Người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả từ chuyển đổi số

Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu; luôn cầu thị, lắng nghe phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Phải nói thật, làm thật, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại theo tinh thần 'không để ai bị bỏ lại phía sau'.

Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06, sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06.

Đơn giản hóa 242 thủ tục hành chính

Có thể nói, công cuộc chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 vừa qua đã nhận được sự vào cuộc tích cực từ Trung ương đến cơ sở. Để tạo khung khổ pháp lý hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 được triển khai tích cực, trong vòng 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành 8 nghị định. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 10 thông tư. Đến nay, đã đơn giản hóa 828/1.084 thủ tục hành chính được giao tại các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, trong đó, trong 6 tháng đầu năm đã đơn giản hóa 242 thủ tục. 63/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.

Đoàn viên thanh niên Sở Tư pháp hướng dẫn công dân thực hiện cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID. Ảnh: Kim Anh

Đoàn viên thanh niên Sở Tư pháp hướng dẫn công dân thực hiện cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID. Ảnh: Kim Anh

Không chỉ đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mà cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển. Trong đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 85 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Một điểm đáng chú ý, đó là thời gian qua, một số địa phương như Hà Nội, Thừa Thiên Huế đã tích cực thí điểm, triển khai nhiều tiện ích số cho người dân, doanh nghiệp như: cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VneID. Trong đó, UBND TP. Hà Nội đã trình HĐND thành phố xem xét việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân khi thực hiện qua VNeID; ngân sách thành phố thực hiện hỗ trợ khoảng 9,7 tỷ đồng cho đến hết ngày 31.12.2024. Số lượng ước tính chi phí cắt giảm của các cơ quan nhà nước khi giảm thiểu được các yếu tố phục vụ tại trụ sở như: điện, nước, không gian, cơ sở vật chất: giấy, in, nhân lực, thời gian lao động, ước giảm khoảng hơn 10 tỷ đồng/năm. Hiện nay, bình quân một ngày có 1.000 hồ sơ lý lịch tư pháp nộp qua VNeID.

Việc thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Trong đó, cấp bộ là 46,4%, tăng 22,1%; địa phương đạt 58,1%, tăng 14,6%. Từ 1.7.2024, người dân có thể sử dụng duy nhất tài khoản VNeID để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Thực tế cho thấy, thực hiện chuyển đổi số đã thay đổi thói quen trong việc thực hiện giao tiếp giữa người dân - doanh nghiệp với cơ quan hành chính. Người dân, doanh nghiệp không phải đến trực tiếp mà sử dụng công nghệ để giải quyết các thủ tục hành chính, tiết giảm được nhiều thời gian và chi phí tuân thủ.

Ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 vẫn còn có những hạn chế. Trong đó, phát triển kinh tế số chưa tương xứng với tiềm năng, đầu tư còn dàn trải. Đáng nói là chưa khắc phục được tình trạng manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt, co cụm dữ liệu bởi hạ tầng số, nền tảng số của nhiều cơ quan đầu tư thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ thông tin.

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, trong Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó, nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ từ Trung ương tới địa phương phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay; đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công.

Cùng với đó, tập trung triển khai thành công Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, triển khai thí điểm mô hình Bộ phận một cửa theo hướng kết hợp cung cấp dịch vụ hành chính công của các đơn vị hành chính trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2024 để tổng kết, nhân rộng nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính.

Để triển khai yêu cầu về chuyển đổi số trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ này, ưu tiên nguồn lực, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số đã đề ra, đã làm phải có sản phẩm, hiệu quả cụ thể. Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thành triển khai 30 dịch vụ công thiết yếu còn lại. Trong đó, tích hợp, công bố nhóm thủ tục hành chính đăng ký thành lập hộ kinh doanh và đăng ký thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu về người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho một số bộ, ngành, trong đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng đẩy nhanh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trong tháng 7.2024. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để liên thông dữ liệu đăng ký tàu cá, nhật ký khai thác thủy sản; tích hợp tài khoản VNeID và thực hiện các thủ tục về đăng ký tàu cá, khai thác thủy sản, hoàn thành trong tháng 9.2024. Bộ Tư pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu của ngành như hộ tịch điện tử, quốc tịch, lý lịch tư pháp hoàn thành trong tháng 7.2024…

Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ nhiệm vụ, giờ là lúc Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Tin rằng, với quyết tâm của Chính phủ, của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương, thì người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng những thành quả thật từ việc chuyển đổi số mang lại.

Lê Hùng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/nguoi-dan-doanh-nghiep-duoc-thu-huong-thanh-qua-tu-chuyen-doi-so-i380415/