Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: 'Quảng Bình là nhà tôi. Lúc nào rảnh việc nước thì tôi về nhà'. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng luôn hướng về quê hương với tình cảm tha thiết, sâu nặng. Và, khi đi vào cõi vĩnh hằng, ông đã chọn quê hương Quảng Bình 'Hai giỏi' để trở về.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến về thăm quê hương ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).Ảnh: TRỌNG THÁI

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến về thăm quê hương ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).Ảnh: TRỌNG THÁI

Không chỉ tài năng quân sự xuất chúng, vị Đại tướng lừng danh của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là người con chí hiếu, chí tình với quê hương Quảng Bình. Cùng với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, Đại tướng luôn là tấm gương mẫu mực về tình yêu quê hương, luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tình cảm sâu nặng, ấm áp và nghĩa tình cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Quảng Bình.

Ngay từ những ngày đầu cách mạng còn non trẻ, cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại tướng luôn theo dõi, chỉ đạo kịp thời và động viên, cổ vũ Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình vượt qua khó khăn, cùng cả nước quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Cứ mỗi lần có đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình lập được chiến công xuất sắc, được ra báo công với Chính phủ, với Bác Hồ là Đại tướng đến động viên, khen ngợi và căn dặn Quảng Bình phải trở thành một tỉnh gương mẫu, đi đầu trong cả nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hướng về quê hương với nhiều trăn trở, thường xuyên theo dõi và có hướng chỉ đạo từng bước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh. Mỗi lần có dịp về thăm quê, Đại tướng đều dành thời gian để đi thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân dân trong tỉnh; làm việc với lãnh đạo địa phương, chỉ dạy những ý kiến quý báu trong công tác xây dựng Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và phát triển kinh tế để nâng cao đời sống cho nhân dân.

Năm 1992, trong chuyến về thăm quê sau khi Quảng Bình trở về địa giới hành chính cũ, Đại tướng đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và có những lời tâm sự chân tình: “Tỉnh nhà mới lập lại, được Trung ương hết sức giúp đỡ đó là thuận lợi lớn. Muốn ổn định tình hình trước hết phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, chăm lo gia đình chính sách, gia đình neo đơn; yêu cầu mỗi huyện, mỗi xã phải kiểm tra lại mức sống của mỗi gia đình để có biện pháp giúp đỡ cần thiết.

Về kinh tế, muốn đi lên thì phải phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, nếu độc canh thì nghèo; nghiên cứu để phát triển kinh tế vùng gò đồi”. Về công tác xây dựng Đảng, Đại tướng nêu rõ: Phải chăm lo công tác tư tưởng, lãnh đạo phải bảo đảm niềm tin cho nhân dân. Niềm tin bị xói mòn là điều rất không tốt cho lãnh đạo. Cán bộ phải lấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà rèn luyện, phấn đấu.

Đại tướng cũng luôn nhắc tỉnh về chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, bởi đó là nguồn lực để phát triển bền vững, lâu dài. Ông Phạm Phước, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhớ lại: “Năm 1992, tôi được tham dự lễ đón Đại tướng đến thăm Trường THPT Đào Duy Từ. Sau khi nghe thầy hiệu trưởng báo cáo các hoạt động và kết quả của nhà trường, Đại tướng khen ngợi và động viên, nhắc nhở nhà trường cần chú trọng đào tạo nhân lực và nhân tài cho công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Tâm đắc lời của Đại tướng, sau này khi làm lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, tôi đã bàn với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tách các lớp năng khiếu ở Trường THPT Đào Duy Từ và mời một nhà giáo ưu tú từ Trường Quốc học Huế về làm hiệu trưởng, tiếp nhận giáo viên dạy giỏi, thành lập Trường THPT chuyên của tỉnh (nay là Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp). Từ đó đến nay, trường đã trở thành nơi bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi, tạo nguồn lực chất lượng cao cho tỉnh.

Năm 2004, khi ở tuổi 94, sức khỏe đã yếu nhiều, linh cảm đây là chuyến thăm quê cuối cùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành nhiều thời gian đi thăm, nói chuyện với các địa phương, trường học, cơ quan đơn vị, lực lượng vũ trang. Ở đâu Đại tướng cũng căn dặn phải đoàn kết, phát huy truyền thống của quê hương “Hai giỏi” để xây dựng Quảng Bình thành một tỉnh giàu mạnh, gương mẫu trong cả nước.

Đại tướng chia sẻ trong buổi nói chuyện với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh: “Dù ở xa nhưng trái tim tôi vẫn hướng về quê hương, có khá đầy đủ thông tin về Quảng Bình. Tỉnh nhà có những việc làm tốt, tôi vui, nhưng cũng buồn khi tỉnh nhà có những chuyện chưa hay”. Đại tướng đặc biệt quan tâm đến những vấn đề chiến lược lâu dài của tỉnh. Trăn trở lớn nhất của Đại tướng là Quảng Bình vẫn là tỉnh nghèo so với cả nước và người dân Quảng Bình phần lớn đang còn nghèo. Làm gì để thoát nghèo, vươn lên hòa vào sự phát triển chung của cả nước là vấn đề luôn được Đại tướng nhắc nhở trong những chuyến về thăm quê.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng cho biết, những kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, mặc dù bận rất nhiều công việc, nhưng Đại tướng đều có thư chúc mừng và những lời căn dặn chí tình. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ 14 (nhiệm kỳ 2005 - 2010), những lời căn dặn của Đại tướng cũng là những vấn đề mang tính chiến lược và thiết thực đặt ra cho đại hội xem xét, quyết định: “Tôi mong Đại hội lần này hãy nhìn thẳng vào sự thật, nêu cao tinh thần tự phê bình, phê bình, phát huy dân chủ, bàn bạc để thấy rõ những nguyên nhân, đề ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn, sát thực tiễn, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng”.

Thực hiện những căn dặn của Đại tướng, từ những năm chiến tranh trường kỳ gian khổ cho đến ngày hòa bình lập lại và thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình luôn đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, đưa sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh ngày càng đi lên.

HƯƠNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/nguoi-con-uu-tu-cua-que-huong-quang-binh-661452/