Sau thời khắc Giao thừa, người dân Thủ đô cùng nhau tới chùa đầu năm thắp hương lễ Phật, cầu chúc cho quốc thái dân an, gia đình, người thân một năm mới nhiều hạnh phúc, bình an. Ảnh: Người dân đến chùa Trấn Quốc sau thời khắc giao thừa.
Chùa Trấn Quốc mở cửa chào đón người dân đến lễ bái...
...người dân đến chùa đều giữ khoảng cách, đảm bảo điều kiện 5K.
Do tối 29 Tết thời tiết giá rét khi nhiệt độ xuống dưới 11 độ C, cộng thêm điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên lượng người đến chùa Trấn Quốc lễ sau Giao thừa có phần giảm bớt so với mọi năm.
Lượng người đến chùa Quán Sứ cũng giảm bớt hẳn so với mọi năm...
Các gia đình đi theo từng tốp, đeo khẩu trang và đảm bảo các điều kiện an toàn theo sự hướng dẫn của lực lượng chức năng sở tại.
Bà Phạm Thị Nhuận (phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Đây là hoạt động thường niên của gia đình cứ sau thời khắc giao thừa. Việc làm này giúp chúng tôi được tĩnh tâm, cầu mong cho quốc thái dân an, gia đình bình an, con cháu mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn".
Theo chị Vũ Thị Yến (Hoàng Mai, Hà Nội), việc đi chùa của gia đình chị nằm trong chuỗi hoạt động trong đêm giao thừa như đi vãn cảnh, du xuân...cầu mong sự may mắn cho năm mới.
"Tôi mong muốn năm mới đại dịch Covid-19 sớm qua đi, hy vọng các thành viên trong gia đình trong năm mới mạnh khỏe, con cháu chúng tôi sớm được đến trường...", chị Yến chia sẻ.
Người Việt tin rằng đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những ngày tháng vất vả mưu sinh, để tĩnh tâm, an yên...
Dâng nén tâm hương cầu nguyện an lành đầu năm Nhâm Dần 2022.
Các gia đình hóa vàng sau khi dâng hương tại chùa.
Tại một số điểm như Đền Quán Thánh đã phải đóng cửa do dịch Covid-19, nhiều người đã chọn cách vái vọng từ bên ngoài,...để cầu mong những điều may mắn trong năm mới Nhâm Dần 2022./.
Văn Ngân/VOV.VN