Người dân cả nước thành kính hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, những người con Lạc cháu Hồng khắp nơi đang hướng về Đất Tổ.

Sáng 10/4 (tức 10/3 năm Tân Sửu), Lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được tỉnh Phú Thọ tổ chức long trọng tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 10/4 (tức 10/3 năm Tân Sửu), Lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được tỉnh Phú Thọ tổ chức long trọng tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. (Nguồn: TTXVN)

Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022 do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức có chủ đề "Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương" gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ đầu tháng 3 Âm lịch, tỉnh Phú Thọ đã lên kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất, đón tiếp đại biểu, phục vụ Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ… đúng tiến độ đề ra.

Từ nhiều ngày trước khi diễn ra chính lễ, đông đảo người dân, du khách thập phương đã có mặt tại Khu di tích Đền Hùng để dâng hương, tưởng nhớ đến các vị Vua Hùng. Ban Quản lý Khu Di tích đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong thực hành tín ngưỡng theo đúng nghi thức truyền thống. Đồng thời, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người dân và du khách.

Trong ngày ngày 9/3 Âm lịch đã diễn ra các hoạt động như bơi chải trên Hồ công viên Văn Lang; chương trình nghệ thuật "Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương" gắn với Kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và bắn pháo hoa tầm cao tại Sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao 15 phút để du khách, người dân chiêm ngưỡng.

Ngày 10/4 (tức 10/3 Âm lịch) là lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, lễ dâng hoa tại bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong" và lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh.

Để tạo thuận lợi cho du khách, người dân thập phương không có điều kiện đặt chân đến Phú Thọ để tham gia các hoạt động dịp Giỗ Tổ, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp với Ban quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng ra mắt ứng dụng di động du lịch thông minh "Đền Hùng".

Thông qua ứng dụng di động thông minh "Đền Hùng", người dùng dễ dàng tìm kiếm đầy đủ thông tin về Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng với các công trình kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng như: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Cột đá thề, chùa Thiên Quang, Lăng Vua Hùng, Đền Giếng, Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân…

Những thông tin này được trình bày dễ hiểu, dễ xem, được minh họa bằng hình ảnh, audio, video trực quan, sinh động, giúp người dùng vừa tham quan, vừa nghe thuyết minh.

Ứng dụng cũng cung cấp tới du khách bản đồ, vị trí chính xác các địa điểm tham quan tại khu di tích; nơi diễn ra các hoạt động lễ, hội trong chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022.

Đông đảo người dân về dự lễ tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. (Nguồn:TTXVN)

Đông đảo người dân về dự lễ tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. (Nguồn:TTXVN)

Hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Tại TP. Hồ Chí Minh, chương trình Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 diễn ra từ ngày 8-11/4 (tức 8/3 đến ngày 11/3 Âm lịch) tại Khu tưởng niệm các vua Hùng, thuộc Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc, TP. Thủ Đức.

Lễ khai mạc diễn chương trình diễn ra vào hồi 19h ngày 8/4, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức từ 7h ngày 10/4 (nhằm 10/3 Âm lịch). Riêng chương trình biểu diễn văn hóa - nghệ thuật ba miền và Lễ bế mạc sẽ diễn ra vào 18h ngày 11/4.

Ngoài các hoạt động chính như lễ giỗ, dâng hương của các đoàn, chương trình lễ hội còn có các hoạt động trò chơi dân gian, ẩm thực 3 miền diễn ra xuyên suốt trong thời gian 4 ngày lễ hội.

Tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (ở huyện Tân Hiệp).

Phần lễ diễn ra vào sáng 10/4 (mùng 10/3 âm lịch) với khoảng 200 người tham dự, đảm bảo thực hiện trang nghiêm, trọng thể, trật tự, an toàn. Phần hội không tổ chức các hoạt động như những năm trước mà chỉ có 4 hoạt động thể thao nằm trong khuôn khổ Đại hội Thể dục - Thể thao lần thứ VIII huyện Tân Hiệp.

Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại huyện Tân Hiệp được xây dựng từ năm 1957 là Đền thờ Vua Hùng đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2004 UBND tỉnh Kiên Giang công nhận đây là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Tại Đồng Nai, ngoài các đình, đền, chùa có thờ Vua Hùng thì có ba địa điểm thờ cúng Quốc Tổ riêng biệt. Trong số này có hai địa điểm được công nhận là di tích cấp tỉnh.

Hai điểm thờ Quốc Tổ Hùng Vương được công nhận di tích cấp tỉnh là: Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (P. Bình Đa, TP. Biên Hòa) và Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (xã Phú Sơn, H. Tân Phú).

Vào dịp giỗ Tổ, Ban quản lý di tích phối hợp tổ chức các hoạt động lễ, hội để ngày quốc lễ thêm trang trọng, vui tươi. Trong số này có thể kể đến các hoạt động, như: kể chuyện về các đời vua Hùng, thi gói bánh chưng, làm bánh giầy, kết mâm ngũ quả, trò chơi dân gian, cho chữ thư pháp…

Hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương tại tỉnh Cà Mau nằm trong chuỗi sự kiện "Cà Mau - Điểm đến 2022" với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch. Theo chương trình đã được phê duyệt, Giỗ Tổ Hùng Vương tại Cà Mau năm nay gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội.

Phần lễ gồm: Lễ An vị (đặt tượng Vua Hùng), diễn ra từ 20h ngày 9/3 Âm lịch; lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại xã Tân Phú, vào lúc 6h30 ngày 10/3 Âm lịch và lễ chính thức tưởng nhớ các Vua Hùng được thực hiện theo nghi thức truyền thống.

Phần hội, gồm các hoạt động thi đấu thể thao bóng đá và các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt đập niêu, đua xuồng ba lá, cùng chương trình văn nghệ.

Các hoạt động dâng hương, thờ cúng Hùng Vương cũng được tổ chức ở các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

(tổng hợp)

Chu An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguoi-dan-ca-nuoc-thanh-kinh-huong-ve-ngay-gio-to-hung-vuong-179819.html