Người giàu châu Á thận trọng bảo vệ tài sản khi rủi ro toàn cầu tăng

Ngân hàng Lombard Odier của Thụy Sĩ đã thực hiện nghiên cứu về các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao ở châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2022. Kết quả chỉ ra rằng những người sở hữu khối tài sản trên 1 triệu USD ở khu vực này đang xác định lại thị trường tư nhân để bảo vệ tài sản trong bối cảnh thị trường toàn cầu đầy biến động. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Ngân hàng Lombard Odier của Thụy Sĩ đã thực hiện nghiên cứu về các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao ở châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2022. Kết quả chỉ ra rằng những người sở hữu khối tài sản trên 1 triệu USD ở khu vực này đang xác định lại thị trường tư nhân để bảo vệ tài sản trong bối cảnh thị trường toàn cầu đầy biến động.

Giới phân tích cho biết những nhà giàu châu Á đang tránh đầu tư cổ phiếu và trái phiếu, thay vào đó, họ tập trung đầu tư vào các công ty tư nhân hoặc tích trữ các tài sản an toàn hơn - như vàng và tiền mặt. Đồng thời, nghiên cứu cho thấy những người này cũng tránh đầu tư tiền điện tử - loại tiền tệ đã được chứng minh là rất dễ “bay hơi”. Ông Vincent Magnenat, Giám đốc Ngân hàng Lombard Odier khu vực châu Á, bình luận: “Các nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương ngày càng thận trọng trong việc xây dựng các danh mục đầu tư. Họ có xu hướng chuyển sang tài sản cá nhân và tài sản thay thế an toàn hơn, đồng thời đa dạng hóa thị trường địa phương. Trong đó, tỷ lệ đầu tư tài sản kỹ thuật số vô cùng thấp”.

Pfizer nỗ lực mở rộng quyền tiếp cận thuốc Paxlovid tại những nước nghèo

Hãng dược phẩm Pfizer mới đây đã tặng 100 nghìn liệu trình thuốc kháng virus Paxlovid điều trị COVID-19 cho Hiệp hội Covid Treatment Quick Start (CTQTC) nhằm tăng khả năng tiếp cận thuốc tại những nước thu nhập thấp và trung bình.

CTQTC do Đại học Duke (Mỹ) và tổ chức Sáng kiến tiếp cận y tế Clinton thành lập với sự hỗ trợ của Công ty Dược phẩm Pfizer. Hiệp hội này cho biết đang làm việc với Bộ Y tế tại 10 nước để thiết lập chương trình xét nghiệm và điều trị quốc gia. Nhóm đã đặt mục tiêu giúp các bệnh nhân nguy cơ cao tại một số nước có thể bắt đầu chữa trị vào cuối tháng này.

Mặc dù thuốc Paxlovid phổ biến tại những nước giàu, song việc tiếp cận sản phẩm này lại rất hạn chế tại những nước nghèo hơn, qua đó phản ánh tình trạng bất bình đẳng trong công tác ứng phó với COVID-19 trên toàn cầu. Pfizer đã nhất trí với một số hãng dược phẩm nhằm sản xuất thuốc điều trị này ở mức giá thấp hơn cho những nước thu nhập thấp và trung bình. Các hãng này sẽ bán các phiên bản thuốc có giá cả phải chăng cho CTQTC, khi các sản phẩm này được phê duyệt, nhiều khả năng là trong những tháng tới.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ: Nga không là mối đe dọa lâu dài đối với Washington và thế giới

Trong một phát biểu mới đây, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl cho biết, Nga không gây rủi ro đối với Mỹ và trật tự quốc tế.

“Nga không đặt ra thách thức đối với Mỹ và trật tự quốc tế về lâu dài, nhưng trước mắt, đây vẫn là một tác nhân rất nguy hiểm”, đài Sputnik dẫn lời của nhà chức trách Nga. Ông Kahl nói thêm, chiến lược phòng thủ quốc gia của Lầu Năm Góc đánh giá Trung Quốc có khả năng thách thức Mỹ trong một số lĩnh vực, bao gồm quốc phòng, công nghệ và kinh tế. Trong khi đó, Nga được xếp vào hạng mục mối đe dọa tức thời hơn đối với Mỹ. Mỹ cũng không có ý định gây leo thang căng thẳng với Trung Quốc bằng chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) gần đây của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi./.

PV

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202209/nguoi-giau-chau-a-than-trong-bao-ve-tai-san-khi-rui-ro-toan-cau-tang-2552928/