Người con Ninh Bình tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp Quốc

Tháng 10 vừa qua, Bộ Công an cử 3 sĩ quan Công an nhân dân đầu tiên lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Xu - đăng. Thực hiện nhiệm vụ cao cả và tự hào đó có Trung tá Vũ Việt Hùng, một người con của quê hương Ninh Bình. Nhờ sự kết nối của công nghệ số đã giúp tôi có cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở với anh.

Nụ cười rạng rỡ, tự hào của gia đình Trung tá Vũ Việt Hùng trước khi lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc. Ảnh: CTV

Nụ cười rạng rỡ, tự hào của gia đình Trung tá Vũ Việt Hùng trước khi lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc. Ảnh: CTV

Phóng viên (PV): Anh có thể chia sẻ một chút về bản thân và cảm xúc của anh khi là một trong những người đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam được chọn tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc?

Trung tá Vũ Việt Hùng: Gia đình tôi sống và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, bố và mẹ tôi đều là người con Ninh Bình và tôi may mắn được sinh ra trên quê mẹ yêu dấu tại xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình vào năm 1979. Học hết cấp 3, tôi thi đỗ 3 trường đại học, trong đó có Trường Đại học An ninh nhân dân. Vậy là từ tháng 9/1997, tôi nhập học Đại học An ninh nhân dân và chính thức đứng vào hàng ngũ của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

Sau khi ra trường, tôi được phân công công tác tại Tổng cục An ninh, Bộ Công an, sau đó về công tác tại Cục An ninh đối ngoại. Tất cả kinh nghiệm từ thực tế có được cùng sự nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ của bản thân đã giúp tôi được lựa chọn tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc vào năm 2022.

Cảm xúc tự hào xen lẫn bồi hồi, lo lắng đến giờ vẫn vẹn nguyên trong tôi khi chính thức nhận quyết định của Chủ tịch nước cử tham gia gìn giữ hòa bình tại Nam Xu-đăng (Phái bộ UNMISS). Đặc biệt, tôi luôn tự hào là một người con của quê hương Ninh Bình được giao trọng trách cao cả này.

Đây là một dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của mình và tôi tự hứa sẽ nỗ lực cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

PV: Được biết, tiêu chuẩn đặt ra đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đòi hỏi rất khắt khe. Vậy anh đã vượt qua các yêu cầu của Liên hợp quốc như thế nào?

Trung tá Vũ Việt Hùng: Lực lượng Cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc làm việc tại những đất nước mới trải qua xung đột, chiến tranh, môi trường công tác cực kỳ phức tạp, khó khăn, nguy hiểm. Để đủ điều kiện được phục vụ với tư cách là sỹ quan cảnh sát của Liên hợp quốc tại Phái bộ gìn giữ hòa bình, các ứng cử viên ngoài thành thạo nghiệp vụ, chuyên môn, còn phải trải qua các lớp huấn luyện bắt buộc về các nội dung: nguyên tắc, giá trị cốt lõi của Liên hợp quốc; năng lực để làm việc cho Liên hợp quốc; kiến thức về an ninh, an toàn; kỹ năng bắn súng, lái xe, kỹ năng sinh tồn; kỹ năng sơ cứu… và phải vượt qua kỳ thi kiểm tra, sát hạch của Liên hợp quốc.

Trong đó, đáng chú ý là bài kiểm tra tiếng Anh tổng hợp, bao gồm bài kiểm tra nghe, đọc, viết về kiến thức chuyên ngành cảnh sát và phỏng vấn trực tiếp của chuyên gia Liên hợp quốc.

Tháng 2/2022, tôi là một trong 8 sỹ quan của Bộ Công an được lựa chọn là những người đầu tiên đi tập huấn và kiểm tra để tham gia lực lượng cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ - khóa tập huấn do Cục Hoạt động hòa bình thuộc Ban Thư ký Liên hợp quốc tổ chức. Để đạt kết quả tốt, chúng tôi đã phải tự ôn luyện tiếng Anh, tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu về các kiến thức liên quan; luyện tập các bài kiểm tra để làm quen.

Ngoài ra, chúng tôi tranh thủ ôn luyện cùng nhau trao đổi, thảo luận về các kiến thức và kỹ năng được học. Lãnh đạo Bộ Công an cũng tổ chức tập huấn, ôn luyện các kỹ năng lái xe, bắn súng cho chúng tôi trước khi lên đường đi Thổ Nhĩ Kỳ. Sau 10 ngày tập huấn, 7/8 người, trong đó có tôi đã vượt qua kỳ sát hạch, đủ điều kiện được Liên hợp quốc đề nghị cử tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình.

Điều đáng nói là các bài kiểm tra của Liên hợp quốc có yêu cầu khá cao và tỷ lệ đạt yêu cầu của sỹ quan Cảnh sát tất cả các nước tham gia chỉ hơn 30%, trong khi đó, tỷ lệ cán bộ công an Việt Nam đạt đến hơn 87%. Tôi vinh dự được lựa chọn là một trong 3 sỹ quan công an đầu tiên cử sang Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng.

Chúng tôi tiếp tục được tập huấn các kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ gồm: kỹ năng sinh tồn; kỹ năng sơ cứu; kỹ năng sử dụng bộ đàm; kiến thức về phòng tránh dịch bệnh, đảm bảo an toàn cá nhân… Đây là những kiến thức, kỹ năng rất cần thiết khi làm nhiệm vụ tại Nam Xu-đăng hiện nay.

PV: Anh có thể chia sẻ về công việc, cuộc sống hiện nay của mình ở Nam Xu - đăng?

Trung tá Vũ Việt Hùng: Nam Xu-đăng là quốc gia non trẻ nhất thế giới, cũng là một trong các quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Hiện nay, do ảnh hưởng của xung đột, hàng triệu người dân Nam Xu-đăng bị mất nhà cửa, phải đi tị nạn tại các nước láng giềng hoặc sống trong các trại lánh nạn do Liên hợp quốc dựng lên.

Các điều kiện sống cơ bản rất thiếu thốn; bên cạnh đó là khí hậu khắc nghiệt. Vì vậy, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về nguồn thực phẩm, việc thích nghi với khí hậu, sự an toàn của bản thân… Tôi được phân công công tác tại Văn phòng thực địa Juba, nhiệm vụ đầu tiên là tuần tra, nắm tình hình an ninh, trật tự.

Trung tá Vũ Việt Hùng (ngoài cùng bên trái) tiếp xúc, trao đổi với người dân Nam Xu - đăng trong quá trình tuần tra, làm nhiệm vụ. Ảnh: CTV

Hàng ngày, chúng tôi thực hiện các chuyến tuần tra xung quanh và trong các trại lánh nạn, xung quanh thủ đô Juba. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi đã gặp gỡ rất nhiều người và đã trao đổi, lắng nghe chia sẻ về cuộc sống, tìm hiểu văn hóa, động viên, khuyến khích họ khắc phục khó khăn, tạo sự tin tưởng. Những nơi chúng tôi đi qua đều được người dân chào đón.

Điều đặc biệt là rất nhiều người dân Nam Xu-đăng biết đến Việt Nam. Khi giới thiệu là cảnh sát đến từ Việt Nam, nhiều người bày tỏ ngưỡng mộ, khâm phục tinh thần đấu tranh anh dũng của người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến trước đây. Đó là điều khiến tôi rất vui mừng và tự hào.

Cũng nhờ đó, công việc của tôi được thuận lợi hơn rất nhiều. Một trong những điều tuyệt vời khi làm việc tại Liên hợp quốc là môi trường làm việc đa dạng. Chúng tôi là những đồng nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới, đến từ những nền văn hóa khác nhau, làm việc chung dưới lá cờ Liên hợp quốc. Tất cả mọi người đều chào đón và giúp đỡ nhau hết mình.

Bên cạnh đó, tôi và các đồng nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình và kịp thời từ đồng nghiệp các nước, đặc biệt là các đồng chí thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Xu-đăng. Do đó, tôi đã nhanh chóng thích nghi và ổn định cuộc sống, tiếp nhận công việc thuận lợi. Đây sẽ là cơ hội để tôi học hỏi, rèn luyện, nâng cao năng lực cho bản thân, phục vụ công tác sau này.

Những ngày Tết cổ truyền của Việt Nam đang đến gần, với tôi và cả người thân trong gia đình, năm nay sẽ là cái Tết xa nhau rất đặc biệt, đó là cảm xúc tự hào xen lẫn nỗi nhớ nhung, hạnh phúc đan xen trong gian khổ. Tuy nhiên, được góp sức mình đem lại hòa bình cho nhân dân các nước trên thế giới, tôi rất vui và sẵn sàng hoàn thành trọng trách này.

PV: Xin cảm ơn anh!

Kiều Ân (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nguoi-con-ninh-binh-tham-gia-gin-giu-hoa-binh-lien-hiep/d20230111155258719.htm