Người dân yên tâm khi có trạm y tế lưu động

Sự ra đời của Trạm y tế lưu động Đông Hà ngay sau khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Mô hình này đã giúp người dân thành phố cảm thấy yên tâm hơn vì dịch vụ y tế không bị đứt gãy khi rơi vào hoàn cảnh đau ốm nhưng sống trong khu vực phong tỏa, cách ly vì COVID-19.

 Nhân viên Trạm Y tế lưu động TP. Đông Hà khám sàng lọc cho người dân trước khi tiêm phòng COVID-19 - Ảnh: M.L

Nhân viên Trạm Y tế lưu động TP. Đông Hà khám sàng lọc cho người dân trước khi tiêm phòng COVID-19 - Ảnh: M.L

Trạm Y tế lưu động thành phố Đông Hà bắt đầu hoạt động từ ngày 19/9/2021 với 5 thành viên, trong đó có 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 y sĩ. Trạm được đặt tại hội trường Nhà văn hóa Khu phố 6, Phường 1 với ekip trực luôn sẵn sàng lên đường 24/7 đến các điểm cần trợ giúp về y tế bất kể ngày hay đêm.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mô hình trạm y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống COVID - 19 tại cộng đồng, kết nối, chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời. Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các trường hợp bệnh thông thường cho người dân địa phương. Theo đó, thành viên trạm y tế lưu động có nhiệm vụ quản lý, xét nghiệm COVID - 19, tiêm chủng vắc xin phòng chống COVID - 19, khám, điều trị, cấp thuốc cho các trường hợp mắc bệnh khác.

Thời điểm thành phố Đông Hà thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngay 16/9-6/10/2021, các khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn tăng từng ngày nên công việc của đội ngũ nhân viên y tế lưu động lúc bấy giờ tương đối áp lực vì số lượng người dân gọi điện thoại đến tư vấn sức khỏe, khám bệnh tương đối đông, trong đó chủ yếu là các trường hợp đau ốm khẩn cấp vào ban đêm. Trạm y tế lưu động thực hiện khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác để bảo đảm người dân trong vùng dịch vẫn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản kịp thời nhất, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Những trường hợp này sẽ được xử lý kịp thời, giữ an toàn ban đầu cho người bệnh, trường hợp nặng thì trạm y tế lưu động thực hiện chuyển viện đến Trung tâm Y tế Đông Hà hoặc Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ông T.T.H. ở Khu phố 8, Phường 5 nhớ lại: “Thời điểm Kiệt 15, đường Chu Mạnh Trinh bị phong tỏa do có ca dương tính cộng đồng thì căn bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng tái phát khiến tôi rất đau và đi lại khó khăn. Tôi đã tự ý lấy thuốc giảm đau uống, vài ngày sau thì đau bụng và nôn ra máu. Gia đình rất hoảng sợ, rất may là sau đó có đội ngũ nhân viên y tế của Trạm Y tế lưu động TP. Đông Hà đến kịp thời để khám và tư vấn. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị xuất huyết tiêu hóa nên lập tức bố trí xe cứu thương chở tôi vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau đó sức khỏe của tôi nhanh chóng được bình phục. Tôi rất biết ơn đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc cho người bệnh tại nhà trong thời gian thành phố xảy ra dịch bệnh như thế này”.

Theo bác sĩ Phạm Việt Thành, Trưởng Trạm Y tế lưu động TP. Đông Hà, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Đông Hà cơ bản nằm trong tầm kiểm soát nên trạm chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tư vấn, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe các bệnh thông thường tại nhà cho người dân sống trong khu vực cách ly, phong tỏa chứ chưa thực hiện nhiệm vụ theo dõi, điều trị người nhiễm COVID tại nhà và cộng đồng như các tỉnh thành phía Nam. Tuy nhiên, thông qua hoạt động chăm sóc y tế lưu động trong cộng đồng dân cư, đội ngũ nhân viên y tế của trạm có thêm kinh nghiệm, tích lũy kiến thức thực tế để chuẩn bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong số trên 100 ca bệnh mà Trạm Y tế lưu động TP. Đông Hà tiếp nhận tư vấn và trực tiếp đến khám, điều trị trong thời gian qua chủ yếu là các loại bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, hen phế quản, hội chứng rối loạn tiền đình… Tuy nhiên, do bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế nên tâm lý khi có bệnh mà không được phép ra ngoài chữa trị thì rất lo lắng, hoảng sợ. Vì thế, khi tiếp nhận thông tin ca bệnh, kíp trực của trạm luôn cố gắng có mặt kịp thời nhất để khám, tư vấn điều trị bệnh, ổn định tinh thần cho bệnh nhân và người thân trong gia đình. Với những trường hợp bệnh nhẹ, nhân viên y tế lưu động khám, tư vấn và cấp thuốc điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp nặng phải thực hiện thủ tục chuyển viện gấp để đảm bảo sức khỏe của người dân. Sự có mặt kịp thời của nhân viên y tế tại nhà khi đau ốm nhưng phải sống trong môi trường hạn chế tiếp xúc luôn mang đến niềm vui, sự yên tâm, nhất là đối với người bệnh lớn mắc bệnh mãn tính và gia đình họ. Nhưng cũng có trường hợp khiến chúng tôi chạnh lòng là khi thấy nhân viên y tế đến nhà khám bệnh trong bộ đồ bảo hộ phòng chống COVID-19 thì người thân bệnh nhân đổi ý, không cho vào nhà thăm khám vì lo sợ chúng tôi mang mầm bệnh đến cho gia đình…”, bác sĩ Thành chia sẻ.

Thời điểm này, các khu phong tỏa, cách ly trên địa bàn thành phố đang giảm dần nên số lượng ca bệnh gọi đường dây nóng yêu cầu chăm sóc y tế tại nhà mà đơn vị này tiếp nhận giảm đáng kể. Tuy nhiên, trạm y tế lưu động vẫn được duy trì để thực hiện nhiệm vụ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đồng thời sẵn sàng 24/7 để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=161751&title=nguoi-dan-yen-tam-khi-co-tram-y-te-luu-dong