'Người chơi' – một chiều kích bản thể người

Qua 'Người chơi', Johan Huizinga đặt ra một định đề táo bạo và lý thú: Chơi có trước cả văn hóa. Chơi đóng vai trò là một điều kiện thiết yếu cho sự khai sinh văn hóa cũng như khai hóa văn minh. Để chứng minh cho tính phổ quát của chơi, ông đưa bạn đọc du hành Đông – Tây cùng với khái niệm chơi và cách nó được diễn đạt ở các ngôn ngữ khác nhau.

"Con người chỉ thực sự là chính mình, khi chơi", Schiller.

Những ngộ nhận về chơi

Trong tiếng Việt có nhiều từ, hoặc từ ghép có chứa chữ/tiếng chơi. Như ăn chơi, chơi bời, chơi bạc, chơi đàn, chơi thuốc… Thậm chí chơi trăng (“Ăn như thuyền chở mã, làm như ả chơi trăng” – ca dao), chơi nguyệt (“Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt/ Cho cả cành đa lẫn củ đa” – Hồ Xuân Hương)… Như vậy, đa phần có nghĩa tiêu cực, chơi đối lập với nghiêm túc.

Đây là hệ quả của lối tư duy lưỡng phân, biện biệt như Lão Tử đã chỉ ra, hoặc trắng đen rõ ràng như dân gian Việt đòi hỏi. Có thể làm với người bình dân Việt là một đạo sống (sót), là có ích, nên ít nhiều họ có ác cảm với chơi như một thứ không làm (“tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”).

Còn trong giới trí thức Nho học, hoặc những người ảnh hưởng Nho học Việt, thì chơi như một vi phạm đạo đức chính thống của Nho gia. Trong văn chương, Tản Đà thi sĩ, thậm chí, cũng chia thành văn có ích văn chơi. Chơi, vì thế, đã đồng nghĩa với không làm, không có ích, không nghiêm túc.

Tôi nhớ, có một nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ văn học về trò chơi trong thơ hiện đại Việt Nam có sử dụng lý thuyết trò chơi để lý giải những hiện tượng cách tân trong thơ Việt hiện đại đã bị hiểu lầm trầm trọng. Một phó giáo sư thành viên của Hội đồng chấm Luận án cấp Nhà nước vẫn coi trò chơi là một cái gì đó không nghiêm túc, nên không thể áp dụng vào nghiên cứu một đối tượng nghiêm túc như văn học. Một nhà chuyên môn còn như vậy, nên không trách được sự hiểu lầm của những người có diễn ngôn quyền lực lại không có chuyên môn. Điều này làm tác giả luận án trên e ngại không dám cho in công trình khoa học của mình.

Rất may, có bạn đọc Việt Nam là dịch giả Phạm Minh Quân đã bỏ công sức ra dịch cuốn Homo Ludens: A Study of the Play-Element of Culture (Người chơi: Một nghiên cứu sự chơi như là yếu tố của văn hóa) của nhà triết học văn hóa người Hà Lan Johan Huizinga. Công trình nổi tiếng thế giới này hy vọng sẽ tháo gỡ những ngộ nhận, làm thay đổi suy nghĩ của bạn đọc về Chơi/Sự chơi.

Người chơi (Phạm Minh Quân dịch, Tủ sách Hội họa & Nxb Thế giới, 2023).

Nhà sử gia văn hóa tiên phong

Johan Huizinga (1872 – 1945) là một trong những người tiên phong sáng lập chuyên ngành lịch sử văn hóa hiện đại. Cha ông, Dirk Huizinga là một giáo sư sinh lý học. Thoạt tiên ông học ngữ hệ Ấn – Âu, sau đó học tiếng Phạn và chuyển sang nghiên cứu ngữ học so sánh. Luận án tiến sĩ (1897) của Johan về vai trò của hề trong kịch Ấn Độ.

Học giả Hà Lan Johan Huizinga.

Học giả Hà Lan Johan Huizinga.

Năm 1902, Huizinga chuyển trọng tâm nghiên cứu sang lịch sử Trung đại và Phục hưng, và trở thành Giáo sư Lịch sử Hà Lan và lịch sử phổ quát của Đại học Groningen vào năm 1905. Năm 1915, ông được phong Giáo sư Lịch sử phổ quát của Đại học Leiden và nắm giữ cương vị này cho tới năm 1942. Từ năm 1916, Huizinga đã là thành viên của Học viện Nghệ thuật và khoa học Hoàng gia Hà Lan. Bởi thái độ chống phát xít, ông bị quản thúc từ 1942 đến khi chết vào năm 1945, vài tháng trước khi chế độ phát xít sụp đổ.

Tác phẩm nổi tiếng nhất và làm nên tên tuổi của ông là The Autumn of the Middle Ages (Mùa thu Trung cổ) ra đời vào năm 1914, trước chiến tranh thế giới thứ nhất. Như phụ đề của cuốn sách, đây là một chuyên luận “nghiên cứu về các dạng thức đời sống, tư tưởng, nghệ thuật Pháp cũng như Hà Lan thế kỷ XIV và XV,” thời kỳ Hậu – Trung cổ ở châu Âu. Huizinga không nhìn tác phẩm nghệ thuật như một lịch sử tổng thể, lịch sử chung, mà, trái lại, như một “thị kiến thẩm mỹ” về giai đoạn lịch sử này.

Huizinga nhìn Mùa thu Trung cổ như một giai đoạn bi quan, năng lượng văn hóa đến đây đã cùng kiệt không còn khả năng sản sinh ra cái mới nữa. Có thể ông còn chưa nhìn thấy những yếu tố Tiền – Phục hưng. Bởi vậy, Huizinga coi đây là thời lên ngôi của Hoài niệm. Với cách tiếp cận mỹ học này, nghệ thuật đã trở thành đối tượng trung tâm trong nghiên cứu lịch sử của Huizinga.

Nhưng, công trình trọng điểm, mang tính lập thuyết của Johan Huizinga chính là Homo Ludens (Người chơi) ra đời năm 1938 trước chiến tranh thế giới thứ hai. Không hiểu sao nhưng có thể những dự cảm về chiến tranh sắp tới đều khiến Huizinga cho ra đời những tác phẩm xuất sắc.

Công trình nổi tiếng Mùa thu trung cổ của Huizinga.

Công trình nổi tiếng Mùa thu trung cổ của Huizinga.

Nhân loại là ‘người chơi”

Nhan đề Homo Ludens, một mặt như một kiểu chơi chữ vì nó tiếp tục các tên gọi của những giai đoạn phát triển khác nhau của con người như Homo Sapiens (Người khôn), Homo Faber (Người chế tác), Homo Sapiens Sapiens (Người hiện đại), và hiện nay còn có thể là Homo Deus (Người – Thượng đế)[1]. Mặt khác, Homo Ludens không chỉ phát triển theo thời gian, mà là phi thời gian, bởi đó là một chiều kích bản thể của con người. Nét thứ hai này mới chính là trọng tâm của công trình Người chơi của Huizinga.

Nghiên cứu Người chơi, bao gồm cả chơi, sự chơi (play), trò chơi (game), Johan Huizinga nhận thấy rằng chơi là một thuộc tính/chiều kích/bản thể của con người, thậm chí cả trước-người là động vật. Tuy nhiên, chơi ở động vật là thuần túy bản năng, là do thiên nhiên lập trình sẵn. Chỉ có ở con người mới có chơi đúng nghĩa.

Huizinga xác lập năm đặc trưng cố hữu của chơi. Đầu tiên, chơi tự do, nên chơi chính là sự tự do. Thứ hai, chơi cũng nằm ngoài đời sống “bình thường” hay “thực tế,” bởi vậy dẫn đến đặc trưng thứ ba là chơi bước ra ngoài đời sống thực để bước vào một giới hạn nhất định về thời gian và không gian (thời lượng chơi và sân chơi). Đặc điểm thứ tư là chơi tạo ra một trật tự tuyệt đối và tối thượng (luật chơi). Và cuối cùng, chơi không hề liên hệ tới vụ lợi vật chất.

Bìa phiên bản tiếng Anh của cuốn sách.

Bìa phiên bản tiếng Anh của cuốn sách.

Johan Huizinga đặt ra một định đề táo bạo và lý thú: Chơi có trước cả văn hóa. Chơi đóng vai trò là một điều kiện thiết yếu cho sự khai sinh văn hóa cũng như khai hóa văn minh. Để chứng minh cho tính phổ quát của chơi, ông đưa bạn đọc du hành Đông – Tây cùng với khái niệm chơi và cách nó được diễn đạt ở các ngôn ngữ khác nhau.

Hóa ra, chơi là một mẫu số chung, một gốc từ phổ biến ở nhiều văn hóa. Nhìn từ góc độ từ nguyên và ngữ dụng học, có rất nhiều từ ngữ xuất phát từ chơi, không riêng gì chỉ hình thức chơi, hay trò chơi (ví dụ như chơi kéo co, chơi bóng), mà còn nhằm để chỉ vô vàn khía cạnh chức năng khác nhau, và đương nhiên, mang tính liên kết và mở rộng.

Từ đó, Huizinga nhận diện chơi, và địa hạt của chơi, trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Từ những lĩnh vực đương nhiên liên hệ với chơi như nghệ thuật (trong thi ca, âm nhạc, khiêu vũ và hội họa…) cho tới những lĩnh vực tưởng như nghiêm túc nhất như nghi lễ tôn giáo, pháp luật, chiến tranh, khoa học, triết học, kinh tế, đều chứa đựng yếu tố chơi.

Ở mỗi lĩnh vực, Huizinga trình bày trước bạn đọc những luận chứng rất tài tình và thuyết phục. Còn đối với phản đề đối lập ngỡ như không thể dung hòa, giữa chơi và nghiêm túc, thì Huizinga lại hóa giải bằng lập luận rằng thái độ nghiêm túc cao nhất cũng có thể hiện diện trong chơi, đặc biệt trong những trò chơi có tính cạnh tranh cao, như thể thao chẳng hạn. “Chơi biến thành nghiêm túc và nghiêm túc biến thành chơi.”

Chơi, từ chỗ là lẽ thường tình tất nhiên của con người, trở thành chiều kích bản thể, chiều kích văn hóa. Nhân loại là Người chơi.

“Chơi chỉ có thể trở thành một khả hữu, khả tư và có thể lĩnh hội khi một dòng chảy trí óc phá vỡ quyết định luận tuyệt đối của vũ trụ. Chính sự tồn tại của chơi liên tục xác nhận bản chất siêu lôgic của trạng huống người. […] Chúng ta chơi và thức nhận rằng mình chơi, do đó chúng ta còn hơn cả những hữu thể duy lý đơn thuần, bởi chơi là phi lý”, Johan Huizinga.

Đỗ Lai Thúy

[1] Xem Homo Deus: Lịch sử tương lai của Yuval Noah Harari, Nhã Nam và Thế Giới, 2018).

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguoi-choi-mot-chieu-kich-ban-the-nguoi-40003.html