Người giàu thành nạn nhân lừa đảo ở Singapore

'Những cá nhân khá giả cũng có thể trở thành con mồi của kẻ lừa đảo. Tội phạm biết cách khiến các nạn nhân tưởng rằng mình có được món hời', ông Hsu từ hãng luật Emerald Law nói.

"Khi ta đề cao cái tôi của người khác - nhất là những ai có địa vị xã hội cao như bác sĩ, luật sư - họ có xu hướng cảm thấy quá hài lòng về bản thân và dễ đưa ra quyết định không thấu đáo", Jon, người từng phạm tội lừa đảo trực tuyến, chia sẻ với CNA về điểm chung giữa các nạn nhân.

Sau 43 tháng thi hành án tù, anh đổi tên và bắt đầu cuộc sống mới. Trong cuộc phỏng vấn với CNA, Jon chia sẻ bài học kinh nghiệm trong bối cảnh tình trạng lừa đảo ở Singapore gia tăng giữa Covid-19.

Đầu năm nay, báo cáo do Bộ Nội vụ Singapore công bố cho thấy các trường hợp lừa đảo trên nền tảng thương mại điện tử được xếp hàng đầu với "một con số đáng kể". Các vụ mạo danh và lừa đảo trên mạng xã hội cũng gia tăng.

 Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, số trường hợp lừa đảo tại đảo quốc sư tử gia tăng đáng kể. Ảnh: Straits Times.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, số trường hợp lừa đảo tại đảo quốc sư tử gia tăng đáng kể. Ảnh: Straits Times.

"Bẫy" tâm lý

Chia sẻ với CNA, Jon cho biết trò gian lận anh từng sử dụng có liên quan tới "gói kỳ nghỉ" trả trước. Nạn nhân sẽ đặt cọc tiền cho một chuyến nghỉ mát ở khu du lịch hoặc khách sạn nước ngoài với mức giá thấp hơn thị trường nhờ đăng ký thành viên.

Anh đã lừa khách hàng tin rằng họ sẽ được trả lại khoản phí ban đầu sau khi dừng hoạt động "thành viên".

Jon cho biết mọi hình thức lừa đảo đếu nhắm tới những nạn nhân với đặc điểm cụ thể. Đa số đối tượng mà anh nhắm tới đều "giàu có nhưng muốn tiết kiệm tiền", là các cặp vợ chồng mới cưới hoặc kết hôn đã lâu.

"Họ rất quan tâm tới chương trình giảm giá đối với các chuyến du lịch dành cho gia đình. Với các cặp vợ chồng trẻ, tôi cũng nhấn mạnh rằng 'gói kỳ nghỉ' này có thể chuyển lại cho con cái về sau. Khi thấy ánh mắt họ sáng lên, tôi biết rằng 'cá đã cắn câu' vì tham lam", Jon nói.

 Các vụ lừa đảo liên quan tới khẩu trang và dung dịch sát khuẩn gia tăng ở Singapore giữa Covid-19 do tâm lý "sợ hết hàng". Ảnh: Straits Times.

Các vụ lừa đảo liên quan tới khẩu trang và dung dịch sát khuẩn gia tăng ở Singapore giữa Covid-19 do tâm lý "sợ hết hàng". Ảnh: Straits Times.

Keith Hsu, đối tác quản lý tại công ty Emerald Law, nhấn mạnh không phải ai cũng là nhà đầu tư thông thái vì dư dả tài chính.

"Những cá nhân có điều kiện khá giả cũng có thể trở thành 'con mồi' của kẻ lừa đảo trên khía cạnh cảm xúc. Tội phạm biết cách khiến các nạn nhân tưởng rằng mình thông minh, có được món hời", Hsu nhận xét.

Nhà tâm lý học lâm sàng Annabelle Chow cho biết khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều kẻ lừa đảo còn đưa ra những "cái bẫy" mang tính cá nhân hóa, đánh vào tâm lý "sản phẩm rất khan hiếm".

"Giữa Covid-19, các vụ lừa đảo liên quan tới khẩu trang y tế và dung dịch sát khuẩn gia tăng mạnh. Nhiều người mắc bẫy vì tâm lý muốn tích trữ hàng hóa giá rẻ và sợ hết hàng", Tiến sĩ Chow nói.

Không có "món hời dễ dàng"

Theo CNA, Lực lượng Cảnh sát Singapore luôn khuyến cáo người dân không tin tưởng vào những quảng cáo "tốt đẹp quá mức tưởng tượng".

Tuy nhiên, điều đó không hề dễ dàng nếu đối tượng không có sự tìm hiểu, mày mò thông tin trước khi "đặt bút, rút tiền", Jon nói.

Anh giải thích rằng nếu ai đó chào mời một đêm nghỉ dưỡng tại khách sạn hạng sang Marina Bay Sands với giá 300 USD ngay lúc này, nhiều người dễ tin vào điều đó dù biết dịch Covid-19 ảnh hưởng tới ngành du lịch, nhà hàng - khách sạn ra sao.

 Jon khuyến cáo người tiêu dùng không nên tin vào những quảng cáo "tốt đẹp quá sức tưởng tượng". Ảnh: Bangkok Post.

Jon khuyến cáo người tiêu dùng không nên tin vào những quảng cáo "tốt đẹp quá sức tưởng tượng". Ảnh: Bangkok Post.

Một điểm khác cần cảnh giác chính là từ khóa "hôm nay" ở các quảng cáo, thông báo mang tính "đánh lừa".

"Kẻ lừa đảo không muốn cho đối tượng thời gian để tìm hiểu, cân nhắc thấu đáo nên sẽ dựa vào từ khóa này. 'Hôm nay có chương trình khuyến mãi đặc biệt, giá giảm kịch sàn trong hôm nay'...", Jon tiết lộ.

Ông Hsu từ công ty Emerald Law hoàn toàn đồng tình với điểm này. "Đừng quá vội vàng giao tiền cho người khác. Nếu ai đó hối bạn đưa ra quyết định ngay lập tức để có món hời, hãy coi đó là dấu hiệu cảnh giác".

Hiện tại, Jon đang áp dụng kiến thức chuyên môn về lĩnh vực bán hàng vào việc làm tốt hơn. Anh tham gia một khóa học tiếp thị kỹ thuật số và nỗ lực cải thiện khả năng.

Khi CNA hỏi lý do chia sẻ về quá khứ lầm lạc, anh cho biết muốn dùng câu chuyện của mình để giáo dục, nâng cao nhận thức cho người khác. Thậm chí, anh còn nuôi ý tưởng thực hiện một kênh podcast về chủ đề cảnh giác trước các trò lừa đảo.

"Dù thay tên đổi họ, những ai biết tôi đều sẽ nhớ mặt. Tôi không thể chạy trốn quá khứ hoặc thay đổi ngoại hình. Nhưng với những ai chưa biết, tôi có thể giáo dục họ", anh nói.

Chia sẻ với CNA, Jon cho biết anh vẫn cảm thấy hối hận vì hành vi phạm tội trước kia.

"Mỗi lúc nghĩ tới kỳ nhận lương tiếp theo, tôi lại nghĩ tới cảnh mình sẽ vật vã thế nào nếu tiền tiết kiệm bị lừa bởi người khác. Lương tâm tôi dằn vặt mỗi đêm", anh thú nhận.

Jon nói thêm: "Tôi mong mọi người hiểu rằng không có món hời nào tới một cách dễ dàng. Hãy luôn cẩn trọng với các trò lừa đảo".

Ngọc Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-giau-thanh-nan-nhan-lua-dao-o-singapore-post1226957.html