Người 'giữ lửa' cho làng

'Đời sống phát triển hơn nhiều rồi, nhưng lo nhất là văn hóa truyền thống của đồng bào Cờ Ho đang ngày càng mai một' - chia sẻ của ông K'Điệp cũng chính là những gì tôi cảm nhận được khi đi giữa vùng đất có gần 100% người Cờ Ho sinh sống, mà không hề biết đây là thôn làng của đồng bào Cờ Ho.

Từ những trăn trở…

Từng có 10 năm làm phóng viên Đài Truyền hình Lâm Đồng nên ông K’Điệp (thôn 4, xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) có dịp đặt chân đến nhiều vùng đất ở tỉnh Lâm Đồng – nơi đồng bào Cờ Ho chiếm số đông trong số 43 DTTS cùng sinh sống.

Ông K’Điệp (trái) giới thiệu với nhà báo Uông Thái Biểu về cuốn “Tài liệu dạy và học tiếng Cờ Ho”

Ông K’Điệp (trái) giới thiệu với nhà báo Uông Thái Biểu về cuốn “Tài liệu dạy và học tiếng Cờ Ho”

Đi nhiều, được tìm hiểu, tiếp xúc nhiều, trở về địa phương lại từng làm Trưởng Ban Văn hóa xã Tam Bố nên ông K’Điệp luôn trăn trở về sự mai một bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS, đặc biệt là tiếng nói, chữ viết, trang phục và các nghi lễ, lễ hội, dân ca của người Cờ Ho. “Lớp trẻ bây giờ lo làm kinh tế để bằng chị bằng em, ít cháu quan tâm tới văn hóa. Nhiều cháu không thể giao tiếp bằng tiếng Cờ Ho; đồng dao, dân ca thì càng ít cháu biết…”.

Năm 2010, được tham gia biên soạn cuốn “Tài liệu dạy và học tiếng Cờ Ho” - ông K’Điệp vui lắm. Ông “dốc” hết vốn liếng ngôn ngữ, chữ viết của người Cờ Ho mà cha mẹ cho, những tinh túy mà ông có được trong những năm tháng trải nghiệm, sống và làm việc với mong muốn gìn giữ ngôn ngữ của dân tộc mình.

Với sự chung tay của ông K’Điệp và những người tâm huyết, trách nhiệm với công tác dân tộc, với việc phát triển, giữ gìn văn hóa của đồng bào Cờ Ho, cuốn “Tài liệu dạy và học tiếng Cờ Ho” đã được đưa vào giảng dạy; giúp cho nhiều cán bộ, công chức và cán bộ cơ sở cấp xã, phường, thị trấn ở tỉnh Lâm Đồng có thể học tiếng Cờ Ho chủ động và nhanh chóng. Mới đây, cuốn sách đã được tái bản, bổ sung, chỉnh lý để giảng dạy hiệu quả hơn.

… đến tâm huyết gìn giữ

Trò chuyện với chúng tôi, nhắc tới câu chuyện văn hóa, ông K’Điệp phấn chấn khác thường. Ông kể về lúc tỉ tê, trò chuyện cùng các cụ cao niên trong xã để nghe và ghi lại vô số câu chuyện, những khúc đồng dao riêng có của người Cờ Ho; rồi những buổi đề nghị, thuyết phục chính quyền, bà con có hoạt động văn hóa gì, cũng cố gắng khôi phục nghi lễ vốn có của người Cờ Ho. Cũng chính bởi tấm lòng đau đáu với văn hóa, bản sắc của dân tộc mình, nên mỗi lần được mời nói chuyện về văn hóa truyền thống ở các trường học, ông K’Điệp đều sốt sắng nhận lời. Với ông, được nói về văn hóa của dân tộc mình là niềm vui; nói để văn hóa được lan tỏa, được người nghe hiểu và trân trọng là những gì ông khao khát và luôn cố gắng: “Tôi không được học hành, nghiên cứu, hệ thống bài bản về văn hóa, nên chỉ nói những gì có trong tim, trong đầu mà mình biết, mình cảm nhận. Tùy đối tượng mà tôi chọn cách nói nào cho phù hợp” – ông K’Điệp chia sẻ.

Sau hơn 30 năm công tác tại xã Tam Bố, về nghỉ công tác, năm 2018, ông K’Điệp được đồng bào bầu chọn làm người có uy tín thôn 4, xã Tam Bố. Ở vai trò mới, ông K’Điệp lại tiếp tục ngược xuôi các thôn làng tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, của Nhà nước, tuân thủ các quy định của pháp luật, tham gia hiến đất, hiến ruộng xây dựng nông thôn mới. Bản thân ông K’Điệp cũng là người tích cực đi đầu trong mọi hoạt động của thôn làng. Hiện ông đang ấp ủ sẽ cùng bạn bè soạn cuốn về hôn nhân trong cộng đồng người Cờ Ho. “Các cụ già đang dần đi hết rồi, còn lại những người như mình, mình không làm gương, thì sau nói cho con cái, cho buôn làng như thế nào đây…” – ông K’Điệp bùi ngùi.

Vẫn biết, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống là công việc không đơn giản, thậm chí rất khó khăn khi mà không gian sinh tồn, không gian xã hội vốn dựa vào rừng của người DTTS đang dần mất đi; cơ cấu dân cư, kết cấu làng xã, phương thức canh tác đã có những thay đổi. Vậy nhưng, với tình cảm, tâm huyết của già làng 64 tuổi - K’Điệp, hy vọng sẽ góp thêm tiếng nói tích cực để giữ lại những gì tinh túy, đặc sắc trong văn hóa của đồng bào Cờ Ho.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-giu-lua-cho-lang-128934.html