Người gác hầm

Tưởng chừng nghề gác hầm là công việc đơn giản, nhưng với anh Kiều Viết Sanh (53 tuổi, trú Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng), người công nhân đã dành 28 năm thanh xuân canh cho những chuyến tàu xuôi ngược trên cung đèo Hải Vân được an toàn thì đó chính là một câu chuyện dài...

Tưởng chừng nghề gác hầm là công việc đơn giản, nhưng với anh Kiều Viết Sanh (53 tuổi, trú Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng), người công nhân đã dành 28 năm thanh xuân canh cho những chuyến tàu xuôi ngược trên cung đèo Hải Vân được an toàn thì đó chính là một câu chuyện dài...

Anh Kiều Viết Sanh bên "người bạn thân" là chiếc radio cũ kỹ.

Anh Kiều Viết Sanh bên "người bạn thân" là chiếc radio cũ kỹ.

"Đại thụ" của Đội gác hầm

Chúng tôi gặp anh Sanh trong ngày đầu tiên của tiết trời lập đông, lúc anh đang đón chuyến tàu khách từ Bắc vào Nam tại cửa hầm số 12 trên đèo Hải Vân. Tháo vội áo mưa đã ướt sũng, anh rất ngạc nhiên bởi sự có mặt của chúng tôi bởi đã lâu lắm rồi anh mới thấy những vị khách lạ lên tận đây để thăm trạm gác tàu nhỏ này. Đưa chúng tôi vào chốt gác, pha vội chén trà ấm, anh chia sẻ, năm 25 tuổi, sau khi tốt nghiệp Trường Nghiệp vụ đường sắt Đà Nẵng, anh được cấp trên phân công làm công việc đại tu cầu đường tại Cung đường sắt Hải Vân. 5 năm sau, anh được chuyển về đội tuần, gác hầm và làm việc đến tận bây giờ. Hiện nay, anh Sanh là một trong số ít những người có tuổi đời lẫn tuổi nghề cao nhất còn gắn bó với nghề. Theo lý giải của anh, do đặc thù công việc thu nhập thấp, quanh năm phải sinh hoạt, làm việc trên vùng đèo núi hoang vắng, "chỉ biết làm bạn với nỗi buồn và sự cô đơn" nên không ít công nhân trẻ, sau khi vào nghề được một thời gian đã xin ra khỏi ngành. Theo anh Sanh, chỉ có những người thật sự kiên trì, dũng cảm và yêu nghề mới có thể gắn bó, cống hiến với công việc tưởng chừng như rất đơn giản ấy.

Hằng ngày, công việc của anh Sanh là canh gác và đón tiễn tàu đi ngang qua đường hầm số 12, thuộc lý trình Km 765+750. Ngoài ra, để đảm bảo cho những chuyến tàu xuôi ngược qua đây không gặp phải những sự cố bất ngờ, anh Sanh thường xuyên đi dọc tuyến đường sắt bắc qua căn hầm 12, kiểm tra tỉ mỉ từng thanh ray, quan sát từng cái ốc vít để thay mới hoặc siết lại khi có dấu hiệu không đảm bảo an toàn; phát hiện chướng ngại vật và kịp thời thông báo về trung tâm để xử lý khi có sự cố. Anh Sanh thổ lộ: "Nhìn vào thì không ít người nghĩ công việc của anh em chúng tôi đơn giản nhưng thực tế không phải vậy. Trên cung đèo hoang vắng này, người gác hầm phải đối diện với rất nhiều nguy hiểm như rắn cắn, trúng gió độc... Đặc biệt, trên đây sóng điện thoại rất chập chờn, nếu có việc gấp gáp hay đau ốm phải liện hệ về nhà, chúng tôi phải di chuyển ngược qua hầm 12 rồi tiến về Ga Hải Vân thì may ra mới có sóng để gọi về gia đình".

Gắn thanh xuân với những chuyến tàu

Với thâm niên 28 năm làm việc trên cung đường sắt Hải Vân, anh Sanh biết rất rõ về địa hình cũng như thông thuộc các con đường có thể di chuyển lên được đây. Theo anh Sanh, tuyến đường sắt Bắc- Nam đi qua đèo Hải Vân có tất cả 6 đường hầm và 18 cầu, được xây dựng trên lưng chừng các ngọn núi có độ dốc lớn, bên còn lại là những điểm vực sâu nguy hiểm. Chính bởi địa hình khó khăn, cách trở nên bất cứ một sự cố nào xảy ra trên tuyến đường sắt Hải Vân đều có thể để lại hậu quả nặng nề. Trong những năm làm việc, anh Sanh không thể quên kỷ niệm về cơn bão dữ Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006 đã làm đổ sập 3/4 căn hầm số 13. Lúc xảy ra sự cố, chính anh là người chứng kiến và cùng toàn bộ công nhân trên toàn tuyến đường sắt Hải Vân dầm mình trong mưa bão để xử lý sự cố. "Đến bữa ăn, tất cả anh em chúng tôi phải ăn vội cả mỳ tôm sống lót bụng, rồi tiếp tục gồng mình khơi thông miệng hầm để kịp tiến độ tàu chạy". Sau sự cố này, hầm số 13 nhanh chóng được nâng cấp, mở rộng thêm 52,5 mét, qua đó đã đảm bảo được chất lượng an toàn cho những chuyến tàu xuôi ngược.

 Cây cờ vàng trên tay anh Sanh có ý nghĩa "an toàn, thông suốt".

Cây cờ vàng trên tay anh Sanh có ý nghĩa "an toàn, thông suốt".

Yêu nghề, hết lòng vì công việc nhưng khi chia sẻ về gia đình, anh Sanh lại trăn trở, suy tư. Theo anh, do đặc thù công việc phải thường xuyên túc trực, gác tàu nên anh có rất ít thời gian ở bên chăm sóc cho vợ con. Hằng ngày, công việc lớn nhỏ trong gia đình đều do một tay người vợ vun vén, lo toan. Ngay cả những đêm giao thừa, khi mà hầu hết người người, nhà nhà đều quây quần bên nhau để chia sẻ niềm vui đầu năm mới, thì với anh, đã nhiều năm nay vẫn chưa có dịp cùng gia đình cảm nhận được hơi ấm trong thời khắc thiêng liêng ấy. "Buồn, nhớ vợ con lắm chứ. Nhưng với công việc đặc thù như thế thì ngày lễ, Tết cũng sẽ như một ngày bình thường, và dù thời điểm nào đi nữa, chúng tôi cũng phải làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, canh giữ cho những chuyến tàu xuôi ngược Bắc - Nam được an toàn, thông suốt".

Tuần, gác hầm là một công việc vất vả, đan xen với đó là sự nguy hiểm, là quanh năm đối diện với sự cô độc, buồn tẻ. Nhưng, khi tiếp xúc với anh Sanh, chúng tôi lại cảm nhận được sự lạc quan, yêu đời, sống có trách nhiệm, hết lòng với công việc. Với anh Sanh, đã chọn và gắn bó nghề công nhân đường sắt thì dù có khó khăn, vất vả đến nhường nào cũng phải nỗ lực, cố gắng vượt qua. Và đặc biệt, sống một lòng, thủy chung với nghề mình đã chọn là niềm vui của cả một đời...

Ngọc Quốc

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_218480_nguoi-gac-ham.aspx