Người đưa Han Kang ra thế giới: 'Vegetarian' từng bị từ chối quá nhiều

Trả lời Tri Thức - Znews, ông Joseph Lee cho biết dù đã bị nhiều nhà xuất bản quốc tế từ chối, ông vẫn tin vào giá trị mà Han Kang tạo ra và quyết tâm đưa văn chương của bà ra thế giới.

 Tác giả Han Kang. Ảnh: Japan Times.

Tác giả Han Kang. Ảnh: Japan Times.

Từ năm 2007, ông Joseph Lee đã bắt đầu cố gắng giới thiệu những tác phẩm của Han Kang tới các nhà xuất bản trên thế giới. Tuy nhiên, đó không phải là một hành trình dễ dàng. Đã có rất nhiều đơn vị làm sách ở Mỹ, Anh từ chối tác phẩm Người ăn chay của bà. Nhưng ông Lee vẫn chưa bao giờ ngừng tin tưởng vào những giá trị mà Han Kang viết trong cuốn sách này.

“Khi nhìn lại hành trình đó tôi hiểu ra rằng mọi giấc mơ đều có thể trở thành sự thật, chỉ cần ta không từ bỏ nó”, ông Joseph Lee tâm sự.

Joseph Lee là Chủ tịch công ty KL Management, một đơn vị chuyên giao dịch bản quyền sách văn học có trụ sở tại Hàn Quốc. Từ năm 2007 đến 2017, ông Jospeh Lee đã làm việc với các nhà xuất bản quốc để giới thiệu những cuốn sách của tác giả Han Kang.

Niềm tin vào một tác phẩm chất lượng

Đối với ông Joseph Lee, tác phẩm Người ăn chay là cây cầu đưa ông tới thế giới văn chương cuốn hút và độc đáo của Han Kang. Ngay sau lần đọc đầu tiên, ông quyết tâm đưa cuốn sách này đến những nền xuất bản lớn trên thế giới. Khi nghe được đề xuất từ phía ông Lee, nhà văn Han Kang đã đồng ý. Từ đó, một hành trình mới mở ra.

Ông Joseph Lee bắt đầu tiếp cận với một số đơn vị xuất bản tại Mỹ và Anh. Tuy nhiên, việc thuyết phục các nhà xuất bản này không hề dễ dàng. Họ cho rằng cuốn sách Người ăn chay quá "nặng nề" và khó đọc, nó không không phù hợp với độc giả nước ngoài.

Dù vậy, Joseph Lee vẫn kiên định với niềm tin rằng những ý tưởng và cái nhìn độc đáo của Han Kang về con người và thế giới có giá trị phổ quát.

 Cuốn sách Người ăn chay bản tiếng Anh. Ảnh: Lê Khải Việt.

Cuốn sách Người ăn chay bản tiếng Anh. Ảnh: Lê Khải Việt.

Sau bảy năm kiên trì giới thiệu, cuối cùng tác phẩm đã được Granta Books, một nhà xuất bản tại Anh, chấp nhận. Biên tập viên Max Porter của Granta Books đặc biệt ấn tượng với Người ăn chay và gọi nó là "một kiệt tác". Điều này không chỉ giúp cuốn sách được xuất bản, mà đơn vị Granta Books còn quyết định mua bản quyền tác phẩm tiếp theo của Han Kang, Bản chất của người, ngay cả khi Người ăn chay chưa chính thức ra mắt tại Anh. Đây là một quyết định hiếm hoi, cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với văn chương của Han Kang.

“Đã có nhiều sự từ chối đến mức tôi không thể nhớ hết được. Nhưng tôi luôn tin rằng mình sẽ thành công trong việc đưa tác phẩm của Han Kang đến với thế giới và niềm tin đó đã trở thành động lực giúp tôi không bỏ cuộc trong suốt cả thập kỷ”, ông Joseph Lee cho biết.

Nhiều năm sau, tại thị trường quốc tế, Bản chất của người và Người ăn chay đã thu hút sự chú ý của giới phê bình văn học. Riêng tác phẩm Người ăn chay được đề cử trong nhiều giải thưởng văn học quốc tế. Các tờ báo lớn như The GuardianNew York Times đều đánh giá cao tác phẩm, điều này góp phần lan tỏa tên tuổi của Han Kang tại thị trường các nước nói tiếng Anh.

Trái ngọt của văn học Hàn Quốc

Sự kiện tác giả Han Kang được công nhận là chủ nhân giải Nobel Văn học năm 2024 là một cột mốc quan trọng. Nó không chỉ có ý nghĩa đối với nữ văn sĩ mà còn với ông Joseph Lee, người đã kiên trì đưa văn học Hàn Quốc ra thế giới trong suốt hai thập kỷ.

Khi bắt đầu hành trình này vào năm 2004, văn học Hàn Quốc gần như không nhận được sự chú ý từ các nhà xuất bản nước ngoài. Tuy nhiên, ông Lee hiểu rằng nếu tìm được những tác phẩm có giá trị, chắc chắn mọi người sẽ nhìn văn học xứ sở kim chi bằng một con mắt khác. Ông Lee cũng lường trước rằng quá trình này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.

 Ông Joseph Lee, người giới thiệu tác phẩm của Han Kang ra quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Joseph Lee, người giới thiệu tác phẩm của Han Kang ra quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Những tia hy vọng đầu tiên xuất hiện khi tác phẩm I Have the Right to Destroy Myself của Kim Young-ha được thành công ra mắt tại thị trường Mỹ vào năm 2005. Tiếp đó là thành công của Hãy chăm sóc mẹ (Shin Kyung-sook) trở thành best-seller trên New York Times năm 2011 và đoạt giải Man Asian Literary Prize năm 2012.

Đỉnh cao đến vào năm 2016 khi Người ăn chay của Han Kang giành giải Man Booker International. Và cuối cùng, vào năm 2024, Han Kang đã vinh dự nhận giải Nobel Văn học, đánh dấu một bước ngoặt không chỉ cho nữ nhà văn mà còn cho nền văn học Hàn Quốc.

Từ góc độ cá nhân, ông Lee cho rằng tác phẩm của nhà văn Han Kang đã đem tới thông điệp về những đấu tranh và sự phản kháng cá nhân trước cái ác và bạo lực trong xã hội. Chính sự "thăng hoa nghệ thuật" này, cùng khả năng tạo ra sự đồng cảm sâu sắc với độc giả trên toàn thế giới, đã giúp Han Kang giành giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực văn học.

Giải Nobel Văn học của Han Kang không chỉ là vinh quang cá nhân mà còn mang lại một bước ngoặt quan trọng cho văn học Hàn Quốc. Theo ông Lee, giải thưởng này sẽ "mở ra cánh cửa" cho nhiều tác giả Hàn Quốc khác, thu hút sự chú ý của thế giới đến không chỉ văn chương mà còn cả văn hóa và con người Hàn Quốc. Thành công này là minh chứng cho niềm tin kiên định của Lee trong suốt hành trình dài và là minh họa rõ ràng cho câu nói: “Nếu bạn không từ bỏ, giấc mơ của bạn sẽ thành hiện thực.”

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/tac-pham-nguoi-an-chay-cua-han-kang-tung-bi-nhieu-noi-tu-choi-post1503875.html