Người dân Pháp vẫn biểu tình bất chấp lệnh cấm

Khoảng 2.000 người đã tham gia cuộc biểu tình ở trung tâm Paris vào thứ Bảy (8/7) bất chấp lệnh cấm của tòa án, nhằm tưởng nhớ về vụ một thanh niên da màu đã tử vong khi bị cảnh sát giam giữ.

Bảy năm sau cái chết của Adama Traore, chị gái anh đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc diễu hành kỷ niệm hàng năm ở Persan và Beaumont-sur-Oise, phía bắc của thủ đô Paris.

 Assa Traore, chị gái của Adama Traore, nói trong cuộc biểu tình ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP

Assa Traore, chị gái của Adama Traore, nói trong cuộc biểu tình ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP

Nhưng một tòa án đã ra phán quyết cấm cuộc biểu tình do lo ngại tình trạng bất ổn lại tái diễn. Trong một video được đăng trên Twitter, Assa Traore, chị gái của Adama, đã lên án quyết định này.

"Chính phủ đã quyết định đổ thêm dầu vào lửa không tôn trọng cái chết của em trai tôi", cô nói.

Cô đã tham dự một cuộc biểu tình ở Place de la Republique ở trung tâm Paris để nói với "cả thế giới rằng những người đã khuất vẫn có quyền tồn tại".

"Chúng tôi đang tuần hành để tố cáo nạn bạo lực của cảnh sát", cô nói tại cuộc biểu tình. Một số nhà lập pháp cũng đã tham gia cuộc tuần hành.

Cảnh sát cho biết cuộc biểu tình ở Paris cũng đã bị cấm vì lý do có khả năng gây rối trật tự công cộng và Assa Traore đã bị kiện vì tổ chức cuộc tuần hành này.

Youssouf Traore, một người anh em khác của Assa Tarore, đã bị bắt và tạm giam vì nghi ngờ có hành vi bạo lực chống lại một người thi hành công vụ. "Cuộc tuần hành đã diễn ra một cách hòa bình, đó là một thành công, chúng tôi không hiểu việc tại sao Youssouf lại bị bắt", Assa Traore nói.

Ông Jean-Luc Melenchon, người đứng đầu của đảng cánh tả cực đoan France Unbowed, đã chỉ trích chính phủ trên Twitter. "Từ cấm đoán đến đàn áp... các nhà lãnh đạo đang đưa nước Pháp đến một chế độ nguy hiểm", ông viết trên Twitter.

Nhiều người tại cuộc biểu tình đã hét lên "Công lý cho Nahel" trước khi giải tán trong hòa bình vào buổi chiều.

Khoảng 30 cuộc biểu tình phản đối bạo lực của cảnh sát cũng diễn ra trên khắp nước Pháp, bao gồm cả ở thành phố cảng Marseille phía nam và Strasbourg ở phía đông. Các nhà chức trách ở Lille đã cấm người dân tụ tập.

Một số công đoàn, đảng chính trị và hiệp hội đã kêu gọi những người ủng hộ tham gia tuần hành vì Traore. Nước Pháp vẫn đang rơi vào khủng hoảng sau khi một thanh niên 17 tuổi có tên Nahel bị cảnh sát bắn chết.

Traore, 24 tuổi, đã chết ngay sau khi bị bắt vào năm 2016. Tại thời điểm đó, vụ việc đã gây ra nhiều đêm biểu tình bạo lực.

Cái chết của Nahel vào ngày 27/6 đã khơi lại những cáo buộc lâu nay về phân biệt chủng tộc có hệ thống bên trong các lực lượng an ninh của Pháp.

Theo số liệu chính thức, hơn 3.700 người đã bị cảnh sát giam giữ vì liên quan đến các cuộc biểu tình kể từ cái chết của Nahel, trong đó có ít nhất 1.160 trẻ vị thành niên.

Hoàng Nam (theo AFP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-dan-phap-van-bieu-tinh-bat-chap-lenh-cam-post255457.html