Người đứng đầu quyết định hiệu quả cải cách hành chính

UBND tỉnh vừa ban hành quyết định quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong nêu gương; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp công tác CCHC để nâng cao chỉ số CCHC trong thời gian đến.

Đồng chí Trần Hữu Thế

Đồng chí Trần Hữu Thế

Trao đổi với Báo Phú Yên, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết:

- Đối tượng áp dụng quyết định này gồm người đứng đầu sở, ban ngành thuộc UBND tỉnh; chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; người được giao quyền phụ trách, điều hành sở, ban ngành thuộc UBND tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trong khi cơ quan, đơn vị, địa phương chưa có người đứng đầu; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

* Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương (gọi chung là người đứng đầu) trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC được quy định cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?

- Tại Điều 4 quy định trách nhiệm nêu gương. Theo đó, người đứng đầu có trách nhiệm gương mẫu nêu gương để cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý làm theo. Cụ thể, không vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính theo quy định của pháp luật; thực hiện các nhiệm vụ công tác của bản thân phụ trách đạt yêu cầu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; xử lý công việc của cơ quan trên môi trường điện tử (trừ các công việc thuộc bí mật Nhà nước); sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) của cơ quan và của cá nhân.

Ngoài ra, người đứng đầu các cơ quan của tỉnh còn có trách nhiệm nêu gương trong việc tổ chức thực hiện các nội dung công tác CCHC liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của cơ quan mình để UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh học tập kinh nghiệm, vận dụng làm theo; người đứng đầu UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh còn có trách nhiệm nêu gương làm tốt việc giải quyết hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện, thị xã, thành phố mình đúng hạn trên 95%; thực hiện đạt tỉ lệ hồ sơ TTHC trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan theo yêu cầu quy định để UBND xã, phường, thị trấn làm theo.

* Vậy còn trách nhiệm của người đứng đầu thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp công tác CCHC như thế nào, thưa đồng chí?

- Người đứng đầu có trách nhiệm triển khai toàn bộ các lĩnh vực công tác CCHC và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện công tác CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Theo đó, nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp thực hiện hàng năm để đưa vào kế hoạch công tác CCHC và kế hoạch khắc phục các hạn chế, khuyết điểm trong công tác CCHC của tỉnh đúng thời gian theo yêu cầu của UBND tỉnh hoặc theo đề nghị của Sở Nội vụ. Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị cơ sở trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mang tính chất thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả chung của công tác CCHC của tỉnh để kịp thời đề xuất, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh giải pháp hoặc điều chỉnh giải pháp thực hiện theo thẩm quyền, đảm bảo việc triển khai có chuyển biến tích cực trong thực tiễn.

Chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân được nâng lên phụ thuộc rất lớn vào sự điều hành của người đứng đầu. Trong ảnh: Bộ phận một cửa của UBND huyện Tuy An giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân. Ảnh: PHẠM THÙY

Chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân được nâng lên phụ thuộc rất lớn vào sự điều hành của người đứng đầu. Trong ảnh: Bộ phận một cửa của UBND huyện Tuy An giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân. Ảnh: PHẠM THÙY

Bên cạnh đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về chất lượng và tiến độ thực hiện đối với các nhiệm vụ, giải pháp có xác định sản phẩm đầu ra và tiến độ hoàn thành cụ thể. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả của các chỉ số thành phần trong các chỉ số PCI, PAPI, Par Index hàng năm của tỉnh do cơ quan phụ trách nếu kết quả điểm số của tỉnh đối với năm đánh giá đạt được thấp hơn điểm số trung bình cả nước hoặc thấp hơn điểm số năm trước liền kề năm đánh giá. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc cơ quan, đơn vị, địa phương mình thực hiện không đúng quy định đối với một hoặc một số nội dung công tác CCHC làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chấm điểm chỉ số Par Index hàng năm của tỉnh. Đồng thời chỉ đạo triển khai đầy đủ tất cả các nội dung công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình theo đúng quy định của Chính phủ, UBND tỉnh; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đạt kết quả chỉ số Par Index hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương mình từ loại khá trở lên và mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình đạt trên 90%.

Ngoài ra, người đứng đầu còn phải đề xuất, đăng ký triển khai, xây dựng các mô hình điểm, thí điểm trên các lĩnh vực công tác CCHC, nhất là các lĩnh vực cải cách TTHC, cải cách tài chính công và xây dựng chính quyền điện tử tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; tổ chức đánh giá hiệu quả mang lại sau thời gian thực hiện thí điểm để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

* Thưa đồng chí, việc xử lý các trường hợp vi phạm về trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC được quy định như thế nào?

- Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản phê bình người đứng đầu nếu bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ công tác CCHC. Những trường hợp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ công tác CCHC trong hai năm liên tiếp sẽ bị xem xét, điều chuyển, bố trí công tác khác theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý cán bộ.

Người đứng đầu đã bị Chủ tịch UBND tỉnh phê bình mà trong năm tiếp theo còn vi phạm thêm một trong những trường hợp sau đây sẽ bị xem xét, điều chuyển, bố trí công tác khác theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý cán bộ. Cụ thể là chỉ số thành phần về CCHC của tỉnh thuộc nhiệm vụ tham mưu chính của cơ quan, đơn vị trong 2 năm liên tiếp không đạt trong nhóm A hoặc nhóm B trong bảng phân nhóm của cả nước theo kết quả chỉ số Par Index do Bộ Nội vụ công bố hàng năm; không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định đối với các hành vi của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý vi phạm về ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ và thái độ phục vụ người dân, tổ chức của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý hoặc vi phạm quy định về xử lý vi phạm trong giải quyết hồ sơ, TTHC liên quan đến cá nhân, tổ chức, tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh hoặc các quy định pháp luật khác có liên quan.

Việc xem xét, xác định trách nhiệm của người đứng đầu phải căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đảm bảo khách quan, đúng người, đúng việc. Mọi vi phạm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC phải được phát hiện, xử lý kịp thời. Việc xem xét, xử lý vi phạm của người đứng đầu phải được tiến hành công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật. Kết quả chỉ đạo, điều hành công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương là một trong các căn cứ để đánh giá, phân loại, bình xét thi đua, khen thưởng cho tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương và người đứng đầu.

* Xin cảm ơn đồng chí!

PHẠM THÙY (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/405/274556/nguoi-dung-dau-quyet-dinh-hieu-qua-cai-cach-hanh-chinh.html