Người đàn ông tật nguyền biến gạo thành sản phẩm nghệ thuật khiến nhiều người mê

Dù thân thể không bình thường như bao người nhưng với sự kiên trì và năng khiếu nghệ thuật, anh Lê Trường Giang (SN 1980), trú thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã biến những hạt gạo vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật.

Gặp bi kịch từ thuở thiếu thời nhưng không gục ngã

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ giữa làng, rót ly nước mời khách rồi anh kể về cuộc đời mình. Chuyện bắt đầu từ năm anh lên 9 tuổi, không may trong lúc chăn trâu, anh bị mìn sót lại sau chiến tranh gây thương tích nghiêm trọng cho cơ thể. Khi đó, không mấy ai tin anh Giang có thể còn sống được.

Anh Lê Trường Giang tỉ mẩn biến những hạt gạo thành tranh.

Anh Lê Trường Giang tỉ mẩn biến những hạt gạo thành tranh.

Rồi sau thời gian dài chạy chữa, anh giữ lại được mạng sống nhưng thân thể thì chi chít những vết sẹo. Anh Giang gần như liệt toàn thân, ngoài đôi tay yếu ớt vẫn có thể cử động được thì thân thể anh gần như cứng đờ, bất động. Sau thời gian dài kiên trì tập luyện, việc di chuyển của anh dần được cải thiện.

Sinh ra ở miền quê, trong gia đình chẳng có gì là khấm khá. Ba mẹ anh dựa vào vài sào ruộng cùng mảnh vườn để nuôi 3 anh em khôn lớn. Anh Giang thân thể yếu, bệnh tật quanh năm nên chẳng thể làm việc gì quá nặng nhọc. Để phụ ba mẹ làm việc nhà, chăn trâu cũng không phải là dễ đối với anh, bởi sức khỏe yếu và hoạt động chân tay rất bất tiện.

Nhìn ba mẹ ngày càng già, tóc càng bạc, lưng lại thêm còng, anh Giang không muốn mình mãi sống dựa vào người thân. Anh tự nhủ phải cố gắng làm được việc gì có ý nghĩa để bản thân "tàn nhưng không phế".

Anh Giang từng tự mày mò để đục, đẽo những khối gỗ, đá thô ráp thành các tác phẩm.

Anh Giang từng tự mày mò để đục, đẽo những khối gỗ, đá thô ráp thành các tác phẩm.

Nghĩ là làm, anh tìm kiếm thông tin trên ti vi, sách, báo để xem có việc gì phù hợp với bản thân. Lựa chọn đầu tiên của anh là học tạc tượng. Anh Giang nhờ người thân lên núi tìm lấy loại đá phù hợp mang về nhà rồi tự mày mò đục, đẽo. Những ngày đầu chưa quen, đôi tay anh nổi bao nhiêu vết phồng rộp. Dần dần quen tay, từ những tảng đá thô ráp, xù xì, anh đã tạc nên những bức tượng đủ hình dáng, kích cỡ. Được nhiều người khen dù khiếm khuyết tật nhưng có đôi bàn tay khéo léo, anh càng có động lực hơn.

Nhưng do thương tật ở lưng, anh chẳng thể ngồi, chẳng thể cúi được nên việc đục đẽo với anh rất khó khăn và tốn sức. Vậy là sau thời gian dài làm công việc chạm khắc đá, sức khỏe của anh giảm sút đi nhiều. Anh Giang phải bỏ công chạm khắc đá trong bao nuối tiếc.

Không chấp nhận dừng lại, anh lại mày mò học làm gốm rồi học làm tranh bằng bẹ chuối. Nhưng những khó khăn trong kỹ thuật, thu thập nguyên liệu và công sức phải bỏ ra khiến anh đành tìm hướng đi khác.

Làm bạn với hạt gạo đa sắc

Biết đến nghề làm tranh từ gạo, anh đánh liều đi vào tận Kon Tum để học nghề. Sau thời gian ngắn tìm hiểu, anh trở về quê và say sưa cùng những hạt gạo. Với sự thông minh và có "hoa tay" những bức tranh từ gạo của anh dần thành hình.

Để làm được những bức tranh từ gạo cần sự tỉ mỉ, thời gian và nhiều kinh nghiệm.

Để làm được những bức tranh từ gạo cần sự tỉ mỉ, thời gian và nhiều kinh nghiệm.

Chia sẻ về việc làm tranh từ gạo, anh Giang cho biết, để làm ra một bức tranh gạo, người họa sĩ phải trải qua nhiều công đoạn như chuẩn bị gạo, lên ý tưởng, phác thảo và xếp gạo.

"Làm tranh gạo bắt buộc người họa sĩ phải là người tỉ mỉ, cẩn thận và có tính kiên trì. Làm tranh gạo này cũng giúp mình rất nhiều trong việc rèn luyện tâm trí, luyện cho cái tâm của mình được tịnh, nhờ đó mà cuộc sống của mình cũng ngày càng thoải mái hơn", anh Giang tâm sự.

Chọn được loại gạo ưng ý, anh Giang rang gạo để có được nhiều màu sắc khác nhau theo từng độ lửa. Sau đó anh vẽ lại trên giấy cứng hoặc ván ép rồi chọn màu gạo và gắp từng hạt gạo lên bức vẽ đã được phết keo sữa, cuối cùng là phun sơn PU để bảo quản tranh tốt hơn. Nghe thì dễ nhưng anh Giang cho biết, người làm cần nhiều lắm sự tỉ mẩn, kỳ công và kinh nghiệm.

Anh Giang bên một tác phẩm tranh được anh làm ra từ những hạt gạo.

Anh Giang bên một tác phẩm tranh được anh làm ra từ những hạt gạo.

Những sự nỗ lực của người đàn ông tật nguyền đã cho ra những tác phẩm nghệ thuật từ hạt gạo vô hồn. Tranh của anh được nhiều người ưa thích và đánh giá cao. Từ việc chứng minh bản thân có thể làm được điều ý nghĩa anh đã có thêm thu nhập để phụ giúp gia đình.

"Làm tranh gạo phải tỉ mỉ từng hạt nên rất mất thời gian. Chẳng hạn bức tranh khổ 20 x 23 anh phải mất hơn 2 ngày để hoàn thiện. Để bán tranh mình làm rồi đăng lên mạng xã hội hoặc có người biết thì họ liên hệ để đặt làm. Giá tùy khổ tranh và độ khó thì dao động từ vài trăm đến cả triệu đồng một bức", anh Giang cho biết.

Với khiếu hội họa, anh vẽ nhiều bức tranh trên giấy, vải khổ lớn.

Với khiếu hội họa, anh vẽ nhiều bức tranh trên giấy, vải khổ lớn.

Sau thời gian dài gắn bó với việc làm tranh từ gạo, đến nay anh đã bán được khoảng hơn 500 bức tranh gạo. Dù đã có người mua tranh nhưng đầu ra sản phẩm còn khá bấp bệnh nên anh luôn mong có đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình. Rồi anh ước mơ xa hơn là từ việc tự giúp bản thân, ngày nào đó anh sẽ hỗ trợ, dạy nghề cho nhiều người cùng hoàn cảnh để họ có thêm thu nhập và cuộc sống thêm ý nghĩa.

Hùng Trần

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nguoi-dan-ong-tat-nguyen-bien-gao-thanh-san-pham-nghe-thuat-khien-nhieu-nguoi-me-172221130225528585.htm