Người chăn nuôi gặp khó

Thời gian qua, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp và giá nhiều sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm. Vì vậy, nhiều người lo ngại trong việc tái đàn vật nuôi, phục vụ nhu cầu của thị trường những tháng cuối năm.

Giá bán thấp, giá thức ăn tăng cao

Không ít người nuôi gà ở huyện Cần Giuộc, Cần Đước giảm đàn hoặc “treo” chuồng do nuôi gà không có lợi nhuận. Nhiều tháng liền, giá gà thịt và trứng bán ra ở mức thấp, trong khi giá thức ăn luôn ở mức cao.

Anh Lê Văn Hoàng (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) vừa xuất bán khoảng 2.000 con gà thịt với giá 48.000 đồng/kg, cho biết: “Giá gà giống, thức ăn, thuốc thú y đều tăng cao trong khi giá gà bán ra thấp nên tôi không có lãi. Tôi dự định “treo” chuồng một thời gian, chờ giá gà tăng mới tái đàn”.

Thông thường, khi trọng lượng gà đạt từ 1,8-2,2kg/con, người nuôi sẽ xuất bán và chuẩn bị nuôi lứa tiếp theo.

Tuy nhiên, do giá gà đang thấp nên nhiều hộ chưa muốn bán nhưng nếu gà có trọng lượng lớn hơn lại không được thương lái lựa chọn, sức cạnh tranh trên thị trường giảm.

Người chăn nuôi cần quan tâm công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi

Người chăn nuôi cần quan tâm công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi

Theo nhiều người nuôi gà thịt, chi phí thức ăn chiếm từ 65-70% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Từ năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến người nuôi có thể lỗ từ 15-20 triệu đồng trên tổng đàn 1.000 con.

Không chỉ người nuôi gà thịt gặp khó, người nuôi gà lấy trứng cũng rơi vào tình trạng tương tự. Giá trứng gà giảm từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đến nay, hiện chỉ còn 1.800-2.200 đồng/trứng (giảm hơn 500 đồng/trứng so với trước).

Anh Dương Hoài Thanh (xã Phước Đông, huyện Cần Đước) cho biết: “Trước đây, tôi nuôi mỗi lứa khoảng 8.000 con gà lấy trứng nhưng đợt tái đàn giảm chỉ còn 5.000 con. Chi phí sản xuất tăng trong khi giá trứng gà lại giảm nên gia đình tôi có lợi nhuận thấp”.

Ông Dương Văn Tỷ (xã Phước Đông, huyện Cần Đước) đang nuôi đàn gà lấy trứng hơn 11.000 con, hơn 2 tháng nay, ông không có lợi nhuận.

Ông Tỷ cho biết: “Thời tiết ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe đàn gà, trứng gà vì vậy mà cũng nhỏ hơn, giá bán thấp hơn. Cùng với đó, gần đây, giá điện, nước cũng tăng, gây áp lực không nhỏ cho người chăn nuôi”.

Bà Hồ Thị Kim Phượng là một trong những hộ nuôi gà đẻ công nghiệp có quy mô lớn tại xã Tân Lân, huyện Cần Đước, với hơn 16.000 con. Bình quân mỗi ngày, gia đình bà cung cấp ra thị trường khoảng 12.000 trứng.

“Từ đầu năm 2024 đến nay, giá trứng gà rất thấp. Người nuôi gà lấy trứng như tôi chủ yếu duy trì đàn, kiếm “đồng ra, đồng vô” chứ không có lãi để tăng đàn. Tôi mong các ngành chức năng sớm có giải pháp để bình ổn thị trường, hỗ trợ người chăn nuôi” - bà Phượng thông tin.

Dịch tả heo châu phi vẫn gây nhiều lo lắng

Sau thời gian dài giảm mạnh, giá heo hơi liên tục tăng nhanh trong vài tháng trở lại đây. Hiện nay, giá heo hơi duy trì ở mức từ 62.000-65.000 đồng/kg, có thời điểm hơn 70.000 đồng/kg.

Mặc dù giá heo hơi cao nhưng người chăn nuôi vẫn thận trọng tái đàn, tăng đàn vì sợ rủi ro về dịch bệnh và giá cả.

Những ngày qua, gia đình ông Bùi Văn Đường (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) phấn khởi khi giá heo tăng. Ông Đường cho biết, gia đình ông chăn nuôi với quy mô nhỏ, chỉ từ 10-20 con heo thịt. Đây là một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình. Vừa qua, ông xuất bán đàn heo 18 con, đúng lúc giá heo tăng cao.

“So với thời điểm này năm trước thì giá heo tăng 15.000-20.000 đồng/kg. Với giá bán 65.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi có lãi khoảng 1 triệu đồng/con” - ông Đường cho biết thêm.

Giá heo tăng nhưng nhiều người chăn nuôi vẫn ngại tái đàn

Giá heo tăng nhưng nhiều người chăn nuôi vẫn ngại tái đàn

Giá heo hơi tăng cao đã thắp lên hy vọng cho người nuôi heo. Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi vẫn lưỡng lự nên hay không nên tăng đàn, tái đàn trong thời điểm hiện nay. Bởi, rủi ro về dịch bệnh vẫn đang rất khó lường và giá heo hơi trên thị trường còn bấp bênh, rất khó dự đoán.

Anh Nguyễn Văn Thành (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) là một trong những hộ chăn nuôi heo quy mô lớn trên địa bàn xã, tuy nhiên, hiện nay, anh chưa tái đàn, tăng đàn. Theo anh Thành, chưa tái đàn vì lo giá heo hơi không ổn định và sợ gặp rủi ro về dịch bệnh, nhất là dịch tả heo châu Phi.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp.

Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 42 hộ thuộc 24 xã ở 7 huyện: Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa. Tổng số lượng heo đã tiêu hủy là 1.212 con, với tổng trọng lượng 66.862,9kg.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, khi xem xét, lựa chọn tái đàn, người chăn nuôi cần cân nhắc, chủ động theo dõi tín hiệu từ thị trường; đồng thời, chú trọng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.

Đối với các hộ đã bị dịch tả heo châu Phi, cần lưu ý công tác tiêu độc, khử trùng chuồng trại để tránh những rủi ro về dịch bệnh tái phát sau khi tái đàn./.

Người chăn nuôi gặp khó

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá nhiều sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi neo ở mức cao và dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nguoi-chan-nuoi-gap-kho-a183714.html