Người cán bộ xã đam mê trồng rừng

Đến bản Kreng, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, hỏi ông Hồ Văn Hằng nhiều người biết, bởi ông vừa là cán bộ làm công tác văn phòng HĐND-UBND xã Hướng Hiệp, vừa là người đam mê trồng rừng với diện tích đến nay lên tới 20 ha.

 Ông Hồ Văn Hằng tìm kiếm thông tin về phát triển rừng trồng trên mạng internet

Ông Hồ Văn Hằng tìm kiếm thông tin về phát triển rừng trồng trên mạng internet

Những ngày thường ông Hằng làm việc ở UBND xã. Công việc ở văn phòng thường bận rộn với bao nhiêu sự vụ. Cũng xin nói thêm trước khi làm cán bộ xã, ông Hằng là một nông dân, quanh năm gắn bó với đồi nương, đồng cỏ, đàn trâu bò. Năm 1999 ông làm công tác đoàn đến năm 2004 chuyển sang làm việc ở Văn phòng HĐND-UBND xã.

Là người dân sống ở miền núi không quen với máy vi tính, với việc kết nối internet nhưng ông đã cố gắng học để lên mạng tìm kiếm thông tin và soạn thảo các văn bản theo yêu cầu của cấp trên. Đến nay đã bước sang tuổi 56 ông vẫn cần mẫn với công việc hằng ngày ở UBND xã.

“Nói về trồng rừng thì ông rất đam mê, là một trong những người có diện tích trồng rừng nhiều nhất của xã Hướng Hiệp”, anh Hồ Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã giới thiệu với tôi như vậy.

Ở xã Hướng Hiệp vẫn còn nhiều diện tích đồi núi hoang hóa chưa được khai thác. Để phát triển kinh tế gia đình, ông Hằng lựa chọn việc trồng cây gây rừng. Lúc đầu thuê người phát cây, khai hoang, đào hố và mua giống cây về trồng một vài héc ta, thấy cây phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên tiếp tục trồng, không đủ tiền ông phải đi vay ở Ngân hàng Chính sách xã hội, mỗi héc ta rừng trồng mới chi phí khoảng 3 triệu đồng, rồi thêm công chăm sóc hàng năm cũng mất hết 2 triệu đồng. Sau 4-5 năm là khai thác, ông dần dần mở rộng diện tích lên 10 ha, rồi 15 ha và bây giờ đã có 20 ha, trung bình mỗi năm khai thác 3 ha cũng thu được 120-150 triệu đồng, đó là một khoản tiền rất lớn đối với người dân miền núi. Ông Hằng nói: “Trước đây trồng thưa nhưng nay trồng cây dày hơn nên giá trị thu được trên mỗi héc ta cao hơn”. Trồng rừng đối với ông Hằng có thú vui riêng, thấy cây lên xanh tốt, chim muông về hội tụ, hót líu lo, hệ sinh thái được cân bằng nên rất vui. Thường vào ngày thứ 7, chủ nhật hay ngày lễ, ông không có mặt ở nhà mà vào rừng để sống với không gian nhiều cây xanh, thoáng đãng. Nhìn cây trồng mỗi ngày phát triển xanh tốt trong lòng ông cảm thấy vui lắm. Ông cũng chịu khó học hỏi kĩ thuật chăm sóc cây trồng nên đạt năng suất cao và thời gian đưa vào khai thác sớm hơn so với những người trồng rừng khác.

Ngoài trồng rừng gia đình ông còn chăn nuôi 20 con bò được chăn thả trong khu vực rừng tràm của gia đình. Nuôi thêm lợn, gà để giải quyết nhu cầu cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Vợ chồng ông cũng tích cực khai hoang trồng lúa nước với diện tích 0,5 ha, mỗi năm làm 2 vụ đủ lương thực để ăn quanh năm, lại còn giúp đỡ người khác. Gần đây ông Hằng cho biết đã đầu tư mua xe ben khoảng 600 triệu đồng để chuyên chở các sản phẩm của gia đình, vừa vận chuyển hàng hóa cho người dân trong thôn, xã nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Nhờ phát triển kinh tế mà gia đình ông có điều kiện nuôi con ăn học. Trong số 5 người con của vợ chồng ông Hằng đã có 1 người tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, 2 người con khác đang học đại học ở Huế, con út đang học lớp 12. Gia đình của ông là tấm gương sáng về phát triển kinh tế và nuôi con ăn học. Học hỏi cách làm của ông, nhiều người ở bản Kreng đều thi nhau trồng rừng, nhà ít nhất vài ba héc ta, nhờ thế người dân ở đây không đốt rừng làm rẫy, không còn kiểu “phát, đốt, cốt, trỉa” theo phương thức canh tác truyền thống mà đã học hỏi phát triển kinh tế, tạo ra những sản phẩm hàng hóa cho xã hội, làm giàu cho gia đình và bản thân.

PA

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142867