Người đàn ông Sài Gòn hơn 11 năm bắt cướp

Hơn 11 năm qua, cứ 5h sáng mỗi ngày, ông Lũy lại chạy xe đi khắp các ngả đường theo dõi hoạt động của những kẻ phạm tội.

Ông Nguyễn Đình Lũy, 55 tuổi là Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố, khu phố 2, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP. HCM. Tính đến nay, ông đã có hơn 11 năm tham gia bắt tội phạm hoạt động ở khu vực chợ đầu mối Thủ Đức, cầu vượt Bình Phước…

Anh bán cá mê bảo vệ người yếu thế

Ông Lũy kể, ngày còn thanh niên, ông đi nghĩa vụ quân sự, học võ thiếu lâm tự. Lập gia đình, ông cùng vợ làm nghề bán cá. Công việc giúp hai vợ chồng ông có thu nhập tốt, cuộc sống khá giả.

Ông Nguyễn Đình Lũy kiểm tra chiếc máy quay lén khi về trụ sở khu phố 2 nghỉ trưa.

Ông Nguyễn Đình Lũy kiểm tra chiếc máy quay lén khi về trụ sở khu phố 2 nghỉ trưa.

Một lần, ông Lũy chứng kiến cụ bà đi xe ôm từ ngã tư Ga (Quận 12) về chợ đầu mối Thủ Đức chỉ mất 5 ngàn đồng tiền cước nhưng người xe ôm đòi bà phải trả 60 ngàn đồng. Cụ bà phản ứng, gã xe ôm la mắng, dơ nắm đấm đòi đánh. Ông Lũy nhanh chóng nắm tay người xe ôm ngăn lại. Cuộc ẩu đả xảy ra, ông Lũy bị xử phạt hành chính vì gây rối trật tự công cộng.

Tuy nhiên, ông không chừa tính tự ý xen vào chuyện người khác. Cứ đi chợ đầu mối Thủ Đức lấy cá về bán, thấy người lạ bị giật tài sản, bị ức hiếp, ăn chặn tiền… là ông ra tay nghĩa hiệp.

“Cứ đánh nhau với người ta là tôi bị mời lên phường. May mắn, tôi bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người bị ức hiếp nên chỉ bị nhắc nhở, xử phạt hành chính”, ông Lũy nhớ lại.

Ông Lũy bắt một thanh niên buôn bán ma túy. Ảnh NVCC

Ông Lũy bắt một thanh niên buôn bán ma túy. Ảnh NVCC

Hơn 11 năm bắt tội phạm

Ông Lũy cho biết, khu vực chợ đầu mối Thủ Đức giáp ranh, nối liền cửa ngõ vào nội thành và đi ra các tỉnh thành nên tội phạm lợi dụng hoạt động, nếu bị phát hiện chúng dễ tẩu thoát.

Đầu những năm 2000, khu vực này thường xuyên xảy ra các vụ móc túi, cướp tài sản. Kim tiêm đã dùng vứt vương vãi khắp nơi. Có ngày, các công nhân vệ sinh gom được cả bịch lớn kim tiêm đã qua sử dụng.

Nhiều người đi đường qua khu vực này bị cướp giật dây chuyền, túi xách, điện thoại… Có người bị mất tài sản còn bị té xe ngã gãy chân tay, người trầy xước. "Tôi muốn giúp họ đòi lại công bằng”, ông Lũy quả quyết.

Năm 2007, kinh tế gia đình khá hơn, ông đi làm hiệp sĩ đường phố chuyên bắt cướp, bắt trộm. Hằng ngày, sau khi làm xong việc gia đình, ông chạy xe khắp các ngả đường “đánh hơi” kẻ phạm tội, khi thấy chúng ra tay, ông giữ lại rồi giao cho công an xử lý.

Năm 2009, với những đóng góp trong việc bắt trộm, bắt cướp ở địa phương, ông Lũy được mời làm Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố khu phố 2 của phường. Nhận thấy việc này có ích, ông đồng ý.

Ông Lũy đóng giả là xe ôm để theo dõi hoạt động, lấy thông tin của những người phạm tội.

Ông Lũy đóng giả là xe ôm để theo dõi hoạt động, lấy thông tin của những người phạm tội.

Hơn 11 năm qua, 5h sáng mỗi ngày, ông Lũy mặc quần áo thường, đeo khẩu trang chạy xe đi khắp các ngả đường theo dõi hoạt động của những kẻ phạm tội. Đi đến đâu, ông đưa số điện thoại của mình cho người dân, dặn họ, khi có kẻ tình nghi thì gọi báo. “Ngày nào tôi cũng chạy hết 2 lít xăng mới về” người đàn ông quê gốc Sài Gòn nói.

Có hôm, ông đóng giả là xe ôm, "đóng đô" ở chợ đầu mối, cầu vượt Bình Phước... theo dõi hoạt động của kẻ phạm tội.

Với sự kiên trì “nằm vùng” cùng tin báo của người dân, hơn 11 năm qua ông Lũy bắt được hơn 1.000 đối tượng phạm tội về buôn bán, sử dụng ma túy, mua bán xe gian, bằng đại học giả, cướp giật tài sản. Riêng từ đầu năm đến nay, ông bắt được 11 vụ buôn bán ma túy, với 50 đối tượng phạm tội.

Cũng vì mê bắt tội phạm mà ba năm trước, ông Lũy suýt bị mất mạng. Đó là lần ông chạy xe tốc độ cao đuổi theo hai tên tội phạm. Đang chạy trên đường, ông bị tên khác chạy đến đạp xe. Ông ngã nhào, ôm đầu lăn mấy chục vòng trên đường, toàn thân trầy trụa.

Về nhà, ông gọi tâm sự với con gái mà ứa nước mắt vì cảm thấy cô đơn. "Con bé hỏi ba cần con đến không, tôi gạt đi, tự mua thuốc, dụng cụ y tế về rửa vết thương. Lần đó, tôi phải nằm nhà đúng 10 ngày. Sang ngày thứ 11, vết thương chưa lành, tôi xỏ giày, khoác áo, lấy xe chạy ra đường vì quá nhớ nghề", ông Lũy kể.

Ông Lũy cho biết, hiện sức khỏe ông không còn được như trước, nhưng niềm đam mê bắt tội phạm, bảo vệ bình yên cho người dân trong ông vẫn còn vẹn nguyên. "Ngày nào, tôi không chạy xe ra đường là khó chịu. Tôi chỉ sợ, việc mình đang làm ảnh hưởng đến người thân", ông Lũy nói.

Trung tá Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng Công an phường Hiệp Bình Phước cho biết, ông Lũy là Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố của phường từ năm 2009 đến nay. Hơn 11 năm qua, ông Lũy đã góp công rất lớn trong việc cùng lực lượng công an truy bắt tội phạm. "Những năm qua, anh ấy liên tục nhận bằng khen về việc theo dõi, bắt quả tang những đối tượng phạm tội, giúp địa bàn phường yên bình hơn", ông Hải nói.

Tú Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/nguoi-dan-ong-sai-gon-hon-11-nam-bat-cuop-665837.html