Người đi bộ bất chấp nguy hiểm, sang đường tùy tiện

Trên nhiều tuyến đường của Hà Nội, thường xuyên bắt gặp hình ảnh người đi bộ luồn lách giữa dòng phương tiện để sang đường, bất chấp nguy hiểm.

Trong khi đó, một số nơi đã xây dựng cầu vượt, vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, hầm bộ hành, nhưng vì thói quen cũng như sự thiếu ý thức của không ít người tham gia giao thông nên vẫn còn tình trạng sang đường tùy tiện.

 Người đi bộ sang đường giữa dòng xe cộ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Người đi bộ sang đường giữa dòng xe cộ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên đường Đại Cồ Việt (Hà Nội) vào cuối giờ chiều có rất nhiều phương tiện lưu thông với mật độ dày đặc, tuy vậy, không ít người đi bộ vẫn liều lĩnh băng qua đường. Đáng chú ý, nhiều người không sử dụng cầu vượt cho người đi bộ dù cây cầu chỉ cách vài bước chân.

Hà Nội đã cho xây dựng nhiều cầu vượt và hầm bộ hành nhằm bảo đảm tốt hơn an toàn giao thông và hạn chế ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm tại một số tuyến đường chính. Tuy nhiên, có những người đi bộ cho rằng bất tiện khi đi qua cầu, hầm, phớt lờ an toàn của bản thân.

Anh Nguyễn Hoàng Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) sinh sống gần đường Đại Cồ Việt thường xuyên chứng kiến người dân đi qua đường thay vì sử dụng cầu đi bộ. Theo anh Nguyễn Hoàng Anh, một số người ngụy biện vì muốn tiết kiệm thời gian, có việc gấp nên vẫn băng qua đường, không để ý đến nguy cơ tai nạn.

Khu vực đường Vành đai 3, đoạn qua các tuyến đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển là nơi tập trung nhiều hầm bộ hành tại Hà Nội. Đa số các hầm đều được xây dựng kiên cố, sạch sẽ, có hệ thống chiếu sáng. Song, có nơi hầm bộ hành rơi vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu, thậm chí bị bỏ quên.

Chị Nguyễn Thanh Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hằng ngày đều phải băng qua đường để đến trạm xe buýt, rất ít khi chị sử dụng hầm dành cho người đi bộ. Theo chị Hương, do hầm vắng, ít người đi lại nên chị có cảm giác bất an mỗi khi lưu thông qua đây. Đôi khi quán trà đá chiếm dụng khu vực vỉa hè phía trước cửa hầm gây cản trở cho người đi bộ.

Anh Nguyễn Văn Mạnh (Hoàng Mai, Hà Nội), làm nghề vận chuyển hành khách bằng xe máy, thường xuyên chở khách dọc tuyến đường Vành đai 3 chia sẻ, có lúc gặp người đi bộ đột ngột sang đường khiến anh rất khó khăn để tránh né, nguy cơ cao xảy ra va chạm. Thực tế, anh Mạnh đã chứng kiến một vài trường hợp người dân bị tai nạn giao thông khi băng qua đường, dẫn đến chấn thương.

Sử dụng các công trình dành riêng cho người đi bộ như cầu vượt, hầm bộ hành... là xu hướng tất yếu để xây dựng môi trường giao thông văn minh, an toàn. Muốn khai thác hiệu quả các công trình này cũng như bảo đảm tốt hơn an toàn cho người đi bộ, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, nâng cao ý thức, văn hóa tham gia giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch các điểm cầu vượt và hầm bộ hành một cách hợp lý, lắp đặt thêm hệ thống chỉ dẫn, bảo đảm an ninh, đèn chiếu sáng đồng bộ để người dân an tâm sử dụng khi tham gia giao thông.

Bài và ảnh: NGỌC TÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/tin-tuc/nguoi-di-bo-bat-chap-nguy-hiem-sang-duong-tuy-tien-721447