủ “trẻ người, non dạ” mà còn là người bạn, người quản gia và trong nhiều trường hợp là “cố vấn” của ông chủ Sinuhe.

Nhờ có sự thông minh, ranh mãnh, của Kaptah mà danh tiếng của Sinuhe được vang xa, Sinuhe cùng Minea và Kaptah an toàn trốn được khỏi Babylon. Nhờ từng trải sự đời và đầu óc thực dụng mà Kaptah đã đưa Sinuhe và sau đó là chính mình giàu lên nhất nhì Ai Cập. Rồi cũng chính nhờ Kaptah mà Sinuhe mới “sáng mắt ra”, được biết bé Thoth chính là con trai của mình với Merit, hiểu được những mưu mô xảo quyệt của người bạn Horemheb và cả ước muốn hão huyền, thiếu thực tế của Pharaon Ekhnaton mà Sinuhe từng cổ súy, biểu dương.

Mặc dù tác phẩm lấy bối cảnh ở Ai Cập cổ đại nhưng thông điệp của nó mang tính phổ quát và trường tồn với thời gian. Khi miêu tả chiến tranh và những biến động xã hội, tình bạn và tình yêu, Waltari đã thành công trong việc đúc kết những điều quan trọng nhất của con người. Hầu như ở chương nào, người đọc cũng được gặp những câu văn đầy tính triết lý. Chẳng hạn, “Con người có thể lừa dối, mua chuộc bất cứ điều gì. Anh ta có thể mua chuộc tình yêu và quyền lực, thiện và ác, trí óc và trái tim mình, nhưng không thể mua được sinh và tử.”

“Không có sự khác biệt giữa con người với con người, ai cũng trần trụi sinh ra trên đời và trái tim con người là thước đo duy nhất giữa người với người. Không thể đo con người bằng màu da hoặc ngôn ngữ của họ, cũng không thể đo con người theo quần áo hoặc đồ trang sức, và không thể đo con người theo sự giàu có hay nghèo khó của họ mà chỉ bằng trái tim.”

Mika Waltari – một trong những nhà văn danh tiếng nhất Phần Lan

Mika Waltari sinh tại Helsinki năm 1908. Năm 1929 ông tốt nghiệp Đại học tổng hợp Helsinki với bằng cử nhân về triết học, mỹ học và văn học. Nhưng năm 1925, trước khi vào đại học, Mika Waltari đã xuất bản tác phẩm đầu tay, Jumalaa paossa (Trốn khỏi Chúa).

Tác phẩm thứ năm, đồng thời là tiểu thuyết đầu tay của ông, Suuri illusioni (Ảo tưởng lớn của tôi), được xuất bản năm 1928 đã ghi tên Waltari vào văn đàn Phần Lan khi ông mới tròn 20 tuổi. Thành công của tiểu thuyết này đã phần nào giúp Mika Waltari trở thành một nhà văn chuyên nghiệp.

Sau nửa thế kỷ sống với nghề văn, Waltari đã để lại một sự nghiệp đồ sộ, với 30 tiểu thuyết (trong đó có tám tiểu thuyết lịch sử), 20 vở kịch, 15 truyện vừa và hơn 100 bài viết, phê bình. Thật bất ngờ, Người Ai Cập – Quyền lực và tình yêu, tiểu thuyết lịch sử đầu tiên, lại là tác phẩm chính lưu danh tên tuổi của Mika Waltari trong nước cũng như ở nước ngoài. Ở Phần Lan có giai thoại rằng nếu ai đó chỉ đọc một cuốn sách trong đời thì cuốn sách nên đọc là Người Ai Cập – Quyền lực và tình yêu của Mika Waltari.

Khó ai có thể tin được là Waltari chưa hề đặt chân tới Ai Cập cho đến khi viết xong cuốn tiểu thuyết này. Một tác phẩm dày tới 1.200 trang in trong tiếng Việt (800 trang trong tiếng Phần Lan) được ông viết chỉ trong hơn ba tháng mùa hè năm 1945 trên gác mái ngôi nhà nghỉ của mẹ vợ, dựa trên những tư liệu sưu tập được từ các thư viện và trí tưởng tượng phong phú của mình.

Mika Waltari đã 5 lần được trao giải thưởng văn học nhà nước của Phần Lan. Năm 1957, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Phần Lan. Waltari qua đời ở Helsinki vào ngày 26 tháng 8 năm 1979.

Mùa xuân 2023 này, bản dịch trọn vẹn cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Phần Lan của Mika Waltari sang tiếng Việt do Võ Xuân Quế và Bùi Việt Hoa thực hiện được First News và Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành với tựa đề Người Ai Cập – Quyền lực và tình yêu.

H.V

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nguoi-ai-cap-quyen-luc-va-tinh-yeu-195713.html