Người dân hài lòng với dịch vụ giáo dục công

Căn cứ Quyết định 3476 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở GD&ĐT Quảng Trị ban hành nhiều văn bản triển khai công tác khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ GD công năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Kết quả khảo sát là cơ sở để các cơ quan quản lý và các cơ sở GD có biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân và đảm bảo sự hài lòng của người dân với chất lượng dịch vụ GD công. Đồng thời, tăng cường sự góp ý của xã hội để hoàn thiện dịch vụ công trong lĩnh vực GD nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ.

 Tạo môi trường tốt nhất để học sinh phát huy năng lực, sở trường trong học tập, rèn luyện. Ảnh: NV

Tạo môi trường tốt nhất để học sinh phát huy năng lực, sở trường trong học tập, rèn luyện. Ảnh: NV

Phạm vi điều tra sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ GD công được thực hiện tại thành phố Đông Hà, huyện Vĩnh Linh và Hướng Hóa. Mỗi địa phương chọn 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS, 1 trường THPT và 1 trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên. Đối tượng khảo sát là phụ huynh các cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, học sinh (HS) cấp THPT, học viên trung tâm GDNN- GDTX.

Kết quả khảo sát cho thấy, đối với bậc học mầm non qua khảo sát 475 phụ huynh về việc tiếp cận dịch vụ GD của nhà trường có 96,8% hài lòng và rất hài lòng về dịch vụ này, 94,3% hài lòng và rất hài lòng với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của nhà trường, 97,5% hài lòng và rất hài lòng với môi trường GD của nhà trường, 96% hài lòng và rất hài lòng về hoạt động chăm sóc, GD trẻ của nhà trường, 95,2% hài lòng và rất hài lòng về kết quả GD của nhà trường đối với con mình.

Đối với bậc phổ thông, qua khảo sát 2.192 phụ huynh cấp tiểu học, THCS và THPT, có 89,5% người được khảo sát hài lòng và rất hài lòng với việc tiếp cận dịch vụ GD của nhà trường, 80,7% hài lòng và rất hài lòng với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của nhà trường, 90,5% hài lòng và rất hài lòng với môi trường GD của nhà trường, 87,5% hài lòng và rất hài lòng về hoạt động GD của nhà trường, 84,8% hài lòng và rất hài lòng về sự phát triển và thực hiện nghĩa vụ công dân.

Đối với bậc phổ thông qua khảo sát 962 học sinh (HS) THPT, có 67,3% HS được khảo sát hài lòng và rất hài lòng với việc tiếp cận dịch vụ GD của nhà trường, 58,1% hài lòng và rất hài lòng với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của nhà trường, 71,9% hài lòng và rất hài lòng với môi trường GD của nhà trường, 70,3% hài lòng và rất hài lòng về hoạt động GD của nhà trường, 63,8% hài lòng và rất hài lòng về sự phát triển và thực hiện nghĩa vụ công dân.

Đối với trung tâm GDNN- GDTX, qua khảo sát 377 học viên, có 59,2% học viên được khảo sát hài lòng và rất hài lòng với việc tiếp cận dịch vụ GD của trung tâm, có 39% hài lòng và rất hài lòng với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của trung tâm, 65% hài lòng và rất hài lòng với môi trường GD của trung tâm, 72,4% hài lòng và rất hài lòng về hoạt động của trung tâm, 65% hài lòng và rất hài lòng về sự phát triển và thực hiện nghĩa vụ công dân của bản thân.

Trên toàn tỉnh, qua khảo sát 4.006 đối tượng thì có 3.301 người hài lòng và rất hài lòng với việc tiếp cận dịch vụ GD của nhà trường, chiếm 82,4%, 2.922 người hài lòng và rất hài lòng với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của nhà trường, chiếm 72,9%, 3.383 người hài lòng và rất hài lòng với môi trường GD của nhà trường, chiếm 84,5%, 3.323 người hài lòng và rất hài lòng về hoạt động chăm sóc, GD trẻ của nhà trường, chiếm 83,0%, 3.170 người hài lòng và rất hài lòng về kết quả GD, sự phát triển và thực hiện nghĩa vụ công dân của bản thân, chiếm 79,1%.

Qua khảo sát, Sở GD&ĐT đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ GD công như giải pháp nâng cao tiếp cận dịch vụ GD, nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, môi trường GD, chất lượng hoạt động GD, kết quả học tập. Theo đó, để nâng cao kết quả học tập, GV cần tạo động cơ, tạo lòng tin, hứng thú say mê, yêu thích cho HS học tập bộ môn do mình phụ trách, đồng thời giúp HS xác định đúng động cơ, thái độ học tập.

Mặt khác, GV thường xuyên gần gũi chăm lo, động viên, chỉ dẫn HS trong quá trình học tập cũng như có kế hoạch bù đắp kiến thức cơ bản cho HS yếu kém để các em kịp thời hòa nhập với lớp. Cùng với đó, GV tạo nhóm và hướng dẫn cụ thể cách thức hoạt động của nhóm, của mỗi thành viên trong nhóm và thường xuyên giúp đỡ để HS có phương pháp học tập tốt. Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo, chủ động học tập của HS. Việc đổi mới cần gắn với khai thác, sử dụng thiết bị GD trên cơ sở bám sát nội dung sách giáo khoa, yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng gắn với định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS. Hướng dẫn HS trong tự học, yêu cầu HS làm việc nhiều hơn, tăng cường bài tập vận dụng kiến thức, bài tập rèn luyện kiến thức, bài tập rèn luyện kỹ năng thích hợp cho các đối tượng. GV bám sát quy định của ngành để đổi mới kiểm tra, đánh giá HS. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để giúp phụ huynh xác định rõ mục đích cho con đi học. Phụ huynh cần quan tâm quản lý nghiêm giờ giấc học tập của con em mình, thường xuyên liên hệ với GV chủ nhiệm, GV bộ môn để tìm hiểu việc học tập của con em mình.

Nhà nước cần tập trung đầu tư cho GD vùng khó khăn để xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ GV. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa GD nhằm huy động nguồn lực cho GD. Có các chính sách hỗ trợ về tài chính cho hộ nghèo, giảm bớt các chi phí cho GD, đặc biệt ở các bậc học phổ cập để đảm bảo cơ hội cho HS tiếp cận GD tốt nhất …

NV

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=147501