Người dân gặp khó trong chuyển mục đích sử dụng rừng

Thành phố Bắc Kạn đang dần chuyển theo hướng đô thị hóa, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất có rừng để thực hiện các công trình, dự án và chuyển mục đích sử dụng rừng của các hộ gia đình là rất lớn.

 Khu dân cư Thôm Dầy, phường Sông Cầu chuyển đổi 4,2ha đất lâm nghiệp có rừng sang xây dựng khu dân cư.

Khu dân cư Thôm Dầy, phường Sông Cầu chuyển đổi 4,2ha đất lâm nghiệp có rừng sang xây dựng khu dân cư.

Những năm qua, thành phố Bắc Kạn đã thu hút nhiều các chương trình, dự án đầu tư, từng bước thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, với đặc thù là thành phố miền núi, diện tích đất có rừng chiếm gần 70% tổng diện tích tự nhiên nên các công trình, dự án phần lớn được triển khai trên diện tích đất lâm nghiệp, đất có rừng. Để thực hiện các công trình, dự án này, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Theo thống kê của Quỹ Phát triển đất, rừng và bảo vệ môi trường tỉnh, từ năm 2017 đến nay, thành phố Bắc Kạn được đầu tư xây dựng 13 công trình, dự án có liên quan đến đất nông nghiệp, đất có rừng. Để triển khai các công trình, dự án trên, cơ quan chức năng đã cho phép chuyển đổi hơn 230ha đất lâm nghiệp có rừng, đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư “trả nợ rừng” theo quy định Luật Lâm nghiệp là thực hiện trồng rừng thay thế. Từ năm 2019 - 2021, thành phố thực hiện trồng rừng thay thế được hơn 55ha.

Ngoài ra, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng của người dân cũng rất lớn. Tuy nhiên, một trong những điều kiện bắt buộc khi chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác là phải có dự án đầu tư. Đây là điều mà các hộ gia đình không thể tự thực hiện.

Ông Đinh Tiến Toàn- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Bắc Kạn cho biết: Hiện nay, trình tự thủ tục đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được thực hiện theo quy định tại Nghị định 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Trong đó có nhiều quy định, thành phần hồ sơ bắt buộc phải có mà hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không thể đáp ứng (như quy định khi chuyển đổi rừng phải có dự án).

Ông Bùi Văn Sơn ở thôn Nam Đội Thân, xã Nông Thượng cho biết: “Gia đình tôi có 200m2 đất rừng có nhu cầu chuyển đổi san ủi làm nhà ở. Mặc dù chỉ có hơn chục cây gỗ trên diện tích này, nhưng trước khi chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện các quy định chuyển mục đích sử dụng rừng, trong đó bắt buộc phải lập dự án đầu tư. Gia đình tôi không thể đáp ứng nên không chuyển đổi được”.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố, chỉ tính từ năm 2021 đến hết tháng 7/2022 đã có 35 hồ sơ xin chuyển đổi mục đích đất, phòng trả về vì không đủ điều kiện chuyển đất rừng.

Ông Đinh Tiến Toàn- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Bắc Kạn cho biết thêm: Đối với vấn đề chuyển mục đích sử dụng rừng mà người dân thành phố đang vướng mắc, Hạt Kiểm lâm phối hợp với các ban, ngành liên quan tích cực tuyên truyền để Nhân dân hiểu và thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Nếu các hộ gia đình, cá nhân cố tình vi phạm sẽ bị lập hồ sơ vi phạm, xử lý về hành vi phá rừng trái pháp luật và áp dụng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là trồng lại rừng.

Để tạo thuận lợi cho các hộ dân, thời gian tới, đơn vị đề xuất cấp có thẩm quyền khi lập các dự án cơ sở hạ tầng, nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển đổi diện tích đất lâm nghiệp có rừng thì có thể xem xét đưa vào dự án để làm cơ sở cho người dân làm các thủ tục chuyển đổi theo quy định được thuận lợi. Đồng thời, tham mưu cấp có thẩm quyền đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện, trình tự thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng để thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác./.

Đồng Lai

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202208/nguoi-dan-gap-kho-trong-chuyen-muc-dich-su-dung-rung-501114b/