Người dân 'khóc ròng' khi hàng chục tấn cá lồng chết trắng do thủy điện xả lũ

Nguyên nhân ban đầu được xác định, khi thủy điện Hòa Bình mở các cửa xả đáy đã làm mực nước dâng cao, chảy xiết, đục, dẫn đến các loại cá lồng ở Sông Đà đồng loạt chết.

Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), do đập thủy điện Hòa Bình thực hiện xả 2 cửa đáy làm mực nước sông Đà dâng cao, chảy xiết, đục, đã làm cho cá nuôi lồng của các hộ dân trên sông Đà bị chết (cá lăng, cá ngạnh, cá trắm, cá rô phi...).

Có 62 lồng của 19 hộ nuôi cá lồng bị ảnh hưởng. Trong đó, có 11 lồng mất trắng, 51 lồng cá chết rải rác (thiệt hại dưới 70%). Tổng sản lượng thiệt hại ước trên 40,23 tấn cá, số tiền thiệt hại ước tính khoảng trên 3,1 tỷ đồng.

Hiện tượng cá lồng chết tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) xảy ra từ sáng 4/10, đến nay số lượng cá chết đã lên đến trên 40 tấn.

Hiện tượng cá lồng chết tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) xảy ra từ sáng 4/10, đến nay số lượng cá chết đã lên đến trên 40 tấn.

Lo lắng trước việc thiệt hại do cá chết, từ nhiều đêm trước, những người nuôi cá lồng ở đây đã phải thức trắng, căng mình cứu cá.

Ông Dương Tiến Dũng, một chủ hộ nuôi cá lồng ở Xuân Lộc cho biết, khi thấy cá chết, không kể đêm hay ngày, cả gia đình ông đã tìm mọi cách cứu cơ ngơi của mình.

Người dân Phú Thọ vớt số cá chết tại lồng đi tiêu hủy.

Người dân Phú Thọ vớt số cá chết tại lồng đi tiêu hủy.

"Đầu tiên, thấy cá lờ đờ, tôi đã ngay lập tức bật sục khí, bơm nước tạo oxy. Khi thấy cá chết nhiều, gia đình vội vàng chuyển cá lên chỗ nước sạch, nhưng do số lượng quá lớn, gia đình đành bất lực nhìn những con cá chuẩn bị được xuất bán ngửa bụng chết", ông Dũng buồn bã.

Cùng với hộ ông Dũng, cả đêm 4/10, hàng chục chủ lồng khác trên địa bàn xã Xuân Lộc và Thạch Đồng đã chong đèn cứu cá với nhiều biện pháp hòng cứu vãn số "tài sản" đang lóp ngóp trên dòng nước. Để cứu cá, biện pháp tạm thời và trước mắt là luồn bạt, bơm bổ sung nước sạch và sục khí bổ sung oxy cho cá. Tuy nhiên, hiện tượng cá lồng chết vẫn tiếp tục diễn ra khiến các chủ nuôi "khóc ròng".

Những chủ nuôi đã thức trắng, căng mình cứu cá nhưng bất thành.

Những chủ nuôi đã thức trắng, căng mình cứu cá nhưng bất thành.

Liên quan đến sự việc trên, UBND huyện Thanh Thủy vừa có báo cáo sự việc lên tỉnh Phú Thọ để có phương án hỗ trợ người dân.

Theo ông Dương Quốc Lâm, Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy, trước khi vào mùa mưa bão và khi có thông báo xả lũ của hồ thủy điện Hòa Bình, UBND huyện Thanh Thủy đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan, các xã, thị trấn tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo vệ tài sản khi hồ Hòa Bình xả lũ.

Lãnh đạo huyện Thanh Thủy đang xuống nắm bắt tình hình, chỉ đạo khắc phục và tìm phương án hỗ trợ người dân.

Lãnh đạo huyện Thanh Thủy đang xuống nắm bắt tình hình, chỉ đạo khắc phục và tìm phương án hỗ trợ người dân.

Đồng thời, huyện giao cho hợp tác xã cá lồng hướng dẫn các hộ chăn nuôi cá lồng chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên, do mực nước sông Đà lên nhanh, chảy xiết, nước đục và thời gian xả lũ dài ngày đã gây ra hiện tượng cá chết.

"Mặc dù đã có thông báo, hướng dẫn người dân nhưng cá nuôi lồng này cũng khó di chuyển đi nơi khác lắm, nếu bắt vào trong đầm thì cá chết cũng nhanh vì thay đổi môi trường sống", Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy cho biết thêm.

Trước đó ngày 30/9, do mực nước dâng cao, hồ thủy điện Hòa Bình được lệnh xả một cửa đáy sau hai năm không xả lũ, ngày 2/10 mở cửa xả thứ hai, với lưu lượng nước 1.700 m3/s. Hai hồ Sơn La, Thác Bà cũng mở cửa xả ngày 1/10.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguoi-dan-khoc-rong-khi-hang-chuc-tan-ca-long-chet-trang-do-thuy-dien-xa-lu-20201008083824619.htm