Người đăng ký trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh
Trong năm 2023, ở Nghệ An có 23.149 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp khó khăn, giải thể, phá sản…
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, năm 2023, số lượng người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao. Kể từ khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện, đây là năm tại địa phương này, số lượng người hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất.
Cũng trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An tiếp nhận 23.149 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó có 1.470 bộ hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia được giải quyết, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, trong số này, lao động làm việc ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 10.910 người, tăng 37,9% so với năm 2022 (7.910 người). Điều đó cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Nghệ An làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng cho 22.499 người, với tổng số tiền là hơn 403 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2022. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là gần 3,3 triệu đồng/tháng; số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 5,15 tháng. Trong đó, lao động nam là 8.503 người, chiếm tỷ lệ 37,79%; lao động nữ là 13.996 người, chiếm tỷ lệ 62,21%.
Trong tổng số lao động nam, nữ đó, lao động dưới 24 tuổi là 2.492 người, chiếm tỉ lệ 11,1%. Số lao động từ 25 tuổi đến 40 tuổi là 15.730 người, chiếm tỉ lệ 69,9% và lao động từ 40 tuổi trở lên là 4.277 người, chiếm tỉ lệ 19%.
Riêng lao động từ địa phương khác chuyển về là 11.792 người, chiếm tỉ lệ 52%.
Trong năm 2023, số lượng người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Nghệ An tăng cao nhất so với 15 năm qua, kể từ khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện...
Ông Lê Hải Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An
Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong tỉnh không ký được đơn đặt hàng mới. Cùng với đó các mặt hàng sản xuất ra không nhập khẩu được. Phần lớn lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là lao động phổ thông, từng làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử… Trong bối cảnh phải chịu áp lực chi phí sản xuất do giá xăng dầu biến động, thiếu đơn hàng do tình hình châu Âu bất ổn...các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, dẫn đến nhiều lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Tình trạng này dẫn đến việc nhiều công ty nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và phải cho người lao động nghỉ việc.