Người chăn nuôi lo lắng vì thịt nhập
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ ra trên 1 tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi như: thịt gà, heo, trâu, bò, phụ phẩm và nội tạng động vật... Số tiền chi để nhập các sản phẩm trên đều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó gần 23,6 triệu USD đã được chi để nhập khẩu thịt heo, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Người chăn nuôi rơi vào cảnh khó khăn vì giá heo hơi hầu như luôn đứng ở mức dưới giá thành sản xuất sau khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Việt Nam. Giữa tâm bão dịch, áp lực cạnh tranh với thịt ngoại càng làm cho người chăn nuôi thêm kiệt quệ.
* Càng nuôi càng lỗ
Từ khi Việt Nam xuất hiện dịch tả heo châu Phi, giá heo hơi liên tục biến động theo chiều xuống dốc, giá bán thường xuyên ở mức dưới 40 ngàn đồng/kg, có thời điểm rớt xuống chỉ còn 24-25 ngàn đồng/kg. Hồi đầu tháng 6, giá heo hơi hồi phục trở lại, đạt trên 40 ngàn đồng/kg sau suốt một thời gian dài giá thấp do thị trường tiêu thụ dần ổn định trở lại. Nhưng ngay sau đó, giá heo hơi lại đột ngột lao dốc, hiện giá bán tại trại dao động từ 30-32 ngàn đồng/kg.
Theo ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương, việc mua, cấp đông thịt heo sạch để ổn định giá heo và đảm bảo nguồn cung không bị thiếu hụt thời gian tới. Đồng Nai đã làm việc với TP.Hồ Chí Minh để rà soát lại các hệ thống kho lạnh. Khi có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp cấp đông, Đồng Nai sẽ giữ vai trò chủ lực trong khâu kiểm soát nguồn cung heo sạch còn TP.Hồ Chí Minh tập trung giết mổ, cấp đông. Hiện một số công ty lớn trong ngành chăn nuôi Đồng Nai đang đàm phán với doanh nghiệp giết mổ, chế biến thực phẩm để tăng sức tiêu thụ cho mặt hàng này.
Ông Vũ Viết Đệ, hộ chăn nuôi tại xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) chia sẻ: “Từ sau khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng trống rất nhiều. Nguyên nhân người nuôi bỏ nghề một phần do ảnh hưởng dịch bệnh nhưng chủ yếu vì giá heo hơi thường xuyên đứng ở mức dưới giá thành sản xuất, nông dân càng nuôi càng lỗ vốn”.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, 1 tháng trở lại đây, thị trường tiêu thụ thịt heo đạt sản lượng tương đương cùng kỳ năm ngoái do người tiêu dùng không còn hạn chế sử dụng mặt hàng này vì e ngại dịch bệnh. Tuy dịch bệnh lan rộng với hơn 2,6 triệu con heo bị tiêu hủy trên cả nước (chiếm 7-8% tổng đàn) nhưng nguồn thịt heo về chợ chưa bao giờ xuất hiện tình trạng hụt nguồn cung. Các trại nuôi vẫn rất dồi dào nguồn heo thịt cung cấp ra thị trường.
Cũng theo ông Đoán: “Người chăn nuôi rơi vào cảnh kiệt quệ vì bị lỗ nặng. Trong khi heo trong nước rớt giá, khó tiêu thụ vì dịch bệnh, việc mở cửa nhập khẩu ồ ạt thịt ngoại càng làm cho người chăn nuôi mất hết cơ hội giữ đàn, giữ nghề”.
* Sàng lọc lại ngành chăn nuôi
Không chỉ nông dân nuôi heo đang rơi vào cảnh khốn khó trong “cơn bão” dịch tả heo châu Phi và “cơn bão” thịt nhập đang tràn vào thị trường nội địa mà đây cũng là nỗi lo chung của người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Nhẫn, chủ trại nuôi gà và nuôi vịt thịt tại xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) chia sẻ, từ đầu năm đến nay, nguồn cung con giống gà, vịt thường bị hụt do nhiều trại nuôi gà, nuôi vịt thịt được đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô. Thời tiết lại thuận lợi cho đàn gia cầm phát triển nên nguồn cung đang rất dồi dào. “Chúng tôi đang e ngại đầu ra khó khăn do tăng đàn mạnh, việc nhập khẩu thịt ngoại tăng nhanh trong thời gian gần đây càng gây bất an cho người chăn nuôi” - ông Nhẫn nói.
Đưa ra một góc nhìn khác, ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam lại cho rằng, nếu nhìn về lợi ích của 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam thì việc mở cửa nhập khẩu thịt ngoại là cần thiết. Vì với tình hình dịch tả heo châu Phi còn tiếp tục lan rộng, thị trường thiếu hụt nguồn cung khiến giá thịt heo tăng cao là điều khó tránh khỏi. Điều cần quan tâm là ở khâu kiểm soát nguồn thịt nhập nhằm đảm bảo về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Theo ông Phạm Đức Bình: “Người chăn nuôi đang phải đương đầu với “cơn bão” lớn và để tồn tại, ngành chăn nuôi phải thay đổi theo hướng sản xuất công nghiệp đảm bảo về an toàn sinh học; thực hiện truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm. Trước áp lực cạnh tranh hiện nay, người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không còn thời gian để ngồi than hoặc trông chờ sự hỗ trợ mà buộc phải tính toán lại bài toán đầu tư chuyển đổi theo hướng chuyên nghiệp hoặc phải đổi sang nghề khác. Trong sân chơi chung này, nông dân buộc phải tuân theo quy luật của thị trường”.